Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Sài Gòn có cặp, có đôi

Bạn nào từng du lịch đến thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia chắc vẫn còn nhớ tòa tháp đôi Petronas. Xấp xỉ 452 mét, công trình này không chỉ cao nhất Malaysia mà còn là tòa tháp đôi cao nhất thế giới. Sài Gòn – TPHCM không có tòa tháp nào cao như vậy. Tuy nhiên, thành phố này cũng không hề thiếu những câu chuyện có cặp, có đôi rất thú vị sau đây.
Cầu Sài Gòn 1 và 2 cùng bắt qua sông Sài Gòn. Ảnh: H.P

Đầu tiên là chuyện những “cây cầu đôi” ở Sài Gòn. Trong thành phố có những “đôi cầu” nằm cạnh nhau hay có cùng một tên gọi. Lâu đời nhất trong số đó phải kể đến cặp cầu Sài Gòn 1 và 2 án ngữ trước cửa ngõ quan trọng nhất dẫn vào khu trung tâm. Trong cặp đôi này, cầu Sài Gòn 1 – dài hơn 986 mét (không kể đường dẫn) – đến nay đã 66 tuổi (bắt đầu xây dựng năm 1958, hoàn thành năm 1961). Cô em, cầu Sài Gòn 2 cùng chiều dài, có thời gian xây dựng ngắn hơn, từ tháng 4-2012 đến tháng 10-2013.

Tương tự, cầu Bình Triệu 1 (dài 554 mét không kể đường dẫn) được khánh thành trong giai đoạn trước 1975, trong khi đứa em Bình Triệu 2 được xây dựng năm 2001 và hoàn thành năm 2003. Mới đây, cầu Thủ Thiêm 2 (dài gần 1.500 mét, kể cả đường dẫn) vừa được thông xe để cùng với cầu Thủ Thiêm 1 trở thành cặp cầu lớn thứ ba có cùng tên ở TPHCM.

Kế đến là chuyện về những con đường được đặt theo tên các danh nhân mà tên tuổi của họ gắn liền với lịch sử nước nhà. Có lẽ đẹp nhất trong số này là “cặp đôi” Nguyễn Thái Học (1902-1930) và Cô Giang (1909-1930). Lúc sinh thời, nhà chí sĩ Nguyễn Thái Học là lãnh tụ của Việt Nam Quốc dân Đảng, lãnh đạo khởi nghĩa chống Pháp ở Yên Bái; còn Cô Giang (tên thật Nguyễn Thị Giang) tham gia phong trào khởi nghĩa do Nguyễn Thái Học đứng đầu. Giữa họ nảy sinh tình yêu và đã đính ước. Khởi nghĩa thất bại, Nguyễn Thái Học bị bắt và bị xử chém ngày 17-6-1930. Vị hôn thê của ông, Cô Giang, tự sát một ngày sau đó, lúc mới 21 tuổi.

Đường Nguyễn Thái Học ở quận 1 – ngày xưa được gọi là đại lộ Nguyễn Thái Học – tuy là con đường ngắn lại là một huyết mạch giao thông nối quận 1 với quận 4 lúc nào cũng đông xe. Gần kênh Bến Nghé chảy vào sông Sài Gòn là đường Cô Giang, một con đường nhỏ đổ vào đường Nguyễn Thái Học như để nhắc nhở hậu thế rằng ngay cả đến cái chết cũng không thể chia lìa lứa đôi.

Liên quan đến Cô Giang, ở quận 1 lại có một cặp đôi khác cũng được lịch sử khắc ghi. Song song với đường Cô Giang là đường Cô Bắc. Cô Bắc (tên thật Nguyễn Thị Bắc) là chị hơn Cô Giang ba tuổi. Cùng tham gia cách mạng như người em gái, Cô Bắc cũng bị bắt sau biến cố khởi nghĩa không thành ở Yên Bái. Tuy nhiên, Cô Bắc không bị hành hình như Nguyễn Thái Học, mà được trả tự do và mất sau đó năm 39 tuổi. Nay thì ở Sài Gòn, hai chị em Cô Bắc – Cô Giang nằm kề nhau chỉ cách nhau một khối nhà và đều thông ra Nguyễn Thái Học.

Quận 1 còn có một cặp đôi khác mà thậm chí về mặt lịch sử còn “nổi tiếng” hơn. Đường Hai Bà Trưng, dài gần ba cây số vắt ngang quận 1 và quận 3. Gần như xuất phát từ cùng một điểm với con đường này, để rồi “dắt tay nhau chạy song song” là đường Thi Sách. Như vậy, từ lâu lắm tại Sài Gòn, cô chị trong số hai bà sẽ mãi mãi trùng phùng và luôn luôn song hành cùng vị hôn phu của mình, chứ không phải chịu cảnh góa bụa đau lòng như sự thật trong lịch sử.

Cầu Bình Triệu 1 và đứa em Bình Triệu 2. Ảnh: H.P

Đến đây, cũng khá khen người đặt tên đường không kém phần ý nhị khi có sự “đảo ngược” giữa hai cặp Nguyễn Thái Học – Cô Giang và Hai Bà Trưng – Thi Sách. Trong khi Nguyễn Thái Học có thể xem là “đại lộ”, Cô Giang chỉ là con đường nhỏ. Ngược lại, Hai Bà Trưng là đường lớn so với vị hôn phu Thi Sách kém bề thế hơn. Cả hai trường hợp, kích thước và chiều dài các con đường hoàn toàn tương ứng với tầm vóc của các nhân vật này trong lịch sử Việt Nam.

Đường Điện Biên Phủ chạy một mạch gần bảy cây số từ vòng xoay ngã bảy Sài Gòn (ngã bảy Lý Thái Tổ) thuộc quận 10 đến chân cầu Sài Gòn thuộc quận Bình Thạnh. Đến khu vực công viên Lê Văn Tám ở quận 1 (nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi cũ), con đường này hiện vẫn còn chứng kiến cảnh đoàn tụ không phải chỉ là cặp đôi, mà là gần như cả gia đình. Anh em – Phan Tôn, Phan Liêm – nay là hai con đường nằm giao cắt nhau, cùng đổ vào đường Điện Biên Phủ, vốn ngày trước mang tên Phan Thanh Giản.

Chắc cũng cần nói thêm Phan Thanh Giản (1796-1867) là một đại thần triều Nguyễn đã uống thuốc độc tự vẫn sau khi giao thành cho quân xâm lược Pháp vì liệu sức chống giặc không nổi. Trái với thái độ buông xuôi của cha, các con ông – Phan Tôn, Phan Liêm – sau đó đều chống Pháp rất quyết liệt. Ở Sài Gòn, cụ Phan trùng phùng với các con cho đến ngày đường mang tên ông được đổi tên thành một địa danh có ý nghĩa lịch sử đối với nước Việt Nam thống nhất.

Người phương xa, nếu thăm thú trung tâm TPHCM, chắc không nên bỏ qua đại lộ Lê Lợi. Đặc biệt là ở chỗ từ lâu tại Sài Gòn, Lê Lợi đã được hội ngộ với tri kỷ cuộc đời của mình, người đã hy sinh chính mạng sống cứu ông để khởi nghĩa Lam Sơn chống quân Minh đi đến thắng lợi cuối cùng. Đường Lê Lai vẫn ngày qua ngày nối liền với đại lộ Lê Lợi qua vòng xoay Quách Thị Trang như thể “chưa hề có cuộc chia ly” nào trong đau đớn hơn sáu thế kỷ trước khi Lê Lai đổi hoàng bào chết thay Lê Lợi.

Tương tự, ở quận 3 còn có sự hạnh ngộ vô cùng thi vị khác của hai nữ sĩ thuộc loại hàng đầu trong lịch sử văn đàn Việt Nam. Bà Huyện Thanh Quan (1805-1848) được dùng để đặt tên cho con đường dài khoảng 1,5 cây số từ Rạch Bùng Binh đến đường Nguyễn Thị Minh Khai. Cắt ngang đường này là con đường lấy tên nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772-1822). Người đặt tên đường đã khéo léo xếp hai nữ thi hào này giao lưu với nhau mọi lúc dù phong cách thơ ca của họ trái ngược nhau hoàn toàn. Một bên là Bà Huyện Thanh Quan, tác giả của các tuyệt tác như Thăng Long thành hoài cổ hay Qua đèo Ngang; và bên kia là Hồ Xuân Hương với nhiều bài thơ “phá cách” mà ngay từ thế kỷ thứ 18 của thiên niên kỷ trước đã mang hơi hướm “nữ quyền” về tính dục trong lòng một nước Việt vẫn còn nặng phần phong kiến.

Tất cả cuộc trùng phùng của những nhân vật lịch sử Việt Nam qua tên đường nêu trên đều được sắp đặt trước 1975, khi TPHCM còn là Sài Gòn. Tác giả bài viết cũng nhận thấy rằng từ ngày đất nước thống nhất đến nay, ở thành phố này có ít nhất hai cuộc trùng phùng tương tự rất đáng chú ý.

Thứ nhất, đường Lê Hồng Phong thay cho đường Petrus Ký và cách đó không xa là đường Nguyễn Thị Minh Khai thay cho Hồng Thập Tự. Cũng nên nhắc lại rằng Lê Hồng Phong (1902-1942), một nhà cách mạng Việt Nam, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, là hôn phu của bà Nguyễn Thị Minh Khai (1910-1941), một nhà cách mạng khác. Tháng 8-1941, bà Minh Khai bị người Pháp xử bắn sau khi bị kết án tử hình. Rồi hơn một năm sau, tháng 9-1942, vào đúng ngày sinh nhật thứ 40 của chồng bà, ông qua đời trong nhà tù Côn Đảo. Đến nay thì cũng như Nguyễn Thái Học và Cô Giang, tại TPHCM, ông bà đã trùng phùng qua tên hai con đường. Chỉ tiếc là tuy gần nhau, hai con đường này lại không giao nhau như các trường hợp “cặp đôi” đã nêu bên trên.

Trường hợp thứ hai là một sự hạnh ngộ, tuy không phải giữa hai nhân vật lịch sử, người viết vẫn cho rằng mang lại cảm xúc cho nhiều người Sài Gòn. Sau năm 1975, đường Lê Văn Duyệt ở Sài Gòn được sáp nhập vào đường Đinh Tiên Hoàng. Năm 2020, đường Lê Văn Duyệt được phục hồi như cũ nhân ngày giỗ thứ 188 của ông, như là một chỉ dấu công nhận công trạng của nhân vật này trong việc mở mang phát triển miền Nam đất nước. Sự hội ngộ giữa Tả quân Lê Văn Duyệt (1764-1832) và Lăng Ông Bà Chiểu – nơi ông được thờ phượng từ đầu thế kỷ thứ 20 đến nay – là kết quả của nhiều cuộc thăm dò ý kiến của các nhà chuyên môn, sử gia và người dân địa phương. Như vậy, sau 45 năm cách biệt, một sự tái hợp vừa hợp lý, vừa đầy ý nghĩa đã trở lại.

Nằm trong số những ngôi chùa nổi tiếng nhất TPHCM, hai ngôi chùa sau đây chắc chắn dẫn đầu trong số các địa điểm tôn giáo nếu chúng ta xét tiêu chí “có cặp, có đôi” nêu ở đầu bài. Đó là Chùa Ông (Nghĩa An Hội Quán) và Chùa Bà (Chùa Bà Thiên Hậu). Cả hai ngôi chùa này đều thuộc phường 11, quận 5.

Vậy là Sài Gòn có đủ cặp, Chùa Ông và Chùa Bà. Đến đây, cũng xin trích dẫn lời của nhà nghiên cứu Lê Trung Hoa từ bài viết nhan đề “Tản mạn về địa danh ở Sài Gòn” (1). Theo ông, số địa danh ở TPHCM có thể lên đến khoảng 6.000. Trong số này, chừng 260 địa danh có thành tố đứng trước gồm từ “bà” và số địa danh chứa thành tố “ông” khoảng 220.

Sài Gòn có đủ “ông”, đủ “bà”. Ở đây ý muốn nói thành phố này hội tụ các yếu tố hài hòa, bổ sung cho nhau để tạo thành một chỉnh thể. Cũng xin nói thêm, có lẽ chính vì thế, TPHCM là nơi thu hút và quy tụ nhân tài từ nhiều nơi khác. Cơ sở vật chất, điều kiện hạ tầng là phần cứng dù hiện đại đến đâu cũng khó hoạt động tối ưu nếu thiếu phần mềm là nhân lực tốt nhất – như một cặp trời sinh.

Sài Gòn có cặp, có đôi. Ai còn lẻ loi, buồn ráng chịu.

Trần Thanh Tâm
Theo KTSG Online

_________

(1) http://www.khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/nghien-cuu/ngon-ngu-hoc/5439-tn-mn-v-a-danh-sai-gon.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Từ Wukong nghĩ về những sản phẩm, dịch vụ mang giá...

0
(SGTT) - Sự thành công của tựa game Black Myth: Wukong (Trung Quốc) đã khẳng định thêm lần nữa rằng các giá trị văn...

Văn hóa đại chúng – Bí mật đằng sau sự thành...

0
(SGTT) - Khi văn hóa không còn nằm trong lãnh thổ vốn có của nó mà bắt đầu du nhập vào một cộng đồng...

Tại sao việc viết giúp phát triển tư duy và tạo...

0
(SGTT) - Ngày 21-6-2024 chúng ta sẽ kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Ngày này nhắc cho chúng ta...

Giúp chợ truyền thống giữ vững vị thế

0
(SGTT) - Bối cảnh kinh doanh thật khốc liệt khi các siêu thị và chuỗi cửa hàng dần lấy đi thị phần của chợ...

Đã là phong tục mới?

0
(SGTT) - Cuối năm vừa qua, lúc kinh tế khó khăn, nhiều chủ doanh nghiệp đã chật vật xoay xở tiền thưởng Tết tượng...

Nội lực đến từ nỗ lực cá nhân

0
(SGTT) - Nội lực tinh thần của một người trẻ vững vàng giúp họ đối diện với một đời sống hiện đại nhiều áp...

Kết nối