UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành quy chế đánh giá du lịch xanh làm cơ sở để đánh giá hồ sơ đề nghị công nhận điểm du lịch xanh của doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trên địa bàn tỉnh.
- Đến Quảng Nam, trải nghiệm cắm trại, ngắm cảnh sắc yên bình tại hồ Phú Ninh
- Du lịch xanh, tiếng gọi từ thị trường
- Tìm cách phát triển du lịch bền vững, du lịch xanh
Sau đó, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam và Hội đồng đánh giá du lịch xanh tổng hợp báo cáo kết quả đánh giá, đề xuất công nhận cấp hạng nhãn du lịch xanh gửi Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch xem xét, trình UBND tỉnh quyết định công nhận.
Theo quy chế này, các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch theo các nhóm: khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay), lữ hành, điểm du lịch dựa vào cộng đồng và điểm tham quan đều có thể đăng ký để được công nhận du lịch xanh.
Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, cho hay trong thời gian qua Hiệp hội Du lịch Quảng Nam và Hội đồng đánh giá du lịch xanh đã tổ chức tập huấn cho các đánh giá viên về bộ tiêu chí du lịch xanh dưới sự hướng dẫn của đại diện Chương trình Du lịch bền vững Thụy Sĩ (SSTP).
“Các đánh giá viên – trong đó phần nhiều đều là doanh nhân kinh doanh trong lĩnh vực du lịch lâu nay – cũng đã được thực hành đánh giá tại một số doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Nam”, ông Thanh nói và cho biết thêm bản thân họ khi được tập huấn cũng học hỏi được nhiều điều để ứng dụng cho doanh nghiệp của mình.
Ông Nguyễn Đức Hùng, chủ của Redhouse Villa Hội An, chia sẻ trong thời gian qua ông nhận được hỗ trợ của các thành viên trong Hiệp hội Du lịch Quảng Nam để tiến hành cải tiến cơ sở vật chất cũng như dịch vụ tại cơ sở lưu trú của mình, đáp ứng các tiêu chí xanh. “Khách lưu trú tại đây, đặc biệt là khách nước ngoài, rất thích thú khi chỗ chúng tôi cây cỏ được trồng bằng phương pháp hữu cơ, trong phòng không có chai nhựa sử dụng một lần…”, ông Hùng chia sẻ. “Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì những tiêu chí xanh này vì không chỉ có lợi cho doanh nghiệp mà còn cả cộng đồng”.
Về việc tham gia để được chứng nhận du lịch xanh, theo quy chế này, tổ chức, cá nhân nộp đơn đăng ký nhận chứng nhận du lịch xanh, thực hiện nộp đơn cho hội đồng đánh giá thông qua Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cùng với các bằng chứng cập nhật và các tài liệu hỗ trợ được yêu cầu trong đơn đăng ký chứng nhận du lịch xanh.
Sau khi nhận được đơn đăng ký cấp chứng nhận của tổ chức, cá nhân nộp đơn, Hội đồng sẽ tiến hành xem xét đơn và kiểm tra các tài liệu, bằng chứng hỗ trợ của hồ sơ cũng như thực hiện đánh giá và cấp chứng nhận du lịch xanh trong thời gian 15 ngày sau khi tổ chức, cá nhân nộp đơn.
Trong trường hợp không thể tiến hành việc đánh giá du lịch xanh trong thời hạn quy định, Hội đồng Du lịch xanh sẽ thông báo cho tổ chức, cá nhân nộp đơn về lý do chưa thực hiện đánh giá và thời gian dự kiến đánh giá.
Sau khi tổ chức, cá nhân đã được cấp chứng nhận du lịch xanh, hội đồng sẽ thực hiện việc kiểm tra, giám sát ít nhất 5 năm một lần tại cơ sở cấp chứng nhận.
Tổ chức, cá nhân được chứng nhận phải thực hiện và duy trì các quy định của du lịch xanh. Nếu tổ chức, cá nhân được chứng nhận không duy trì chất lượng thì hội đồng sẽ có báo cáo đề xuất cơ quan có thẩm quyền thu hồi chứng nhận du lịch xanh.
Một số mô hình/sản phẩm du lịch xanh – kinh tế tuần hoàn của các doanh nghiệp tại Quảng Nam đang dần hình thành như mô hình nông nghiệp hữu cơ tại làng Thanh Đông; mô hình tái chế rác thải du lịch thành sản phẩm thông dụng trong đời sống tại làng du lịch cộng đồng Gò Nổi; sản phẩm điêu khắc quà tặng du lịch được tái chế từ rác thải biển của Coco Casa; tour du lịch xanh tuần hoàn và tái chế của Sea’lavie Boutique Resort & Spa và cộng đồng làng chài Tân Thành (Hội An); tour du lịch xanh của Eco Tour, khu nghỉ dưỡng xanh như Lasiesta, SilkSense…
Nhân Tâm
Theo KTSG Online