Vừa qua, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM đã có kiến nghị gửi UBND TPHCM nhằm sớm hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, cũng như chuẩn bị các nội dung làm việc với Hội đồng thẩm định nhà nước trong quá trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư tuyến vành đai 3 TPHCM.
- Lập Hội đồng thẩm định dự án xây dựng đường vành đai 3 TPHCM
- Chưa bố trí được vốn, tuyến Metro số 2 lùi thời gian về đích
Theo đó, Sở GTVT kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến Trúc, UBND TP Thủ Đức, UBND huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An và các đơn vị liên quan rà soát để thống nhất số liệu quy hoạch, diện tích từng loại đất (đất lúa, đất rừng).
Đồng thời, các đơn vị trên tính toán nguồn vốn có khả năng thu được từ khai thác quỹ đất tại các vùng phụ cận dọc dự án đường vành đai 3 TPHCM cũng như các nội dung khác về khai thác quỹ đất. Việc khai thác quỹ đất dọc vành đai 3 là một trong phương án giúp huy động thêm nguồn vốn để các địa phương bố trí đầu tư cho dự án.
Trước đó, UBND TPHCM đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TPHCM, trong đó kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội cho phép các địa phương rà soát lại kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 của địa phương để bố trí cho vành đai 3.
Đồng thời, chấp thuận việc tăng tổng mức vốn trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của các địa phương từ các nguồn vốn có thể huy động thêm như từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước do UBND các địa phương quản lý, từ nguồn thu sử dụng đất.
Cũng trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi mà UBND TPHCM trình Thủ tướng Chính phủ, đường vành đai 3 có tổng chiều dài khoảng 91,64km, điểm đầu là nút giao với đường cao tốc Bến Lức – Long Thành (thuộc huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), kết thúc tại nút giao với đường cao tốc Bến Lức – Long Thành (thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An).
Giai đoạn 1 của dự án đầu tư khoảng 76,34km, quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế, tốc độ thiết kế 80km/giờ, cùng phần đường song hành 2 bên quy mô mỗi bên bố trí tối thiểu 2 làn xe.
Giai đoạn hoàn chỉnh đối với phần đường cao tốc là 8 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/giờ; đối với phần đường song hành sẽ đầu tư toàn bộ hai bên tuyến, mặt cắt ngang mỗi bên có tối thiểu 2 làn xe và hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án là 75.777 tỉ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư 41.872 tỉ đồng. TPHCM kiến nghị vốn ngân sách từ 4 địa phương (TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An) góp hơn 35.786 tỉ đồng và vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ gần 40.000 tỉ đồng.
Về tiến độ, từ 2022-2023 sẽ chuẩn bị, thực hiện đầu tư quí 4-2023 khởi công dự án. Năm 2025 thi công cơ bản hoàn thành, thông xe toàn tuyến. Đến năm 2026 sẽ hoàn thiện toàn bộ tuyến đường.
Minh Hoàng
Theo Kinh tế Sài Gòn Online