Từ nhiều năm trở lại đây, chúng ta không còn xa lạ với podcast – những nội dung âm thanh dạng số mà người dùng có thể nghe trực tiếp bất cứ lúc nào, hay tải về máy cá nhân, nhờ vào công nghệ RSS (Really Simple Syndication). Vì podcast là những nội dung mang tính sáng tạo, nên không có gì ngạc nhiên khi pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ sẽ được áp dụng.
- Mỹ ủng hộ đề xuất từ bỏ bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin Covid-19
- Cần Thơ dùng trí tuệ nhân tạo và thực tế ảo để tăng trải nghiệm cho du khách
Podcast đến từ nhiều nguồn khác nhau, như từ báo chí, từ các kênh podcast chuyên nghiệp hay nghiệp dư, với các chủ đề rất phong phú, đa dạng, như trao đổi, bình luận về đề tài nào đó, ký sự hoặc đưa tin thời sự… Một trong số các kênh podcast Việt Nam đang được giới trẻ ưa chuộng là Giang ơi Radio, Have a Sip (của trang mạng Vietcetera), The Present Writer hay Humans of Human trao đổi các vấn đề văn hóa, xã hội, tâm lý của người trẻ.
Thuật ngữ podcast đến từ sự kết hợp giữa “Ipod” (dòng máy của Apple) và từ “broadcast” (có nghĩa là truyền tải). Năm 2004, Adam Curry, một blogger (người chuyên viết nhật ký mạng) nổi tiếng đã phát triển ứng dụng podcast đầu tiên mang tên Ipodder. Ứng dụng này cho phép người dùng tải về máy Ipod cá nhân các tệp âm thanh dạng MP3, gắn với các bài báo đăng trên blog của Adam Curry. Ngay sau đó, thuật ngữ podcast được nhà báo Ben Hammersley dùng lần đầu tiên trong một bài báo trên tờ The Guardian của Anh, và trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Một năm sau đó, Apple nhanh nhạy giới thiệu trình phát podcast Itunes, cho phép đồng bộ hóa với Ipod. Ở giai đoạn này, thống kê cho thấy chỉ có khoảng 3.000 podcast, nhưng hiện nay đã lên tới hàng triệu podcast, chứng tỏ sự phát triển không ngừng của loại hình truyền tải thông tin này. Không khó có thể thấy sự tương đồng giữa podcast và chương trình đài phát thanh kiểu truyền thống, nhưng điểm mạnh lớn nhất của podcast mà đài phát thanh không thể cạnh tranh được là sự thuận tiện. Chúng ta có thể nghe podcast bất cứ lúc nào và ở bất cứ nơi nào, chỉ cần chúng ta có điện thoại thông minh kết nối với Internet.
Hiện nay trên thế giới đã có một số dịch vụ cung cấp podcast chuyên sử dụng các nội dung đã hết hạn bảo vệ bản quyền, hay miễn phí qua li xăng Creative Commons.
Vì podcast là những nội dung mang tính sáng tạo, nên không có gì ngạc nhiên khi pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) sẽ được áp dụng. Không hiếm các vụ tranh chấp quyền SHTT đã xảy ra liên quan tới podcast, như dùng nhạc hay nội dung sáng tạo trong podcast mà không có sự cho phép của tác giả, hay sử dụng nội dung podcast mà không trích dẫn nguồn.
Không chỉ người tạo ra podcast mà cả người dùng podcast đều phải tôn trọng các quy định về bảo vệ quyền SHTT. Một số điểm sau cần phải được lưu ý.
Đối với người tạo ra podcast, nguyên tắc chính là “sáng tạo mà không vi phạm quyền SHTT”. Podcast hiển nhiên là một loại hình phổ biến tác phẩm tới công chúng, nên cần bảo đảm rằng nội dung cung cấp trong podcast là hoàn toàn hợp pháp, không vi phạm quyền SHTT của người khác. Ví dụ, như chúng ta đều biết, phần lớn các podcast đều có nhạc làm nền. Tất nhiên, phần lớn người tạo podcast đều dùng nhạc có sẵn, vì vậy cần bảo đảm rằng việc sử dụng nhạc nền này không vi phạm quyền SHTT của tác giả (có thể dùng nhạc đã hết hạn bảo hộ bản quyền, nhạc phổ biến miễn phí qua Creative Commons, trích dẫn nhạc nằm trong khuôn khổ ngoại lệ “trích dẫn hợp lí”(1)), hay được tác giả cho phép với điều kiện trích dẫn đầy đủ tên tác giả.
Phần lớn các podcast hiện nay đều là các nội dung trò chuyện, trong đó tác giả podcast trao đổi, thảo luận một vấn đề nào đó. Vì thế, câu hỏi đầu tiên cần phải đặt ra là nội dung podcast có thể được coi là một “tác phẩm được bảo vệ bởi pháp luật về bản quyền hay không”. Theo Luật SHTT Việt Nam thì tác phẩm là “sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào”. Vì thế có thể hiểu rằng nếu như nội dung podcast là trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật hay khoa học và mang tính sáng tạo, không sao chép nội dung đã được phổ biến, thì nội dung podcast cũng sẽ được pháp luật về bản quyền bảo vệ. Tất nhiên, nếu như nội dung podcast là do nhiều người cùng sáng tạo ra, thì sẽ có các đồng tác giả của podcast, chứ tác giả không phải chỉ là người diễn đạt nội dung trong podcast, hay cơ quan sản xuất podcast. Vì podcast là một tác phẩm “ghi âm”, nên người thực hiện podcast cũng được hưởng quyền “liên quan” dành cho nhà sản xuất bản ghi âm (quy định ở điều 30 của Luật SHTT Việt Nam). Trong nhiều trường hợp, người diễn đạt nội dung podcast còn có thể được công nhận quyền của “người biểu diễn”, vốn dành cho các nghệ sĩ, diễn viên biểu diễn.
Đối với người dùng podcast, nguyên tắc chính là tôn trọng quyền SHTT của người thực hiện podcast – chủ sở hữu quyền tác giả đối với chương trình ghi âm này. Các nội dung mang tính sáng tạo của podcast, vì thế, không thể được sao chép mà không có sự cho phép của tác giả. Tất nhiên, khi sử dụng, hay trích dẫn nội dung podcast, chúng ta cũng phải tôn trọng quyền nhân thân của tác giả, như trích dẫn tên tác giả, không được sửa đổi, bóp méo nội dung sáng tạo của tác giả.
Rõ ràng là quyền SHTT là mối bận tâm lớn của các nhà sản xuất podcast. Hiện nay trên thế giới đã có một số dịch vụ cung cấp podcast chuyên sử dụng các nội dung đã hết hạn bảo vệ bản quyền, hay miễn phí qua li xăng Creative Commons. Những nội dung miễn phí bản quyền này còn được gọi tên là “podsafe” – mang nghĩa “an toàn để làm podcast”.
Ngoài ra, một trong những hoạt động phổ biến trong giới sản xuất podcast là thương lượng với các tổ chức đại diện quyền tác giả, để tránh các rắc rối pháp lý có thể xảy ra. Ở Mỹ, ASCAP (The American Society of Composers, Authors and Publishers – Hiệp hội các nhà soạn nhạc, tác giả và nhà xuất bản Mỹ) có đưa hoạt động sản xuất podcast vào li xăng “webcast”, vốn trước đây chỉ dành cho đài phát thanh. Một số cơ quan khác tương tự quản lý quyền tác giả thì đưa hoạt động này vào li xăng dành cho việc phổ biến tác phẩm trên Internet. Người sản xuất podcast chỉ cần xin li xăng là có thể dùng tác phẩm biểu diễn âm nhạc liên quan trong podcast của mình. Ở Anh, các cơ quan quản lý quyền tác giả tác phẩm âm nhạc MCPS (Mechanical-Copyright Protection Society) và PRS (Performing Right Society) cũng cung cấp li xăng cụ thể dành cho hoạt động sản xuất podcast. Ở Pháp cũng tương tự, cơ quan SACEM (Société des auteurs, compositeurs et éditeurs de musique) chuyên quản lý quyền tác giả các tác phẩm âm nhạc cũng cung cấp li xăng riêng biệt cho các hoạt động này.
(1) Điều 25 đ) của Luật SHTT Việt Nam cho phép “Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận, giới thiệu hoặc minh họa trong tác phẩm của mình; để viết báo, sử dụng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát sóng, phim tài liệu”.
Lê Thiên Hương
Theo Kinh tế Sài Gòn Online