(SGTT) - Ở vùng sông nước, cứ đầu con kênh hoặc đầu con rạch là có tiệm tạp hóa hay quán nước. Có khi là cả hai trong một, vừa bán tạp hóa vừa kê thêm bàn bán cà phê. Không cần nghiên cứu chi nhiều, chỗ đó là nơi ngã ba giao nhau, nhiều người qua lại nên bán chạy hơn những nơi khác.
Khi hạ tầng phát triển, đường bê tông nông thôn và đường nhựa liên huyện hình thành, các quán bên đường vẫn hay chọn ở ngã ba giao nhau, khách quẹo vào rạch cũng thấy mà đi thẳng cũng thấy. Đồng hành với những tiệm tạp hóa đó còn có những cái sạp nhỏ, không biết gọi tên gì cho đúng, chỉ có một mái lá cơ hồ chỉ đủ che nắng chứ không che nổi những cơn mưa lớn, vậy mà vẫn trụ lại qua nhiều năm, như để đợi chờ.
Tôi thương những món treo bên đường, dưới mái lá ấy lắm. Chưa tới mười món đồ làm bằng trúc và tre như thúng đựng lúa, nia, rổ, rế, giần, sàng, quạt... Những mặt hàng thủ công quê mùa đôi khi phải mô tả dùng để làm gì thì người ở chợ mới hiểu. Thúng để đựng lúa, đương nhiên rồi, (chứ đâu ai lấy thúng đựng chữ!?), thúng còn để đựng gạo và đo lường lúa gạo khi mua bán. Một thúng gọi là một táo (bằng sáu chục lon sữa bò), hai thúng là một giạ (lúa, gạo). Nia thì để dưới đất để sàng gạo lấy gạo ra riêng và tấm ra riêng. Giần là để tách gạo và tấm ra riêng, sàng là để giũ (sàng) gạo lấy bỏ hạt thóc còn lẫn trong đó. Hai cái này giống gần y chang, chỉ khác là cái đan thưa hơn gọi là sàng, cái đan dày hơn gọi là giần, như lược thưa để chải tóc, lược dày để chải… chí vậy! Rổ thì để đựng rau, đựng cá; rế thì để đựng nồi cơm.
Ngày còn nấu cơm bằng củi hoặc than đước, nồi cơm dính lọ nghẹ đen thui không thể để trực tiếp xuống bộ ngựa, nên bao giờ xoong cơm cũng phải đặt trên cái rế. Làm mấy món nia thúng gọi là đương (đan), còn làm rế gọi là thắt. Từ địa phương nên thừa nhận mà không nên giải thích nhiều. Vì hồi nhỏ sống trong xóm làm nghề thắt rế, nên khi lớn lên, xa quê, mỗi lần đi ngang qua sạp bán rế tôi chông chênh lắm. Sao lại không nhớ việc đã từng làm, nơi mình đã sống với những vườn trúc mát rượi và mùi nan tre khô thơm lừng.
Rồi khi đồ nhựa ra đời, cuộc cạnh tranh cũ mới làm cho mặt hàng thủ công bị đánh đấm tơi bời, nhiều người không kiếm sống bằng nghề truyền thống nổi, lặn lội lên Bình Dương mưu sinh theo bè bạn. Chị còn ở lại quê vì lớn tuổi rồi, vừa bán tạp hóa vừa thắt rế trong lúc rảnh rỗi để kiếm thêm thu nhập. Bây giờ nấu bằng nồi điện, xoong không dính nhọ (lọ) nên không nhất thiết phải mua rế nữa, chỉ một số ít người vẫn xài vì thói quen và cảm giác xưa cũ vẫn còn. Khi đặt nồi cơm điện lên cái rế trúc, thấy an toàn hơn, sạch sẽ và lịch sự hơn cho bữa cơm.
Bao nhiêu năm trời, tôi đi xe qua lại trên con đường nhựa về quê, ngang qua cái sạp thúng nia đó, cứ đau đáu một nỗi niềm. Sao ít thấy ai dừng lại mua quá, đồ đẹp mà, trời ơi!
Tôi già đi theo thời gian, còn chị đã già trước tôi nên giờ không thấy già thêm nữa. Nhờ vậy mà chị vẫn còn đương thúng, thắt rế được hoài, cái chòi bán thúng vẫn còn hoài qua bao mùa mưa nắng. Năm nay, du lịch tỉnh nhà bắt đầu phát triển mạnh, đạt nhiều kỷ lục mới. Mà du lịch sẽ kích thích phát triển văn hóa bản địa và các sản vật địa phương, các sản phẩm thủ công, handmade thân thiện với môi trường. Hàng của chị một trăm phần trăm từ nguyên liệu thiên nhiên, mà tre trúc là do con người trồng chứ không tàn phá thiên nhiên theo kiểu tận diệt. Vòng đời sản phẩm khi hỏng sẽ tự phân hủy, không làm ô nhiễm môi trường, không hóa chất gây độc hại cho sức khỏe. Theo tiêu chuẩn mới bây giờ, tôi chấm cho chúng đạt sáu sao.
Mỗi lần đi ngang qua mái tranh bán hàng của chị, dưới tán cây, tôi ghé mua vài món ủng hộ mà áy náy chưa làm gì giúp cho chị và nghề truyền thống đáng yêu này của quê nhà. Kế hoạch đến năm 2025 đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau khánh thành rồi, người qua lại nhiều hơn, chị ơi hãy bền lòng, khách du lịch phương xa sẽ ghé qua và ủng hộ mấy món hàng dễ thương của chị!