HỒNG QUÂN -
Dự án theo dõi bằng GPS đã phát hiện rằng rác thải điện tử của Mỹ có thể được xuất khẩu bất hợp pháp.
Rác thải điện tử đã được xuất khẩu bất hợp pháp từ Mỹ sang các quốc gia khác.
Cứ ba thiết bị điện tử, máy tính mà người Mỹ muốn tái chế thì sẽ có một món “trôi dạt” đến xứ nào đó trên thế giới và nó có thể vi phạm luật bảo vệ môi trường ở quốc gia đó. Kết luận này từ một cuộc điều tra được thực hiện trong hai năm qua dựa trên rác điện tử được gắn thiết bị định vị toàn cầu (GPS).
Đây là dự án hợp tác giữa phòng thí nghiệm Senseable City Lab của Viện MIT ở Seattle và nhóm ủng hộ môi trường Basel Action Network. Dự án đã lắp đặt hơn 200 thiết bị theo dõi vào các màn hình, máy in cũ và các loại rác của thời đại máy tính, được đem bỏ tại các điểm nhận rác điện tử của Goodwill trên khắp nước Mỹ.
Kết quả theo dõi cho thấy khoảng 30% lượng chất thải điện tử được đưa đến các bãi rác và trung tâm tái chế ở nước ngoài – thứ hàng xuất khẩu “có khả năng vi phạm luật pháp của quốc gia nhập khẩu mặc dù tất cả đều bảo đảm rằng điều này sẽ không xảy ra”, báo cáo cho biết.
Đó không phải là cuộc điều tra đầu tiên về nơi hạ lạc cuối cùng của dòng chảy rác điện tử; các báo cáo viên đã theo dõi các thiết bị điện tử bị loại bỏ của Mỹ đến các điểm tại châu Phi và châu Á. Ở các điểm này có những người sẽ xử lý các chất độc hại như thủy ngân và đốt nhựa để lấy các kim loại có giá trị. Cơ quan bảo vệ môi trường EPA thông báo từ năm 2012 họ đã theo dõi đường đi của những dòng chất thải. Và dự án đã thấy rác thải điện tử đi từ các thành phố trên khắp nước Mỹ tới Hồng Kông, Trung Quốc, Pakistan, Thái Lan, Kenya...
Xét cho cùng, bất chấp những nỗ lực của các chính phủ trên khắp thế giới nhằm kiểm soát chất thải độc hại, thực tế vẫn còn rất nhiều loại rác nguy hiểm được chuyển vào các quốc gia, nơi mà luật môi trường chưa được giám sát chặt chẽ. Tiêu cực này diễn ra dễ dàng như vậy khiến các công ty làm ăn có đạo đức gặp khó khăn và công việc bảo vệ sự xanh sạch không có nhiều biến chuyển.