Thứ bảy, Tháng mười một 9, 2024

Ra đường không cần cầm ví: xu thế thời đại

(SGTT) - Câu chuyện “ra đường không cần cầm ví” đang dần trở thành hiện thực khi nhìn quanh cuộc sống chúng ta hiện nay, tiền mặt trong các giao dịch hằng ngày đang dần được thay thế bởi những chiếc điện thoại thông minh hay các loại thẻ ngân hàng.

Sự “vắng bóng” của tiền mặt có thể thấy rõ ở những hoạt động tiêu dùng của giới trẻ như mua sắm, ăn uống và các hoạt động giải trí khác. Đi xem phim rạp có thể “book” vé trước, mua thức ăn nước uống cũng có thể gọi người mang tới, quẹt mã QR tại quầy thanh toán… Tất cả đều không cần dùng đến tiền mặt. Không chỉ vậy, thanh toán không tiền mặt còn đi sâu vào nhiều lĩnh vực khác trọng yếu hơn trong nền kinh tế.

Xu hướng ngày càng rõ nét

Dễ thấy nhất là câu chuyện nộp tiền điện hằng tháng, người dân ở các thành phố lớn từ lâu đã không cần đưa tiền mặt cho nhân viên điện lực nữa. Thống kê cho thấy tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện qua ngân hàng tại TPHCM lên đến con số 91,61%. Một con số khác còn gây ngạc nhiên hơn đó là có 35% tổng thu dịch vụ khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đại học Y TPHCM được trả qua ngân hàng, bao gồm chuyển khoản, quẹt thẻ qua máy POS, hoặc thanh toán qua thẻ khám chữa bệnh. Theo thống kê chung của nhiều bệnh viện, bệnh nhân sử dụng thẻ đã giảm được hơn 50% lượng thời gian chờ đóng tiền, giảm 15% thời gian tổng quy trình khám chữa bệnh.

Thương mại điện tử (TMĐT) cũng là lĩnh vực ghi nhận số người dùng thanh toán không tiền mặt nhiều hơn, dù tỷ lệ trả tiền khi nhận hàng còn rất cao. Thống kê của Sách Trắng thương mại điện tử năm 2019 cho thấy số người mua hàng trực tuyến thanh toán qua ví điện tử năm 2018 chiếm 17%, tăng đáng kể so với con số 7% trong năm trước đó.

Thống kê chung cũng cho thấy người dân ngày càng chi tiêu không tiền mặt nhiều hơn. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tổng giá trị giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng trong tám tháng đầu năm nay đạt gần 105 triệu giao dịch, tương ứng với gần 61 triệu tỉ đồng, tăng 19,57% về số lượng và 26,66% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ.

Các công cụ thanh toán ngày nay cũng đa dạng, mang đến cho người dùng nhiều sự lựa chọn hơn. Chẳng hạn như khách hàng có thể trả tiền qua trang web sử dụng Internet banking, hoặc thanh toán qua di động như các ứng dụng mobile banking của ngân hàng hoặc fintech (trong đó có ví điện tử).

Bên cạnh sự đa dạng về công cụ thanh toán không tiền mặt, thẻ ngân hàng hoặc các loại ví điện tử luôn đầy ắp các chương trình khuyến mãi không chỉ giúp người dùng được lợi, cửa hàng tăng doanh số mà còn giảm thiểu tỷ lệ sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế. Thanh toán không tiền mặt dự kiến sẽ tiếp tục trở thành xu hướng quan trọng trong tương lai.

Dư địa thanh toán trong thương mại điện tử vẫn còn rất lớn, khi mới chỉ có 9,6% số người Việt thanh toán trực tuyến khi mua hàng qua Internet, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương nơi có tỷ lệ 80,3%, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB).

Vẫn còn nhiều rào cản

Chia sẻ tại một diễn đàn thanh toán không tiền mặt, ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt nam (NAPAS), đánh giá rằng “hạ tầng cho thanh toán di động đã sẵn sàng”.

Cuối năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước ban hành hai tiêu chuẩn nội địa quan trọng là thẻ chip nội địa và chuẩn chung về mã giao dịch QR. Thêm nữa, hệ thống thanh toán bù trừ tự động ACH dự kiến sẽ sớm hoạt động, giúp triển khai các dịch vụ thanh toán có giá trị nhỏ, khách hàng có thể thực hiện giao dịch thông qua nhiều lựa chọn thông tin định danh khác ngoài số tài khoản hay số thẻ. Thấy rõ được tính tiện lợi thực sự đã giúp cho người dùng tự nguyện thanh toán không tiền mặt ở nhiều dịch vụ công, Chính phủ hiện nay bắt đầu đẩy mạnh triển khai thanh toán không tiền mặt ở nhiều dịch vụ khác nhau của ngành thuế, hải quan, điện lực, giáo dục, viễn thông, giao thông, y tế…

Tuy có nhiều lợi ích nhưng thực tế việc triển khai thanh toán không tiền mặt cũng đang vấp phải nhiều rào cản. Chẳng hạn như về phí giao dịch, hiện các đơn vị cung ứng dịch vụ phải chi trả khi thanh toán thẻ, nên đôi khi họ không thực sự mặn mà, đặc biệt là các đơn vị hành chính công, vốn chưa có cơ chế chi trả hoặc chia sẻ dữ liệu chung. Thêm nữa, hạ tầng kết nối công nghệ giữa các ngân hàng, công ty fintech với các điểm bán cũng là câu chuyện cần được giải quyết.

Một rào cản thực sự nằm ở lòng tin của người dân với những hình thức thanh toán mới mẻ, tiện lợi, như nhiều chuyên gia nhận định. Người dùng vẫn còn thiếu kiến thức và kinh nghiệm khi giao dịch tài chính, thậm chí nghi ngờ tính an toàn của những phương thức này.

"Thực tiễn diễn ra tại một số nước có mức độ phi tiền mặt cao với thanh toán điện tử phổ biến sâu rộng như Thụy Điển, Hàn Quốc ghi nhận mối lo của công chúng về việc đảm bảo quyền riêng tư dữ liệu khách hàng, rủi ro an ninh mạng, rủi ro vận hành như mất điện, thiên tai, tình trạng phân cách số (digital divide) giữa nhóm người am hiểu công nghệ với nhóm yếu thế như người già, trẻ em… Đây là điều cần lưu tâm trong quá trình phát triển thanh toán điện tử", Phó thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh tại chuỗi sự kiện về Ngày không tiền mặt được NHNN tổ chức vào tháng 6 vừa qua.

Dũng Nguyễn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

ShopeePay bị Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông xử...

0
(SGTT) - Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ShopeePay do không...

Vì sao Temu tới Việt Nam?

0
(SGTT) - Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam ước đạt 14,7 tỉ đô la Mỹ trong năm 2024, trong đó, sản...

Temu và lỗ hổng quảng cáo

0
(SGTT) - Luật Quảng cáo hiện hành quy định rõ tại điều 20 về điều kiện quảng cáo: “Quảng cáo về hoạt động kinh...

Nhà sản xuất nhỏ ‘liêu xiêu’ trước làn sóng hàng giá...

0
(SGTT) - Các cơ sở gia công sản xuất tiêu dùng trong nước ngày càng bị đuối sức và “thoi thóp” trước làn sóng...

Bộ Công Thương: Thận trọng khi mua sắm trên các nền...

0
(SGTT) - Theo Bộ Công Thương, người tiêu dùng nên thận trọng khi thực hiện mua sắm trực tuyến trên các nền tảng thương...

Bộ Công Thương đang rà soát sàn Temu, đánh giá tác...

0
(SGTT) - Trước sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả và chất lượng từ sàn thương mại điện tử Temu, Bộ Công Thương...

Kết nối