Bạn đọc kính mến,
Sài Gòn Tiếp Thị trân trọng giới thiệu đến bạn đọc số báo đặc biệt Xuân Ất Mùi 2015, sẽ có mặt trên các sạp báo từ ngày 30-1-2015. Trong giai phẩm này, Sài Gòn Tiếp Thị muốn cùng bạn đọc chia sẻ một góc nhìn khác về chợ, ở đó chợ được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ là những ngôi chợ thuần túy mà còn là cuộc đời, là con người gắn liền với môi trường sống, với nghề nghiệp, với những cuộc mưu sinh.
Đặc biệt, trong giai phẩm này, Sài Gòn Tiếp Thị chọn nhấn mạnh đến cuộc sống, nghề nghiệp, cũng như chuyện làm ăn mua bán nơi vùng biển – một “ngôi chợ lớn”. Bởi, ngay từ xa xưa, biển hầu như đã gắn chặt với cộng đồng cư dân Việt, vừa bao dung vừa khắc nghiệt. Ở khía cạnh tích cực, biển cưu mang, nuôi dưỡng, cung cấp sản vật, tài nguyên cho cư dân Việt; biển mang hàng hóa của người Việt đi ra khắp thế giới…
Có biển là có bến cập, có chợ. Chợ vùng ven biển như một mái nhà chung, một không gian giao tiếp, trao đổi hàng hóa… Ở đó, có bao cuộc mưu sinh kiếm sống rất đôn hậu, mãnh liệt; thầm lặng hay mạnh mẽ. Không chỉ có chợ, xứ biển còn bao nghề đóng ghe, dệt lưới, đan thúng… cộng sinh cùng biển khơi. Biển đã gắn với đời sống cư dân duyên hải như “người tình trăm năm” với một phận người.
Có biển có chợ. Có đất liền có chợ. Chợ trên mặt đất sinh động hơn, đa dạng hơn, quy mô hơn và cả thời đại hơn. Chợ xép, chợ chồm hổm bên đường làng với đầy ắp những ký ức; chợ chạy rong trên phố; chợ trong cao ốc; chợ dưới đất… rồi cả chợ trên đám mây. Chợ không thể thiếu giữa cuộc sống con người từ ngàn xưa đến nay và cả ngày mai...
“Chợ đời” cũng như chuyện đời có lắm ngẫm ngợi, nghĩa tình với nhiều cung bậc cảm xúc; từ chuyện người nông dân với hạt gạo, những buổi chợ mai, chợ trôi… cho đến những làn điệu dân ca, nó quyện chặt lấy đời người.
Suy cho cùng, trung tâm của cuộc sống vẫn là con người. Bóng dáng con người xuất hiện với đầy cảm thức, nghĩ suy và trải nghiệm trong những cuộc mưu sinh như chưa bao giờ ngưng nghỉ.
Giai phẩm Đời biển-Đời chợ-Đời người có sự góp mặt của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, doanh nhân, nhà văn, nhà báo: Võ Tòng Xuân, Nguyễn Văn Kiền, Phan Trung Nghĩa, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Quang Bình, Phan Trung Vân, Lê Uy Linh, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Phạm Đình Quát, Xuân Huy, Nam Thụ, Thanh Quang, Bùi Diệp, Hạnh Phúc, Trần Minh, Như Quỳnh, Nam Hưng, Hồng Phúc, Chí Thịnh, Vũ Yến…
Sài Gòn Tiếp Thị Xuân Ất Mùi gồm 72 trang ruột, in trên giấy couché, 4 màu; giá bìa: 28.500 đồng.
Kính mời bạn đọc đón xem.