Chủ Nhật, Tháng mười một 17, 2024

Sân chơi có mặt tiểu thương

Vũ Yến

Để đưa rau quả Việt Nam đi ra nước ngoài, bên cạnh các doanh nghiệp nông sản còn có sự góp mặt của tiểu thương ở chợ. Tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn hay chợ đầu mối Thủ Đức (TPHCM), một số tiểu thương nhiều năm nay đã tham gia xuất khẩu và hướng kinh doanh này tỏ ra khá thành công.

Vừa trực tiếp, vừa qua thương lái

Ở thời điểm này, bà Long Kim Liên, một chủ vựa rau quả tại chợ đầu mối Hóc Môn, đều đặn mỗi tuần xuất sang Singapore 1-2 container hàng hóa, bao gồm chanh tươi, ớt tươi các loại. Mỗi container khoảng 10-11 tấn nếu hàng được đóng gói bao bì, hoặc khoảng 7-8 tấn nếu hàng để trong thùng. Về nguồn hàng, với chanh tươi không hạt thì bà mua ở Long An, còn ớt tươi thì tùy theo mùa sẽ thu mua tại các tỉnh như Đồng Tháp, Tiền Giang, Tây Ninh...

Ngoài việc xuất khẩu trực tiếp cho đối tác tại Singapore, bà còn thông qua thương lái để xuất hàng đi Malaysia, Trung Quốc. Nhưng số lượng này không nhiều, không đều đặn và thời gian gần đây rất ít bởi khách hàng từ Malaysia, Trung Quốc thường vào tận vườn, giao dịch thẳng với nông dân.

Lựa chanh, đóng thùng xuất khẩu qua Singapore ở vựa của bà Long Kim Liên. Ảnh: Vũ Yến
Lựa chanh, đóng thùng xuất khẩu qua Singapore ở vựa của bà Long Kim Liên. Ảnh: Vũ Yến

Hướng đi đôi khi bắt đầu từ một sự tình cờ. Bà Liên kể, năm 1991 khi còn kinh doanh ở chợ cầu Muối (quận 1), qua trung gian là một thương lái bà đã xuất khẩu một số mặt hàng như ớt, chanh qua Singapore. Được một thời gian thì chính người mua hàng Singapore đó sang Việt Nam tìm bà, đề nghị hợp tác làm ăn lâu dài. Người này giải thích có nhập hàng của một số nơi, qua một số đầu mối trung gian nhưng thấy hàng của bà có chất lượng ổn định nên tìm tới. Họ có cửa hàng bán sản phẩm tươi cho người dân, đồng thời có xưởng sản xuất tương ớt nên đặt số lượng khá lớn.

“Tôi và người nhà không ai biết tiếng của họ nên ban đầu rất lo lắng nhưng nghĩ tới nghĩ lui làm ăn cũng phải mạo hiểm, vậy là tôi đồng ý. Hàng đóng chuyển đi họ lập tức chuyển tiền thanh toán, vài lần như thế, rồi tin tưởng nhau, làm ăn tới tận bây giờ”, bà Liên nói.

Bà Liên cho biết, vì không biết tiếng nên hình thức giao dịch là chuyển fax mã hàng, bà nhìn mã hàng là biết loại nào, số lượng bao nhiêu. Bà sẽ fax lại báo giá cụ thể từng loại, nếu khách đồng ý bà theo đó lựa chọn hàng hóa, đóng gói, chuyển theo container qua Singapore bằng đường biển tại cảng Cát Lát hay cảng Sài Gòn. Hàng chuyển đi, phía đối tác sẽ chuyển khoản vào ngân hàng.

Không xuất khẩu trực tiếp, bà Huỳnh Bé Hai, chủ vựa trái cây ở chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, đưa xoài cát Hòa Lộc sang Pháp, Úc qua trung gian là thương lái. “Mỗi tuần tôi đóng gói trung bình từ 600 kg đến 1 tấn xoài để thương lái gửi cho khách hàng ở Pháp và Úc. Có đợt, nếu khách yêu cầu thì thêm khoảng 100-150 kg thanh long”.

Còn ông Bùi Thanh Vân, Giám đốc Công ty TNHH TM Vân Phát, một đơn vị cũng ở chợ đầu mối Hóc Môn, cho biết ông đang xuất khẩu các sản phẩm khoai môn, khoai lang, mít, chuối sấy khô hoặc đông lạnh sang các thị trường như Trung Quốc, Campuchia. Nguồn nguyên liệu được ông thu mua trực tiếp tại vườn của nông dân ở An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang...

“Tôi trực tiếp đi qua các nước để tìm khách hàng. Dần dần có khách hàng tự tìm tới mình. Hiện nay, trung bình mỗi tháng công ty xuất một container hàng; nếu là hàng cấp đông thì khoảng 25 tấn sản phẩm (tương đương với 40 tấn nguyên liệu), nếu là hàng sấy khô thì khoảng 9 tấn (tương đương 45 tấn nguyên liệu)”, ông Vân cho biết.

Cẩn thận để không lo lắng

Để công việc làm ăn lâu dài, xuất khẩu thuận lợi, bà Liên ở chợ đầu mối Hóc Môn cho biết không chỉ hình thức bên ngoài của rau quả đáp ứng đúng theo yêu cầu của khách hàng mà còn phải lấy mẫu đem kiểm nghiệm tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (TPHCM). Nếu hàng đảm bảo an toàn mới đóng thùng gửi đi.

Tương tự, bà Hai ở chợ đầu mối Thủ Đức nói rằng, để đảm bảo chất lượng trái xoài, bà làm việc trực tiếp với một số nhà vườn hoặc thông qua thương lái có mối quan hệ làm ăn lâu năm, cũng như nhờ người có kinh nghiệm hướng dẫn cho nông dân cách chăm sóc, phun xịt thuốc sao cho an toàn. Sản phẩm đưa về chợ, bà Hai là người trực tiếp lựa từng trái.

“Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm nên trái cây chưa đạt yêu cầu, xuất sang họ không nhận, chưa kể thương lái yêu cầu mình phải chịu tiền cước phí vận chuyển. Hàng xuất đi mà không đạt, trả lại thì mình là người thiệt đầu tiên, nên ngay từ đầu đã phải cẩn thận từng chút một”, bà Hai nói.

Ông Vân của Công ty Vân Phát lý giải thêm, hàng hóa xuất đi còn phải phụ thuộc vào tiêu chuẩn cụ thể của từng nước. Muốn đạt được những tiêu chuẩn đó thì từ quá trình lựa chọn nguyên liệu đến quá trình chế biến sản phẩm phải kỹ càng, khắt khe. Công ty ông cũng có những hợp đồng, quy định cụ thể với nhà vườn về quá trình phun, xịt thuốc, về chất lượng sản phẩm... Song song đó, hỗ trợ người trồng về vốn, kỹ thuật để tạo nguồn nguyên liệu chất lượng, đảm bảo.

“Có khách hàng trả tiền trước nhưng cũng có những khách nhận hàng, kiểm tra chất lượng rồi mới chuyển tiền. Nếu không đảm bảo, họ trả hàng lại ngay. Có những khách hàng cử người sang giám sát trực tiếp quy trình của mình”, ông Vân nói.

Bên cạnh những thuận lợi, các tiểu thương cũng cho biết họ gặp một số khó khăn nhất định. Cụ thể như nguồn vốn hạn chế, chi phí vận chuyển khá lớn, quá trình vận chuyển gặp ách tắc do thời tiết, do kiểm định, hàng hư hỏng phải đổ bỏ, nguồn hàng đôi khi không đạt chất lượng theo ý muốn... Thậm chí, theo bà Liên, có trường hợp hàng xuất đi rồi mà khách hàng không trả tiền.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

TPHCM: Tiểu thương chợ Thủ Đức ‘than khổ’ mỗi khi mưa...

0
(SGTT) - Trong gần một tháng vừa qua, TPHCM đã đón liên tiếp những cơn mưa lớn, tiểu thương tại chợ Thủ Đức (TP...

Chuyện những tiểu thương đưa chợ truyền thống lên… mạng

0
Lượng khách đến chợ truyền thống đang giảm do thói quen mua sắm của khách hàng đã khác trước. Thay vì ra chợ, nhiều...

Giá thịt heo tăng: quán ăn “đắn đo” giữ giá, tiểu...

0
(SGTT) – Khoảng một tháng trở lại đây, các tiểu thương ở chợ truyền thống TPHCM cho biết thịt heo bắt đầu lên giá...

Tiểu thương muốn có tiếng nói khi xây chợ

0
AN NGUYỄN (Đồng Nai) - Nhiều khu chợ mới xây ở tỉnh Đồng Nai, nơi tôi sống bị bỏ hoang. Một trong các lý do...

Tiểu thương “học” buôn, “học” bán

0
Phong cách giao tiếp, bán hàng của tiểu thương tại nhiều ngôi chợ truyền thống hiện đang thay đổi theo hướng tích cực hơn...

Kết nối