(SGTT) - Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, hay tốc độ đô thị hóa... gây ra nhiều tác động tiêu cực đến tài nguyên nước, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân trên cả nước nói chung và TPHCM nói riêng. Tuy nhiên, nguồn nước tại TPHCM lại đang gặp phải nhiều rủi ro ngay thời điểm hiện tại, và sẽ kéo dài đến tương lai nếu vẫn chưa có biện pháp khắc phục triệt để.
Đây là những vấn đề được bàn luận tại tọa đàm "Quản lý bền vững nguồn nước", diễn ra vào chiều ngày 26-4, tại Nhà Văn hóa Thanh niên, TPHCM.
Những rủi ro cho nguồn nước TPHCM hiện tại và tương lai
Về phía nguồn nước, phát biểu tại chương trình, ông Trần Kim Thạch, Trưởng phòng Phòng Quản lý chất lượng nước, thường trực Ban chỉ đạo chương trình cấp nước an toàn – Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), cho biết hiện tại 96% nguồn nước của TPHCM có được là từ sông Sài Gòn và sông Đồng Nai.
Tuy nhiên, dọc theo khu vực sông Đồng Nai, có nhiều khu công nghiệp, nông nghiệp khác nhau, có thể là do quá trình xả thải tại các khu công nghiệp, hoặc chưa kiểm soát hóa chất trong sản xuất nông nghiệp… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước cung cấp chính cho TPHCM.
Ngoài ra, biến đổi khí hậu cũng là một trong những nguyên nhân chủ chốt gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước, Ông Thạch cho hay, TPHCM là một trong mười thành phố có nguy cơ ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu cao nhất thế giới, tới năm 2100, tối thiểu 1/3 diện tích TPHCM có thể chìm trong mực nước biển.
Nhìn nhận về rủi ro của hệ thống xử lý nước thải và quản lý nguồn nước đô thị, PGS.TS. Nguyễn Phước Dân, giảng viên Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TPHCM, chia sẻ, hệ thống cống thoát nước được xây dựng từ thời Pháp thuộc (từ năm 1870), trải qua nhiều thời kỳ, hệ thống này đã vô cùng phức tạp. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng chiều dài hệ thống này (tính cả hệ thống thoát nước cấp 4) đã lên tới hơn 3.000km về đường ống. Đây chính là thách thức đối với thành phố để nạo vét cống.
Bàn về ô nhiễm nước, ông Dân nói thêm, nguồn nước khi đi qua TPHCM sẽ bị bội thêm ô nhiễm do nguồn thải sinh hoạt và các nguồn thải từ khu công nghiệp, hóa mỹ phẩm… có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Nồng độ cao nhất nằm ở kênh Tàu Hũ, kênh Bến Nghé, kênh Tẻ. Khu vực ngoại thành như ranh giới giáp Tây Ninh, Bình Dương cũng gặp vấn đề ô nhiễm nguồn nước do thuốc trừ sâu trong nông nghiệp.
Theo quy hoạch thoát nước đã được thủ tướng chính phủ phê duyệt, TPHCM sẽ có 12 trạm xử lý nước thải để xử lý thoàn bộ nước thải phát sinh đến năm 2050. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, chỉ có 3 trạm xử lý nước thải được vận hành, chiếm khoảng 13% so với tổng khối lượng nước thải phát sinh, thông tin được ông Dân chia sẻ.
Cần giải quyết các vấn đề về nguồn nước một cách toàn diện
Ngoài những chính sách, quy định do nhà nước ban hành về vấn đề bảo vệ tài nguyên nước, theo ông Võ Duy Quý, Giám đốc VUCICO, đưa ra ý kiến, thành phố có thể tăng cường nguồn nước từ nước ngầm, nước sông, nước biển… để cung ứng đủ cho số lượng người dân mà không quá phụ thuộc vào một nguồn nước. Chẳng hạn, VUCICO đã áp dụng một hệ thống xử lý nước biển tại đảo Cát Bà, thành phố Hải Phòng.
Đồng thời tăng cường quản lý, giám sát hệ thống cấp nước, cụ thể là các nguồn nước ngầm, cần tuân thủ đúng theo thông tư 47 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về khai thác nước từ các giếng khoan theo từng trữ lượng, vì khi khai thác càng nhiều nước ngầm, nước biển càng dâng cao, dễ dẫn đến vấn đề ngập mặt.
Đặc biệt, cần giảm tình trạng rò rỉ, chống cấp thoát nước vật lý. Nếu có thể, thành phố cần áp dụng công nghệ vệ tinh để quản lý toàn diện khu vực thành phố, để có những biện pháp xử lý kịp thời và phù hợp, ông Quý nói thêm.
Bên cạnh vấn đề về cung ứng đầy đủ nước và giảm thiểu ô nhiễm nước, thì ngập lụt trong nội thành cũng là một vấn đề đáng được lưu tâm. Ngoài những đê, mương hay cống thoát nước truyền thống, ông Julien Le Roux, Quản lý khu vực Châu Á, BERIM, cũng đóng góp một chủ ý để hạn chế tình trạng ngập lụt trong thành phố.
Cụ thể ông cho biết, thành phố nên xây thêm hệ thống chứa nước để tận dụng nguồn nước mưa tự nhiên nếu có thể, hoăc chỉ cần từng nhà của người dân có thêm một hồ chứa để tận dụng nguồn nước mưa, thay vì để chúng chảy trôi vô ích.
Ngoài ra, công viên cũng là một nơi lý tưởng để lưu trữ các nguồn nước. Vì nguồn nước tự nhiên khi chảy xuống, sẽ có một lượng nước được thấm xuống đất. Ông chỉ ra một nghiên cứu cho thấy, khi chưa có đô thị hóa, nước mưa sẽ có 40% bốc hơi và 50% thấm đất. Vì vậy, gia tăng diện tích công viên cũng là gia tăng diện tích nước thấm đất của thành phố.
Đặc biệt, không nên thu hẹp chiều rộng của sông trong nội thành để tránh tình trạng nước chảy tràn, ông Julien Le Roux nói thêm.
Trong chương trình, ông Romain Joly, giám đốc điều hành tại O-We Water, cũng chia sẻ về một dự án mang tên "1001 fountaines" tại Việt Nam, đây là một dự án xã hội nhằm cung cấp nguồn nước sạch đến với người dân với mức giá hợp lý. Cụ thể, sản phẩm mà dự án này đang cung cấp cho người dân sử dụng là bình nước O-We Water với giá trung bình khoảng 22.000 đồng/bình 19 lít.
“Bình nước mà đa số người dân tại khu vực TPHCM hay sử dụng là bình 20 lít, có giá từ 12.000 – 15.000 đồng, nhưng họ vẫn chưa thực sự hài lòng về sản phẩm này. Nguyên nhân chính mà chúng tôi khảo sát được là do những bình nước này xuất phát từ những cơ sở nhỏ lẻ, chưa chuyên nghiệp trong quá trình xử lý nước và bình đựng nước. Cụ thể, chúng tôi đã làm thí nghiệm trên một bình nước và phát hiện còn rất nhiều vi khuẩn E.coli trong nước (một loại vi khuẩn gây ra các triệu chứng như ngộ độc, đau bụng, tiêu chảy, chóng mặt)”, ông Romain Joly cho hay.
Phùng My