Thứ sáu, Tháng mười hai 27, 2024

Sài Gòn mỗi ngôi chợ một kho tàng văn hóa lối sống thú vị

(SGTT) - Những ngôi chợ luôn hào sảng cho người xa phương thấy tập quán tiêu dùng, đời sống văn hóa bản địa. Thật mừng khi danh sách 100 điều thú vị của TPHCM có tên chợ Bến Thành, chợ Bình Tây, chợ Tân Định, chợ hoa Hồ Thị Kỷ… Và nếu được đầu tư theo hướng tài nguyên du lịch, các chợ nhỏ trong bất cứ khu dân cư nào của thành phố này cũng hấp dẫn du khách. Bởi tự thân mỗi ngôi chợ đã chứa vô vàn những câu chuyện văn hóa lối sống thú vị…
Chợ hoa Hồ Thị Kỷ nằm trong danh sách 10 điểm mua sắm thú vị (trong công bố 100 điều thú vị của TPHCM). Ảnh: Lê Vũ

1. Có lẽ tôi “chảnh” hơn bạn bè cùng lứa ở tỉnh lẻ vì được đi chợ Sài Gòn khá sớm. Năm tôi học lớp 7, mẹ thưởng cho tôi chuyến xuôi Nam theo hành trình “lấy hàng” của bà.

Lấy hàng, nhặt hàng, đánh hàng, gom hàng… là các từ thông dụng của đám con cái có cha mẹ buôn bán thời trước khi thương mại điện tử bùng nổ. Ngoài công việc chính ở cơ quan nhà nước, mỗi tháng mẹ tôi thu xếp một chuyến theo tàu lửa vào TPHCM lấy hàng, đem về giao cho các quán ở ngoài quốc lộ và các quầy trong chợ thị xã. Việc này giúp mẹ nuôi được đàn con chúng tôi.

Vì mẹ “nhặt” nhiều loại hàng hóa khác nhau, nên chuyến đi Sài Gòn nào của bà cũng vất vả. Mẹ tôi phải tự tay chọn hàng ở nhiều ngôi chợ Sài Gòn, thuê người đóng thành bao tải lớn rồi mang về.

Lần đầu tôi đến Sài Gòn ấy, mẹ gửi tôi ở hàng nước mía trước chợ Bình Tây (quận 6, TPHCM) để vào trong chọn làn nhựa. Bà nói chợ đông, mà làn thì to và nặng, bà không thể nắm tay tôi nên sợ tôi theo vào trong sẽ lạc. Tôi ngoan ngoãn nhìn bóng mẹ theo dòng người nhộn nhịp đi qua cổng chợ.

Ảnh: Lê Vũ

Tôi nhớ cái cổng ấy rất rõ. Nó ngay dưới tháp đồng hồ, bên trên chiếc đồng hồ là mái ngói âm dương có đôi rồng chầu. Lúc ấy tôi đã thoáng nghĩ: “Chợ gì mà lại có rồng, giống chùa thế, uy nghiêm quá! Có khi nào những hình ảnh uy nghiêm này sẽ giúp người mua kẻ bán bớt dối lừa nhau?”.

Hơn tất cả, ấn tượng của tôi về chợ Sài Gòn không chỉ là người tấp nập, hàng hóa ngồn ngộn, mà còn là vẻ mặt tươi cười, là tiếng chào mời, dạ thưa ngọt lịm của các bà các cô ngồi lọt thỏm giữa núi hàng hóa.

Cảm giác một mình giữa biển người xa lạ khi đó không hề dễ chịu. Đúng lúc, cô chủ quán bưng tới ly nước mía mát lạnh. Cô chừng 30 tuổi, mặc áo bà ba xẻ tà cao, lộ rõ vùng eo thon. Da cô trắng, môi cô đỏ, dáng mềm mại, toát ra sự thơm tho, xinh đẹp. Cầm tay tôi, cô cất tiếng miền Nam ngọt lịm: “Cưng ngồi đây với dì. Chút xíu mẹ ra liền hà!”.

Người miền Nam hay xưng dì thay vì xưng cô, sau này đọc sách của nhà văn Sơn Nam tôi mới hiểu. Nhưng tiếng “cưng” và nụ cười khi ấy mới êm ái làm sao. Êm đến nỗi hơn 30 năm sau tôi còn nhớ. Tôi ngồi xuống chiếc ghế nhựa, lòng lâng lâng trong cảm giác được phục vụ, chiều chuộng. Quan sát cách cô ấy bán hàng, giao tiếp với các vị khách khác, tôi nhanh chóng kết luận: Người ở chợ Sài Gòn đẹp và dễ chịu như dòng nước mát lành…

Cũng trong chuyến đi hồi 14 tuổi đó, tôi theo mẹ sang chợ Tân Bình lấy các mặt hàng vải sợi; sang chợ Tân Định lấy mặt hàng guốc gỗ, sang chợ Bà Chiểu lấy mặt hàng tôm khô, tới chợ Bến Thành lấy mứt dừa… Tôi phát hiện các chợ Sài Gòn đều có kiến trúc gần giống nhau. Cái cổng hao hao nhau, tiếp nối là khu nhà lồng mái cao bề thế. Bên trong nhà lồng là chằng chịt những dãy sạp hàng dọc ngang, sạp nào cũng ngồn ngộn hàng cao lút đầu người, nếu không quen đường đi là bị lạc. Bên ngoài nhà lồng là các mặt hàng phục vụ bữa ăn thường nhật như rau, cá thịt, các dãy bán thức ăn, nước giải khát…

Hơn tất cả, ấn tượng của tôi về chợ Sài Gòn không chỉ là người tấp nập, hàng hóa ngồn ngộn, mà còn là vẻ mặt tươi cười, là tiếng chào mời, dạ thưa ngọt lịm của các bà các cô ngồi lọt thỏm giữa núi hàng hóa.

Ảnh: Lê Vũ

Tôi cứ mãi thắc mắc “sao người Sài Gòn đáng yêu thế nhỉ?” và nghĩ ngay đến các đoàn cải lương miền Nam tới thị xã biểu diễn. Họ mang cùng ánh sáng sân khấu không chỉ câu vọng cổ bổng trầm, mà còn tiếng dạ nhẹ như gió và cách giao tiếp ứng xử văn minh giữa các nhân vật chính diện. Vậy, thứ ánh sáng đẹp đẽ ấy không chỉ trên sân khấu, chúng có thật tại Sài Gòn, trước mắt tôi, ngay ở chợ.

Cũng phải nói thêm rằng, chợ với người quê tôi luôn là nơi đại diện cho sự… không hiền hòa. “Khôn ngoan, giỏi giang thì ra chợ mà đấu, đừng đấu với anh em trong nhà”, mẹ tôi hay nói với đàn con như thế. Bạn bè tôi không phải ai cũng “có gan” đi chợ, vì ra chợ rất dễ bị người bán bắt nạt. Bạn càng hiền lành và nhút nhát, người bán càng ra sức “nắm thóp” và họ có rất nhiều kỹ năng làm cho bạn sợ, kết cục là bạn phải mua hàng theo cái giá họ muốn và ra về trong ấm ức.

Trong trường hợp muốn được tôn trọng và không mất tiền oan, bạn phải “lên gân”, phải “sĩ diện” theo cách nào đó. Tôi được xem là đứa con sắc sảo trong nhà nên hay được giao đi chợ mua thức ăn. Lần nào ra chợ, tinh thần tôi cũng căng như dây đàn, đôi khi tôi cũng phải sắm cho mình bộ mặt lạnh, bộ mặt “đanh đá” cùng tinh thần sẵn sàng chiến đấu…

Mẹ tôi và bạn bè của bà còn tổng kết: Mua bán ở chợ Sài Gòn rất dễ chịu. Người ta dùng chữ tín trước nhất, người ta dành dụm lòng tin cho lần sau, cho lâu dài, nên hầu như không ai kiểm đếm từng tờ tiền. Cũng có thể do làm ăn lớn, nên người Sài Gòn chỉ đếm theo xấp. Còn trong chợ thị xã quê tôi, mẹ rất mất sức ở khâu giao hàng và đếm tiền. Hàng giao rồi có thể bị lật lọng là chưa giao, hoặc giao chưa đủ. Tiền đã xếp sẵn một xấp 100 tờ từ ở nhà, nhưng ra chợ phải đếm đi đếm lại trước mặt người mình giao dịch, sơ xuất một chút là kẻ gian có thể tráo đổi, rút lõi, rồi phát hiện ra thì tới đoạn cãi cọ, mâu thuẫn, dọa “ăn tươi nuốt sống” nhau…

Hai thế giới bán buôn đối lập như vậy đã gây thắc mắc dữ dội trong đứa trẻ 14 tuổi là tôi, và có thể đã vô tình tạo ra sức hút của một “Sài Gòn dễ chịu”.

2. Do dòng đời xô đẩy, hoặc có thể do sức hút của “Sài Gòn dễ chịu” từ ấu thơ, một ngày đẹp trời tôi đã lên tàu xuôi Nam đến với Sài Gòn. Tôi may mắn tìm được việc làm rồi lập gia đình, sinh con, nuôi con, gắn bó với thành phố tới nay. Chuyển nhà năm – bảy lần qua vài quận, tôi đã đủ thân thiết với nhiều ngôi chợ lớn, chợ nhỏ.

Với đồng hương, tôi nghiễm nhiên trở thành “guide” cho bạn bè, bà con xa gần khi họ tới Sài Gòn. Sau này, bạn bè đại học lục tục xuất cảnh sống xa xứ, mỗi khi họ về nước, tôi cũng thành hướng dẫn viên…

“Dẫn mình đi chợ Bến Thành nhé” là mệnh lệnh quen thuộc tôi nhận được từ khi họ còn chưa đặt vé đi Sài Gòn. Các phụ nữ trung niên hoặc lớn tuổi thường nhờ tôi đưa đi mua sắm ở các chợ chuyên doanh hàng hóa theo nhu cầu của họ, hoặc gần nơi họ lưu trú như Tân Định, Tân Bình, Bà Chiểu, Đa Kao, Bàn Cờ, Bàu Cát, chợ Cũ… Các cháu thanh niên thích đi chơi đêm muốn tôi cùng khám phá chợ đầu mối nông sản Hóc Môn, Bình Điền, chợ đêm ẩm thực Hồ Thị Kỷ, chợ đêm Bến Thành…

Những người đàn ông đơn giản hơn, họ nói chỉ cần tôi dẫn đi ngó nghiêng kiến trúc các ngôi chợ trăm năm tuổi. Dẫn nhóm này đi tốn ít thời gian nhất, nhưng tôi phát hiện, họ là đối tượng tiêu rất nhiều tiền. Đàn ông mà, nghe tiếng cô tiểu thương mời chào với nụ cười duyên dáng là cầm lòng không đặng, sẽ hào hứng móc bóp mua hàng thôi.

Nhiều năm trong vai “guide chợ”, tôi thấy các điểm chợ thực sự là một kênh khai thác du lịch quý giá. Đi chơi chợ, nhiều khi khách không có mục đích tiêu dùng, mà là để thỏa mãn nhu cầu chạm vào, giao tiếp, tương tác trực tiếp với con người, để từ đó thấy rõ đời sống kinh tế, văn hóa của một vùng đất. Đi chơi chợ, khách có thể ngồi xuống ăn thử món đặc sản địa phương, mua món đồ đặc biệt của địa phương mang về làm quà, lưu niệm. Ăn và mua ở chợ ít bị lầm, giá lại phải chăng hơn so với khi mua ở các điểm dừng định sẵn của tuyến du lịch.

Trong một lần làm việc với Ban giám đốc Chợ đầu mối Bình Điền (huyện Bình Chánh, TPHCM), tôi nghe những người đứng đầu tâm tư về ước muốn thiết lập các tour tham quan chợ đêm. Họ mong hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành để khai thác chợ Bình Điền – “siêu chợ lớn nhất Đông Nam Á”, “ngôi chợ không ngủ suốt năm” – như cách người Nhật khai thác du lịch các chợ cá, hay người châu Âu tổ chức các tour du lịch tham quan mua sắm ở chợ Giáng sinh…

Mới đây, những người yêu chợ như tôi vui mừng khi thấy ngành du lịch thành phố đưa tên chợ Bến Thành, chợ Bình Tây, chợ Tân Định, chợ hoa Hồ Thị Kỷ… vào danh sách 10 điểm mua sắm thú vị (trong bản công bố 100 điều thú vị của TPHCM). Nếu được chú ý đầu tư theo hướng tài nguyên du lịch, tôi tin rằng không chỉ các chợ lớn, chợ lâu đời và nổi tiếng, mà các chợ nhỏ trong bất cứ khu dân cư nào cũng hấp dẫn du khách. Bởi tự thân mỗi ngôi chợ đã chứa vô vàn những câu chuyện văn hóa lối sống thú vị…

Minh Lê

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Thăm làng cổ Ma Lé trăm năm trên cao nguyên đá...

0
(SGTT) - Cách trung tâm huyện Đồng Văn khoảng 15 km, làng cổ Ma Lé (hay Má Lé)  có tuổi đời hàng trăm năm....

Những điểm tham quan quanh tuyến metro Bến Thành – Suối...

0
(SGTT) - Với chiều dài gần 20km và 14 ga, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên kết nối các khu vực trung tâm...

Đến Hà Nội thăm làng quạt giấy Chàng Sơn

0
(SGTT) - Quạt giấy Chàng Sơn là một trong những làng nghề truyền thống nổi tiếng của Hà Tây xưa, nay thuộc xã Chàng...

Về Nam Định ngắm vẻ uy nghi của nhà thờ Hưng...

0
(SGTT) - Nằm cách trung tâm thành phố Nam Định khoảng 35km, nhà thờ giáo xứ Hưng Nghĩa thuộc giáo phận Bùi Chu, nằm...

Về Hà Nam thăm nhà Bá Kiến trong tác phẩm ‘Chí...

0
(SGTT) - "Nhà Bá Kiến" được xem là nguyên mẫu trong tác phẩm nổi tiếng Chí Phèo, hiện vẫn còn tồn tại ở xã...

Hoàn thành dự án trùng tu di tích Hải Vân Quan

0
(SGTT) - Sáng 21-12, tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng đã phối hợp tổ chức Lễ công bố hoàn thành dự...

Kết nối