Đinh Hiệp -
Thứ dễ nhận thấy nhất khi đi trên quốc lộ 1, đoạn qua huyện Tuy Phong thuộc tỉnh Bình Thuận, là rừng cánh quạt khổng lồ giữa nền trời xanh. Nếu đi từ Bắc vào Nam, bên trái con đường là 20 trụ cánh quạt của Nhà máy điện gió Tuy Phong, bên phải là 12 trụ cánh quạt của Nhà máy điện gió Phú Lạc. Rừng cánh quạt này sẽ rậm rì hơn vào những năm tới khi hai nhà máy này triển khai các giai đoạn xây dựng tiếp theo.
Con đường dẫn vào trụ sở Nhà máy điện gió Phú Lạc (xã Phú Lạc) vẫn còn phảng phất mùi nhựa đường mới, với vườn cây ăn trái hai bên cứ như thể nó đang dẫn vào một resort sinh thái nào đó. Cách đây vài tháng, nó vẫn còn là con đường đất, oằn mình dưới hàng xe siêu trường siêu trọng 40 bánh. Đó là khi các kỹ sư và công nhân xây dựng nhà máy đưa những tua-bin và các đoạn cột lên đồi cao để lắp ráp.
Mỗi trụ quạt gió cao 95 m, được ghép từ bốn đốt cột, mỗi đốt nặng 70 tấn. Trên đầu cột là hộp vỏ điều khiển (nacelle) nặng 76 tấn, cộng thêm trọng lượng cánh quạt có bán kính 100 m nữa thành 100 tấn. Ở dưới khối thép tổng cộng gần 400 tấn này là trụ móng có đường kính 20 m, dày 3 m, “nuốt” vào đó tổng cộng 50 tấn thép và 450 m3 bê tông. “Tất cả các phần việc thi công móng, vận chuyển và lắp đặt thiết bị đều do các nhà thầu trong nước đảm nhận”, ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty phong điện Thuận Bình, chủ đầu tư Nhà máy điện gió Phú Lạc, cho biết.
Dự án điện gió và điện mặt trời Phú Lạc được UBND tỉnh Bình Thuận quy hoạch, giao 400 ha đất đồi ở xã Phú Lạc để triển khai dần. Giai đoạn một của dự án với 12 trụ điện gió có tổng công suất 24 MW đã hòa điện lưới quốc gia ngày 1-9-2016. Mười hai trụ này nằm trong diện tích 20 ha, nhưng diện tích chiếm đất vĩnh viễn của dự án không nhiều, nông dân vẫn có thể trồng trọt và chăn thả gia súc quanh các trụ điện gió. Triển khai đến giai đoạn nào, dự án sẽ bồi thường tiền đất đến đó. Chưa triển khai thì đất vẫn giữ nguyên để người dân canh tác, không sử dụng vào mục đích khác.
Nguyên tắc chung để các trụ điện gió vận hành hiệu quả là chúng được đặt cách nhau từ 3 đến 5 lần đường kính cánh quạt. Việc sắp đặt vị trí của các trụ giờ rất dễ dàng với các phần mềm máy tính, sao cho vừa giảm chi phí trong xây dựng, vừa hiệu quả trong vận hành. Các cánh quạt và nacelle có thể tự động xoay quanh đầu trụ để đón hướng gió tối ưu nhất. Cứ 10 phút một lần, cảm biến đặt trên nacelle gửi các thông số về gió tới trung tâm điều khiển để trung tâm “ra lệnh” cho cánh quạt và nacelle xoay hướng. Các số liệu này không chỉ truyền về phòng điều khiển đặt ở nhà máy Phú Lạc, mà còn truyền về tổng hành dinh của tập đoàn Vestas đặt ở thành phố Aarhus, Đan Mạch. Từ đây, các kỹ sư điện gió Đan Mạch có thể nắm được toàn bộ hoạt động của các tua-bin, nhằm đưa ra các giải pháp sửa chữa, điều chỉnh, bảo dưỡng phù hợp.
Toàn bộ thiết bị tua-bin ở nhà máy Phú Lạc, từ cột đến cánh quạt và hộp điều khiển, được nhập từ Vestas, một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới về thiết bị điện gió. Hãng này chịu trách nhiệm vận hành các trụ gió trong vòng năm năm kể từ khi bắt đầu hoạt động. Các kỹ sư của Vestas cùng làm việc với các kỹ sư của nhà máy Phú Lạc. Vestas còn thuê công ty bảo vệ để bảo đảm an ninh cho các tua-bin 24/24, cứ ba tua-bin là có một chốt bảo vệ.
“Công tác vận hành để luôn đạt hiệu suất cao nhất không hề đơn giản”, kỹ sư Trần Viết Thông nói trong lúc đưa chúng tôi đi tìm hiểu các tua-bin. “Thủy điện hay nhiệt điện không dùng nữa thì họ có thể ngắt nguồn nhiên liệu chứ gió thì không thể ngắt, tua-bin không đạt được hiệu suất cao thì chỉ có phí gió”. Vùng đồi Bình Thuận có tiềm năng về điện gió nhất cả nước. Ở đây có gió quanh năm, ít bão, ít gió quẩn và gió giật. Vận tốc gió trung bình là 7 m/s, cao có thể lên đến 12 m/s với hai mùa gió rõ rệt: từ tháng 10 đến tháng 3 là gió Bắc, từ tháng 3 đến tháng 10 là gió Nam.
*
* *
Theo đề án điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (còn gọi là quy hoạch điện VII điều chỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18-3-2016, mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam có tổng công suất điện gió lắp đặt là 800 MW (đạt 0,8% tổng công suất điện cả nước), 2.000 MW vào năm 2025 (1%) và 6.000 MW vào năm 2030 (2,1%).
Hiện nay, mới chỉ có bốn nhà máy điện gió đi vào hoạt động, gồm Tuy Phong (30 MW), Phú Lạc (24 MW), Phú Quý (6 MW) và Bạc Liêu (99,2 MW) với tổng công suất là 159,2 MW. Liệu đến năm 2020 có thể đạt mục tiêu 800 MW như trong quy hoạch điện VII điều chỉnh? Với số dự án điện gió đã được cấp giấy phép đang ở con số 57 với tổng công suất lắp đặt trên 5.000 MW, mục tiêu đó thừa sức thực hiện. Vấn đề hiện nay là giá bán điện.
“Nút thắt lớn nhất vẫn là giá mua điện từ EVN. Đó là lý do đến nay mới chỉ có bốn dự án đi vào hoạt động và nhiều dự án khác bị thu hồi giấy phép”, ông Bùi Văn Thịnh nhận xét. Chính phủ hiện quy định giá mua điện gió ở mức 7,8 cent/kWh (khoảng 1.740 đồng) cho các dự án điện gió xây dựng trên đất liền, và 9,8 cent/kWh (khoảng 2.186 đồng) cho các dự án điện gió xây dựng trên biển như tại Bạc Liêu.
Mức giá 7,8 cent trên bằng với mức giá bán điện sinh hoạt người Việt Nam đang dùng, vượt xa mức giá mua thủy điện (dưới 4 cent/kWh) và nhiệt điện (dưới 6 cent/kWh) của EVN. Nhưng mức giá 7,8 cent này vẫn không đảm bảo cho các dự án điện gió có lãi. “Nếu điều hành tốt thì 15 năm một dự án điện gió mới gỡ lại vốn, trong khi sau 20 năm phải thay thế mới các thiết bị rồi”, ông Thịnh cho biết. Chi phí vận hành và bảo dưỡng thiết bị cho mỗi MW điện gió hàng năm là 25.000 đô la Mỹ.
Một dự án điện gió công suất trung bình 50-100 MW, cần vốn đầu tư 100-200 triệu đô la Mỹ, tương đương vốn điều lệ của một số ngân hàng thương mại. Con số này gần như vượt ngoài khả năng cho vay của các ngân hàng trong nước nên các chủ đầu tư phải gõ cửa ngân hàng nước ngoài. Nhiều ngân hàng nước ngoài sau khi thẩm định dự án còn yêu cầu có được bảo lãnh của Chính phủ trong bộ hồ sơ vay vốn, một công ty tư nhân rất khó có được bảo lãnh này.
Theo Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ), sản xuất mỗi MWh nhiệt điện than tiêu tốn 2.600 lít nước, phát thải 1.000 kg CO2, trong khi điện gió không tiêu tốn lít nước nào và phát thải 12 kg CO2. Nhưng muốn bước vào cuộc chơi năng lượng sạch thì cũng phải có giá của nó. Ở các nước trong khu vực châu Á, giá mua điện gió đều cao, ví dụ ở Trung Quốc là 10 cent, Philippines là 24 cent và Nhật Bản là 29 cent. Philippines hiện là nước phát triển điện gió lớn nhất hiện nay với tổng công suất 400 MW được đưa vào hoạt động.
Trên thế giới, mức độ phát triển điện gió rất mạnh. Theo bản báo cáo của Hiệp hội điện gió thế giới (WWEA) ra ngày 10-10-2016, trong nửa đầu năm 2016, toàn thế giới có thêm 21,7 GW (gigawatt = 1.000 megawatt) được đưa vào vận hành, bằng với nửa đầu năm 2015. Tổng cộng đến nay, thế giới có 456,5 GW, dự kiến sẽ đạt 500 GW vào cuối năm 2016. Năm nước dẫn đầu là Trung Quốc (158 GW), Mỹ (74,7 GW), Đức (47,4 GW), Ấn Độ (27,2 GW), Tây Ban Nha (23 GW) chiếm 67% tổng công suất lắp đặt của thế giới.
*
* *
Đầu tư vào điện gió chưa sinh lời cao, tại sao Công ty phong điện Thuận Bình vẫn quyết tâm theo đuổi lĩnh vực này, có phải do họ tiếp cận được nguồn vốn rẻ từ Ngân hàng tái thiết Đức (KFW)? “Mấy năm qua, Chính phủ Đức rất sốt sắng trong việc hỗ trợ Việt Nam phát triển điện gió qua Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ). Việc tiếp cận nguồn vốn rẻ đó cũng nằm trong chương trình hỗ trợ của họ, nhưng chúng tôi cũng có rủi ro rất lớn về tỉ giá, vì vốn chúng tôi vay bằng đồng euro, trong khi bán điện cho EVN lấy tiền Việt”, ông Thịnh nói.
Theo ông Thịnh, các nước khác thường mua điện gió trong thời gian đầu với giá rất cao rồi sau đó giảm dần, nhưng ở Việt Nam thì giá vận hành theo chiều ngược lại. Ông hy vọng, Nhà nước sẽ có những điều chỉnh giá mua điện gió tới đây theo hướng tăng, gánh nặng cho các nhà máy như Phú Lạc sẽ giảm xuống. Hiện trong 7,8 cent tiền mua mỗi kWh điện gió, Chính phủ đã hỗ trợ 1 cent cho bên mua. Theo kiến nghị của GIZ, giá thu mua điện gió ở Việt Nam nên nâng lên thành 10,4 cent/kWh là hợp lý.
Luôn mặc bộ quần áo xanh của công nhân ngành điện lực, kể cả khi làm việc ngoài công trường lẫn trong văn phòng và tiếp khách, ông Thịnh là một người cởi mở, xuề xòa, tác phong của một kỹ sư từng lăn lộn nhiều công trình thủy điện ở miền Nam. Năm 2008, ông nghỉ làm trong công ty nhà nước, ra lập công ty phong điện Thuận Bình để phát triển điện gió mà lúc đó ông cho sẽ là xu thế mới trong tương lai. Dự án Phú Lạc bắt đầu trên giấy vào năm 2009, nhưng phải mất sáu năm dự án mới đi tới xẻng đất khởi công đầu tiên vào ngày 21-7-2015. “Riêng phần tổ chức đấu thầu để chọn các nhà thầu tư vấn và cung cấp thiết bị cũng mất gần 3 năm, theo đúng quy trình đấu thầu quốc tế”, ông Thịnh nói. Cho đến khi những dòng điện đầu tiên từ các tuabin gió ở nhà máy Phú Lạc hòa vào lưới điện quốc gia ngày 1-9-2016, công ty trải qua bốn giai đoạn phát triển dự án, xin sáu giấy phép chính cùng với một số giấy phép con khác.
*
* *
Trừ hai ngày cuối tuần về nhà tại TPHCM, ông Thịnh có mặt tại nhà máy Phú Lạc từ thứ Hai đến thứ Sáu để cùng ăn, ở, làm việc với các nhân viên, kỹ sư. Trụ sở của công ty đặt ở thành phố Phan Thiết cũng bỏ, chuyển lên tập trung hết tại Phú Lạc. Nơi đây có văn phòng, trung tâm điều khiển kỹ thuật, dãy nhà lưu trú, bếp ăn, vườn trồng cây trái, cả một sân bóng, sắp tới sẽ có một dãy nhà dùng để đào tạo các kỹ sư điện gió.
Việc đào tạo này rất quan trọng, không chỉ riêng với công ty Thuận Bình. Họ đang triển khai một số dự án điện gió khác, một ở Gia Lai, một ở Đắk Lắk, một ở Ninh Thuận và làm tiếp giai đoạn 2 nhà máy Phú Lạc với công suất 26 MW. Gần 20 nhân viên làm dự án của công ty đang dốc sức để làm sao nhà máy điện gió tại xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận sẽ được khởi công vào cuối năm 2017.
Tại Phú Lạc, ngoài điện gió, công ty này còn triển khai dự án điện mặt trời với công suất 100 MW. So với điện gió, điện mặt trời có hiệu suất sinh điện thấp hơn (16-18%), diện tích chiếm đất lớn hơn nhưng suất đầu tư cho mỗi MW thấp hơn và thi công rất nhanh, chừng ba tháng là hoàn thành dự án 100 MW. “Chúng tôi đã quyết tâm làm thật đẹp dự án điện gió Phú Lạc để cho các tổ chức tài trợ vốn ở nước ngoài và các cơ quan quản lý nhà nước thấy cam kết và năng lực của chúng tôi ra sao. Đầu xuôi đuôi lọt, mọi chuyện giờ dễ dàng hơn rất nhiều, thực hiện một dự án không còn kéo dài 6-7 năm như trước, mà rút xuống một nửa. Mong rằng có nhiều dự án khác triển khai để có một thị trường điện gió đầy đủ, khi đó mình có thể tự sản xuất được cột, cánh quạt, có sẵn các thiết bị thay thế khi cần thiết, như vậy thì giá thành xây dựng và vận hành sẽ giảm xuống”, ông Thịnh kỳ vọng.