Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024

Săn hàng hiệu thanh lý giá hời

TUỆ NHÃ -

Mua hàng thời trang thanh lý và giảm giá trở thành một xu hướng thu hút rất nhiều chị em phụ nữ, kể cả những người có thu nhập hạng trung muốn sở hữu những món đồ authentic (hàng xịn chính gốc từ nhà sản xuất) với giá hời.

Hàng hiệu... secondhand

Với sự khủng hoảng thừa của thời trang và xu hướng tiêu dùng nhanh được các tập đoàn thời trang giá rẻ khởi xướng (ví dụ, Zara chỉ giới hạn sáu tháng tiêu thụ cho một mùa sản phẩm), xu hướng thanh lý tủ quần áo để lấy lại một phần chi phí, dọn trống không gian để mua sắm đồ mới đã có cuộc phối ngẫu tuyệt vời với nhu cầu sở hữu đồ hiệu của những người chưa có nhiều tiền. Người Việt mê hàng hiệu thứ ba thế giới, 56% sẵn sàng chi “khủng” cho đồ hiệu, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ (theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen), nên chẳng bất ngờ lắm khi các nhà phân phối đang biến câu nói của ông Philippe Léopold-Metzger, Chủ tịch Tập đoàn Đồng hồ Piaget – “Việt Nam là thị trường tiềm năng của hàng hiệu” – thành hiện thực với các trung tâm thương mại cao cấp lẫn hệ thống cửa hàng riêng tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Phú Quốc, Nha Trang, Biên Hoà… và hàng loạt thương hiệu hàng thời trang lớn nhỏ du nhập vào.

TT1

Thay vì sử dụng những chiếc túi “fake 1”, “super fake” (hàng nhái) hiệu Louis Vuiton-Gucci-Chanel giá vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng, Hermes giá 4-10 triệu đồng, người tiêu dùng trẻ có học thức tại các đô thị, không phải chỉ TPHCM, Hà Nội mà cả vùng lân cận như Nam Định, Hải Dương, Cần Thơ, Biên Hoà, Vũng Tàu, Rạch Giá, Tiền Giang, Thủ Dầu Một… ngày càng ưa thích với việc lựa chọn các thương hiệu bình dân và cận trung cấp nước ngoài như Zara, F21, Mango, Nasty Girl, H&M, Berska, Top Shop, Gap, Coach, Furla, DKNY, Micheal Kors…

Tuy nhiên, dù với mức giá chỉ khoảng 1 triệu đồng đến 10 triệu đồng/món hàng hiệu thì so với thu nhập trung bình tại đô thị đó vẫn là chi phí đáng kể với đa số người. Do vậy, việc mua lại hàng đã qua sử dụng hoặc hàng thanh lý với mức giá rẻ hơn được nhiều người ưa thích. Thay vì mua sắm tại các trung tâm thương mại với mức giá cao hơn (các loại thuế và phí nhân viên, phí thuê mặt bằng điện nước…) và tốn thời gian nhiều hơn, họ tìm đến các trang web bán hàng sale online (bán hàng trực tuyến) hoặc hàng hiệu cũ đã qua sử dụng, hàng hiệu thanh lý trên mạng với chi phí thấp hơn.

Rất dễ tìm mua

Chưa bao giờ việc mua hàng online giảm giá lại dễ dàng như hiện nay. Tất cả các trang web như Asos, F21, H&M, Macy’s, The Outnet, Zara, eBay, Net a porter, Victoria Secret… đều có hàng giảm giá suốt năm hoặc theo mùa. Khách hàng chỉ cần cho biết món hàng cần mua, kích cỡ, màu sắc – các cá nhân/shop online chuyên “order” hàng nước ngoài sẽ “lo từ A đến Z” cho người tiêu dùng. Với mức phí thông thường gồm giá hàng, thuế, phí vận chuyển (ship) nước ngoài (nhiều trang web mua trên 50 đô la sẽ miễn phí), công mua từ 0% đến 6%, phí ship từ nước ngoài về Việt Nam dao động 5-13 đô la/kg (tùy mặt hàng) và tỷ giá phụ trội lên khoảng 300 đồng/đơn vị tiền tệ. Như vậy, với một mức giá rẻ hơn (cộng lại tất cả vẫn rẻ hơn) cửa hàng tại Việt Nam, sẽ có người giao hàng đến tận chỗ bạn ngồi sau 2-3 tuần. Ngoài Hermes và Chanel, gần như hàng hiệu nào cũng bán online và các nhân viên văn phòng có thể ngồi một chỗ mua hàng giảm giá khắp thế giới. Và người kinh doanh dịch vụ này cũng có thể thu đến 20% lợi nhuận từ các đơn hàng, vì ngoài tiền phụ trội thu từ khách, các trang web bán hàng nước ngoài thường xuyên có ưu đãi cho những người mua sỉ như coupon giảm giá hay quà tặng kèm.

TT2

Bên cạnh việc đặt hàng từ nước ngoài, nhiều trang Facebook cá nhân thường xuyên bán đồ hiệu (có sẵn) đã qua sử dụng chưa kể hàng trăm hội nhóm thanh lý khắp các miền từ Nam chí Bắc có ở trên mạng như hội thanh lý trao đổi hàng xách tay, hội thanh lý hàng hiệu đã qua sử dụng, mua trên trời bán dưới đất… với hàng chục, hàng trăm ngàn thành viên. Những món đồ đã qua sử dụng, những món hàng xách tay không vừa kích cỡ… được rao bán cho mọi người có nhu cầu với một mức giá thấp hơn 20-90% so với thông thường.

Nhưng coi chừng nhầm

Tuy nhiên, mua hàng thanh lý có “hời” hay không lại tùy thuộc rất nhiều vào sự tinh khôn và cẩn trọng của người mua hàng. Nếu không có điều kiện xem tận mắt món hàng mà đã chuyển tiền giao dịch cho người lạ, người mua chẳng khác nào “cầm đằng lưỡi”, rất khó đòi lại tiền của mình. Không hiếm những trường hợp sau khi nhận món hàng “mặc 1-2 lần” trên mạng từ dịch vụ giao nhận đã phải “la làng” vì món đồ quá cũ kỹ, hư hỏng, dơ bẩn đến mức khó có thể sử dụng được. Hoặc khi bạn mua hai chiếc váy Zara kích cỡ (size) S nhưng một chiếc rộng, một chiếc chật là chuyện rất bình thường. Những sản phẩm hàng chính hãng vẫn bị lỗi, đơn giản vì với mức thu nhập ở Việt Nam chúng có thể đắt, nhưng ở nước ngoài Zara, HM, F21… chỉ là hàng giá rẻ. Và thường thì các “nạn nhân” chẳng bao giờ đổi trả sản phẩm mà chỉ bấm bụng… thanh lý giá rẻ hoặc chỉnh sửa để sử dụng, vì việc đổi trả quá nhiêu khê, chi phí ship quá cao, chưa kể các mặt hàng giảm giá mua qua mạng còn có quy định không đổi trả.

Như thế vẫn chưa phải tệ nhất. Tệ nhất là mua phải một món hàng “không phải authentic”. Bởi giá một chiếc túi hiệu thanh lý, dù nói là “hời”, có khi vẫn ở mức vài chục triệu đồng, và chẳng phải ai cũng đủ kiến thức để phân biệt những món hàng nhái quá tinh tế, nhất là khi hàng thanh lý thường không còn hóa đơn, thẻ hàng chính hãng. Đã có những trường hợp bị bắt sau khi thu về hàng trăm triệu đồng. Vụ ầm ĩ nhất là tố “túi Chanel nhái” của một người và chủ trang bán hàng hiệu secondhand. Sự vụ rơi vào im lặng, thật-giả cũng không được xác minh và tiền được hoàn trả về chủ cũ, nhưng từ những lời tố qua tố lại cũng cho thấy rằng thật-giả khó lường.

Vài người chuyên nghề “buôn hàng thanh lý” cũng xuất hiện, là mua lại đồ thanh lý của người khác với giá rẻ rồi bán với giá cao hơn. Chẳng hiếm gì những lời rao thanh lý một món đồ kiểu như “Giá gốc 50 đô, mua về không hợp thanh lý nhanh 500 ngàn đồng” nhưng trên thực tế là sản phẩm đó ở nước ngoài vừa giảm xuống còn 9,9 đô la. Hoặc những người có tiếng chuyên nhận ký gửi hàng thanh lý rồi “ăn phần trăm” hoặc “ăn chênh lệch” trên giá tiền món hàng đó.

Dù vậy, tồn tại song song với hàng hiệu chính hãng tại các trung tâm thương mại, hàng hiệu xách tay và hàng hiệu thanh lý vẫn cứ ngày càng nở rộ hơn do tiết kiệm chi phí cho cả người bán và người mua.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Xe đạp xếp gọn

0
CHÍ BẢO - Với một chiếc xe đạp gấp mang theo, người tiêu dùng có thể đạp xe ở đâu trong chuyến du lịch của...

Khi phụ nữ ra đường là… ninja

0
THANH DƯƠNG - Áo khoác chống nắng, một sản phẩm quen thuộc với khá nhiều phụ nữ khi đi xe máy trên đường phố...

Thời trang vỉa hè hút giới trẻ

0
Minh Minh Thời gian gần đây các gian hàng vỉa hè dần trở nên nhộn nhịp ở TPHCM. Sản phẩm ngày càng phong phú, kiểu...

Đầu vào khổng lồ, đầu ra tí hon

0
Ngày 11-11 hàng năm được xem là ngày dành cho những người độc thân ở Trung Quốc kể từ năm 1993 và vài năm...

Tỉnh táo khi mua hàng công nghệ ở nước ngoài

0
Câu chuyện một du khách Việt Nam bị lừa khi mua iPhone 6 ở khu bán hàng điện tử Sim Lim (Singapore) đã dấy...

Kết nối