Ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (thuộc Sở Xây dựng TPHCM), cho rằng do TPHCM có địa hình thấp, hệ thống thoát nước không đồng bộ và rác thải chắn dòng nước thoát là nguyên nhân khiến TPHCM cứ mưa là ngập. Thành phố cũng đã có nhiều phương án để khắc phục.
- Trung tâm TPHCM ngập nặng sau trận mưa chiều 2-6
- Mùa mưa đến, những tuyến đường nào ở TPHCM có thể ngập?
- Dự án chống ngập 10.000 tỉ sẽ hoàn thành vào cuối năm nay
Nói về tình trạng ngập tại TPHCM, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM cho biết tình trạng người dân xả rác xuống kênh rạch, bít lấp các miệng hố ga đã ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thoát nước, góp phần gây ngập nặng hơn.
“Thời gian qua, ngân sách đã phải chi phí rất lớn cho việc dọn rác nơi công cộng, vớt rác trên kênh và nạo vét cống thoát nước, nhưng nhiều khi vừa vớt rác hôm trước thì hôm sau lại đầy rác”, ông Điệp nói.
Ngoài ra, theo ông Điệp, địa hình thấp và hệ thống thoát nước không đồng bộ cũng là những nguyên nhân khiến TPHCM ngập vào mùa mưa.
Để khắc phục tình trạng trên, trung tâm đã có nhiều hoạt động ứng phó mùa mưa bão như duy tu, sửa chữa các vị trí cống xuống cấp, nạo vét lòng cống, kênh rạch, cửa xả để tăng cường khả năng thoát nước. Đồng thời, rà soát, vận hành các van ngăn triều hiện hữu, mở hướng thoát nước tại khu vực Bình Lợi, Bình Triệu, rạch Lăng, rạch Nhảy – Ruột Ngựa, Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Trạm bơm Thanh Đa, Mễ Cốc 1, Phú Lâm, Bà Tiếng.
Ông Điệp cho biết, thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với Trung tâm Điều hành giao thông đô thị có phương án điều tiết giao thông để người dân chủ động tránh các tuyến đường ngập nặng trong thời điểm mưa bão, hạn chế thiệt hại do ngập gây ra.
Cùng với đó, để hạn chế tình trạng cây xanh ngã đổ mùa mưa bão, Sở Xây dựng đã hoàn thành việc cắt tỉa, xử lý nhánh khô đối với toàn bộ cây xanh được phân cấp quản lý như hạ thấp chiều cao 95 cây, thay thế 984 cây hư, chết khô…
Cũng liên quan đến việc chống ngập, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM cho biết trong năm 2021 và quí 1-2022 ban đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 4 dự án phục vụ cho việc xóa, giảm ngập tại thành phố gồm dự án cải tạo, nâng cấp đường và hệ thống thoát nước đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Tân Quý (từ Gò Dầu đến Tân Hương, quận Tân Phú), dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Trương Công Định (từ Trường Chinh đến Âu Cơ, quận Tân Bình), dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Bàu Cát (từ Trương Công Định đến Võ Thành Trang, quận Tân Bình).
Cùng với đó, trong năm 2022, ban cũng sẽ hoàn thành các dự án xóa, giảm ngập gồm dự án vệ sinh môi trường TPHCM (giai đoạn 2), dự án bờ tả sông Sài Gòn (đoạn từ rạch Cầu Ngang đến khu đô thị mới Thủ Thiêm). Riêng dự án nâng cấp hệ thống thoát nước đường Thảo Điền – Xuân Thủy – Nguyễn Văn Hưởng – Quốc Hương (TP Thủ Đức) hiện đang được điều chỉnh và dự kiến hoàn thành vào năm 2024.
Đồng thời, trong thời gian tới ban sẽ thực hiện các dự án khác sau khi được phê duyệt và bố trí vốn gồm dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Lê Đức Thọ (từ đường Phạm Văn Chiêu đến cầu Cụt, quận Gò Vấp), dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Quang Trung (từ đường Phạm Văn Chiêu đến cầu Chợ Cầu, quận Gò Vấp), dự án cải tạo hệ thống thoát nước khu vực chợ Thủ Đức (Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Kha Vạn Cân, Hồ Văn Tư), dự án xây dựng hệ thống thoát nước đường Bạch Đằng (từ đường Xô Viết Nghệ Tĩnh đến cầu mới Bạch Đằng, quận Bình Thạnh), dự án cải tạo hệ thống thoát nước quốc lộ 1A (từ Ngã tư Bình Phước đến khu vực Đại học quốc gia).
Minh Hoàng
Theo KTSG Online