(SGTT) - Theo Giáo sư Gian Carlo Di Renzo, Giám đốc Trung tâm y học sinh sản và chu sinh, Trường Đại học Perugia tại Ý, rất khó để dự báo sinh non. Các phương pháp hiện đang sử dụng nhằm xác định các thai phụ có nguy cơ sinh non chỉ đánh giá được nguy cơ trong khoảng thời gian ngắn, thường trong 48 giờ đến 7-14 ngày.
- Mổ tim hở cho bé sinh non nặng 1,6kg
- Mang thai hộ, kiểu gì cũng phải chờ
- Tại sao chỉ phụ nữ mang thai trên 13 tuần mới được tiêm vắc-xin Covid-19?
Tại hội nghị Sản phụ khoa Việt - Pháp - Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 22 do Bệnh viện Từ Dũ TPHCM tổ chức vào ngày 13-10, chia sẻ về nguy cơ sinh non ở phụ nữ mang thai, Giáo sư Gian Carlo Di Renzo, Giám đốc Trung tâm y học sinh sản và chu sinh, Trường Đại học Perugia tại Ý, cho biết sinh non cho đến nay vẫn là một trong các thách thức lớn trong y khoa. Tử suất chu sinh liên quan sinh non cao gấp ba lần so với thai kỳ đủ tháng.
Vị giáo sư này cho biết rất khó để dự báo sinh non. Các phương pháp hiện đang sử dụng nhằm xác định các thai phụ có nguy cơ sinh non, chỉ đánh giá được nguy cơ trong khoảng thời gian ngắn, thường trong 48 giờ đến 7-14 ngày.
Một xét nghiệm với giá trị tiên đoán âm và tiên đoán dương cao sẽ đưa ra giá trị dự báo sinh non tốt nhất. Tuy nhiên, các phương tiện dự báo hiện nay thông thường có giá trị tiên đoán dương thấp và tiên đoán âm cao. Vì vậy không lý tưởng khi sử dụng nhận diện các thai phụ có nguy cơ cao sinh non.
Sinh non hiện đang là nguyên nhân hàng đầu gây tăng bệnh ở sơ sinh như bất thường phát triển trí tuệ, bại não, động kinh, mù, điếc và các bất thường ngoài thần kinh như loạn sản phế nang phổi, bệnh lý võng mạc ở trẻ non tháng. Theo Giáo sư Gian Carlo Di Renzo, hoãn sinh non có thể giúp giảm các bệnh trên thông qua thúc đẩy sự trưởng thành của các hệ cơ quan.
Sinh non được định nghĩa là chuyển dạ trước 37 tuần thai tuổi, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Các tình trạng viêm nhiễm tại cổ tử cung - âm đạo cũng là nguyên nhân dẫn đến chuyển dạ sinh non.
Nói về tình trạng ung thư âm hộ ở phụ nữ tại hội nghị, Giáo sư Olivier Graesslin, một thành viên của Hội Sản phụ khoa Pháp, cho biết các ung thư xâm lấn ở âm hộ thường ít gặp, chiếm tỷ lệ ít hơn 5% các ung thư phụ khoa. Bệnh thường xảy ra nhất ở các phụ nữ trên 70 tuổi nhưng tạo đỉnh điểm ở lứa tuổi từ 40 đến 60.
Các yếu tố nguy cơ gây nên ung thư trên thường là nhiễm các chủng Papillomavirus gây ung thư (HPV), thuốc lá, một số bệnh da liễu gây kích ứng da và ngứa mãn tính, suy giảm miễn dịch...
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bích Quy, Trường Đại học Y dược TPHCM, tiên lượng sống còn ung thư nội mạc tử cung thay đổi tùy theo tuổi, mô học, mức độ xâm lấn cơ tử cung, xâm lấn mạch máu và mạch bạch huyết, kích thước bướu, mức độ lan khỏi tử cung…
Theo thống kê, có 821 trường hợp ung thư nội mạc tử cung giai đoạn 1 được phẫu thuật tại Bệnh viện Từ Dũ từ tháng 1-2014 đến tháng 12-2020. Trong đó 65,2% được phẫu thuật đơn thuần và 32,5% được xạ trị bổ túc sau đó74,6% được mổ nội soi.
Xác suất sống còn không bệnh 5 năm là 91,9%. Xác suất sống còn toàn bộ sau 5 năm là 94,1%. Từ kết quả trên, bác sĩ Quy nhận định, xác suất sống còn không bệnh và sống còn toàn bộ sau 5 năm của ung thư nội mạc tử cung giai đoạn 1 tại Bệnh viện Từ Dũ là cao. Nhóm bệnh nhân dưới 65 tuổi có giải phẫu bệnh là carcinoma tuyến dạng nội mạc 1 và giai đoạn 1A có xác suất sống còn cao hơn ở nhóm còn lại.
Minh Thảo