DIỄM MI -
Dạo trước đây, nhiều người chọn bán sách cũ là công việc mưu sinh của mình. Không cần nhiều vật dụng, chỉ cần chiếc xe đẩy chất đầy sách là có thể rong ruổi khắp đất Sài Gòn. Hoặc sang hơn là thuê một mặt bằng nhỏ, chất những chồng sách cao quá đầu để người mua mặc sức mà lựa. Nghề bán sách cũ khi ấy cực thịnh, nhất là những năm 1990-2000.
Rồi bẵng đi thời gian, những chiếc xe đẩy thưa dần rồi mất hẳn. Các hiệu sách cũng thu hẹp diện tích. Không phải là chất lượng sách không còn tốt hay giá sách tăng cao, mà vì thời buổi công nghệ thông tin bùng nổ, nghề bán sách cũ buộc phải cạnh tranh với nhiều ứng dụng nghe-đọc hiện đại khác.
Nhọc nhằn bán sách... cũ
Bạn đọc hiện nay, không phải ai cũng bị hấp dẫn bởi những trang sách ố vàng, mùi bụi giấy cũ, vài trang bìa hơi xô lệch. Đa phần tìm đến sách cũ là những sinh viên khó khăn, người tìm tư liệu nghiên cứu hay vài người sưu tầm sách cổ. Nhưng hiện nay, đối tượng khách hàng quen của các hiệu sách cũng thưa dần đi.
Bà Mai Hoa, 58 tuổi, chủ hiệu sách cũ trên đường Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận, TPHCM cho biết: “Nghề bán sách cũ hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Đa số sinh viên bây giờ thường đọc sách trên mạng, hay phô tô sách làm tư liệu chứ không mua. Còn về lượng người đi sưu tầm sách cổ rất nhiều, nên hiện nay nguồn sách này đang dần ít đi, không còn nhiều cuốn quý hiếm để họ tìm mua nữa”.
Bà cho rằng, ở Việt Nam cứ gọi tất cả sách đã qua sử dụng là sách cũ như vậy chưa chính xác. Sách cũ có hai loại là sách cổ (old book) và sách đã qua sử dụng (second hand book). Hầu như hiện nay, nguồn sách cổ – xuất bản trước năm 1975, đang hiếm dần. Chủ yếu sách được bày bán ở các hiệu là sách mới đã đọc qua rồi bán lại, xuất bản những năm gần đây. Giá bán những cuốn này không rẻ hơn giá gốc là bao vì chúng còn rất mới, trong khi tâm lý người mua cứ vào hiệu sách cũ là mong có những giá hời, nhiều khi như vậy lại mất khách.
Ở hiệu sách cũ của bà Hoa, đa số là sách giáo khoa, sách nghiên cứu khoa học-công nghệ. Một phần là truyện dịch từ nước ngoài và rất nhiều cuốn tự điển các nước dịch ra tiếng Việt. Sở dĩ các cuốn tự điển còn nhiều vì theo bà Hoa: “Từ khi có điện thoại thông minh, các phần mềm hỗ trợ tra cứu tự điển có cả nghe nói, ít tốn thời gian hơn nên hầu như không còn nhiều người dùng sách tự điển để tra nữa”. Khách vắng hơn trước, mỗi ngày bán được tầm 5-10 cuốn, lượng mua khác nhau nên bà Hoa cũng chẳng thể ước lượng thu vào bao nhiêu, chỉ nói là vừa đủ sinh hoạt hàng ngày.
Đối diện với hiệu sách của bà Hoa là hiệu sách cũ tổng hợp 199 Trần Huy Liệu. Ở đây, khách ra vào đông hơn và có vẻ mua bán khá hơn hiệu sách của bà Hoa. Những chồng sách có phần xô lệch hơn, và có rất nhiều đầu sách như sách giáo khoa, tạp chí, thơ, truyện, sách nghiên cứu… Có những cuốn rất rẻ, chỉ 3.000 đồng, 5.000 đồng nhưng có những cuốn giá hàng trăm ngàn đồng.
Anh Minh Toàn, sinh viên trường Đại học Kiến trúc TPHCM, một người thường xuyên mua sách cũ chia sẻ: “Mình đã từng ghé rất nhiều hiệu sách cũ ở Sài Gòn. Không phải vì kinh tế khó khăn nhưng vì mình thích sách cũ. Nhiều khi trong quyển sách cũ có nhiều câu chuyện về người chủ trước của nó rất thú vị”. Toàn còn lưu ý thêm là hiện nay mua sách cũ cũng phải để ý, vì nhiều nơi phô tô từ sách mới xuất bản ra rồi đóng tập bán với giá rất cao, nhiều khi mua nửa giá cũng đã bị “chém” rồi. Mua sách cũ cũng như mua món hàng, phải kiểm tra kỹ, phải trả giá. Lắm người đã mua nhầm sách tại các hiệu sách cũ nên đã đề phòng.
Theo những người bán sách cũ ở đường Trần Nhân Tông, Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Huy Liệu, những nơi tập trung nhiều hiệu sách cũ, nghề bán sách cũ hiện nay đang đi xuống và trong tương lai cũng khó tránh tình trạng này nhưng đa số người bán sách cũ nói: “Có cầu thì có cung, còn khách tìm mua thì vẫn chúng tôi còn mở cửa”.
Đưa sách cũ lên mạng xã hội
Đã có một vài hiệu sách cũ nghĩ đến việc đưa sản phẩm lên mạng xã hội nhằm tiếp cận khách hàng nhiều hơn. Đa số nghĩ rằng, khi không phải len lỏi trong không gian chật hẹp, bụi bặm ở các hiệu sách cũ, khách hàng chắc cũng sẽ mạnh dạn mua hơn. Mua sách trực tuyến vừa tiết kiệm thời gian, vừa được tư vấn và tìm hộ những cuốn mình cần. Thế nhưng, ở những hiệu sách cũ nhắc đến ở trên, hình thức sử dụng công nghệ để bán sách là điều không khả thi.
Bà Hoa chia sẻ: “Cũng có nhiều người mua gợi ý hình thức bán như thế này. Nhưng giờ tuổi cũng cao rồi không rành công nghệ bằng mấy đứa, con cháu cũng có việc phải làm cả nên cứ bày bán như vậy thôi. Ai có nhu cầu họ tìm tới”.
Nhưng ngược lại, nhiều bạn trẻ đam mê với sách cũ đã lập nên những trang trao đổi-mua bán sách cũ trên mạng xã hội. Các trang bán sách cũ trực tuyến lần lượt ra đời với số vốn khởi điểm ban đầu chỉ là số lượng sách mà họ thu lượm được từ trước đến nay. Những người trẻ này không phải buôn bán cho gia đình mình hay vì cải thiện kinh tế. Đơn giản, họ bán vì sở thích của mình.
Chủ trang Sách cũ Sài Gòn bán trên mạng là một nhân viên văn phòng, anh kể về việc bán sách của mình như một thú vui sau giờ làm: “Bán sách chủ yếu vì mình thích sách cũ. Nhiều khi bán sách lại gặp được những người có cùng sở thích. Có lúc mình lại tìm giùm được những cuốn mà có người tìm hai ba năm chưa thấy, lúc đó cũng cảm thấy vui như chính mình tìm ra vậy”.
Ngoài Sách cũ Sài Gòn, Kỳ thư quán, Quán sách Mùa thu, Cửa hàng Sách cũ-Sách mới… là những trang bán sách cũ được nhiều bạn trẻ quan tâm. Giá ở những hiệu sách trực tuyến này cũng không chênh so với giá mua tại các hiệu sách cũ bên ngoài. Đây vừa là cách trao đổi mới giữa những người yêu sách, vừa giúp bán đi một lượng sách lớn tại các hiệu sách cũ đang gặp khó khăn.
Trong thời điểm hiện tại, nghề bán sách cũ không còn thịnh như trước. Mặc dù gặp khó khăn nhưng từ chính những người gắn bó với nghề, họ vẫn còn niềm tin vào độc giả. Có những người trẻ tìm đến và yêu mến sách cũ, cũng có cách mới để bán sách tốt hơn. Nhưng, với những người đã dành hơn nửa cuộc đời để bán sách cũ, ở họ chẳng dễ để thay đổi theo cách làm của người trẻ.