Trung tuần tháng 11 này Phú Quốc sẽ đón du khách quốc tế trở lại sau gần 20 tháng tạm ngưng vì đại dịch nhưng việc chuẩn bị đến nay vẫn còn nhiều điểm nghẽn.
- Hội An mở cửa trở lại, doanh nghiệp chờ đón khách quốc tế
- Du khách đến Quảng Ninh gặp khó vì địa phương không đón khách từ “vùng vàng”
Theo kế hoạch đã được UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt hôm 21-10, từ ngày 20-11 Phú Quốc sẽ đón một số chuyến bay thuê bao để vận hành thử nghiệm quy trình đón và phục vụ du khách nhằm rút kinh nghiệm cho chương trình thí điểm đón khách quốc tế đến bằng hộ chiếu vắc-xin.
Chương trình này được thực hiện theo hai giai đoạn. Từ ngày 20-12 năm nay đến 20-3-2022, ngành du lịch sẽ phục vụ khách trong một số phạm vi, địa hiểm có giới hạn. Từ 20-3-2022 đến 20-6-2022 quy mô phục vụ sẽ được mở rộng hơn.
Để đón khách quốc tế trở lại, chính quyền tỉnh Kiên Giang cũng đã chọn một số doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, doanh nghiệp vận tải… tham gia chương trình thí điểm. Trong giai đoạn đầu, sẽ có 10 cơ sở cung cấp dịch vụ lưu trú tham gia, hầu hết là những khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp như Vinpearl, JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay Resort & Spa và Movenpick.
Thêm vào đó là bốn công ty lữ hành, gồm Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist, Vietravel, Johns Tours Phú Quốc và Công ty TNHH MTV DL Vina Phú Quốc và sáu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tham quan, vận chuyển…
Ở giai đoạn sau, số doanh nghiệp tham gia cung ứng dịch vụ sẽ tăng thêm. Trong đó, khối lưu trú sẽ tăng thêm tám khách sạn và khu nghỉ dưỡng; khối lữ hành và tham quan sẽ tăng thêm hai doanh nghiệp.
“Nước đã đến chân” nhưng ít người nhảy kịp
Trao đổi với Kinh tế Sài Gòn, một số doanh nghiệp tham gia chương trình thí điểm cho biết, việc chuẩn bị dịch vụ tại điểm đến khá thuận lợi. Nhiều khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí ở Phú Quốc đã sẵn sàng, xe chở khách cùng các dịch vụ khác cũng nhiều, đủ để phục vụ.
“Chúng tôi đã làm thành các tour trọn gói phù hợp từng nhóm khách. Các dịch vụ khác cũng đã sẳn sàng”, ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, nói.
Theo đó, cùng với việc chuẩn bị dịch vụ tại điểm đến, công ty cũng đang đàm phán với đối tác nước ngoài để đưa khách đến Phú Quốc. Ông Yên cũng không cho hay thông tin chi tiết về thị trường và lượng khách có thể sẽ đến nhưng ông cho rằng, về lượng khách do công ty vẫn đang trong thời gian đàm phán với đối tác. Tuy nhiên, doanh nhân này cho rằng sẽ khó có thể kỳ vọng vào sự tăng trưởng mạnh mẽ ngay khi mở cửa trở lại.
“Sản phẩm đã có nhưng vấn đề khó khăn là bán hàng và thuyết phục khách mua, không dễ có chuyện mở cửa là khách ùn ùn tới, cần phải có thời gian”, ông Yên nói. Ông cũng nói thêm rằng tương tự như việc TPHCM khởi động các tour thí điểm cho khách nội địa đến Củ Chi, Cần Giờ, việc thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc là cơ hội cho bộ máy, ở đây là bộ máy của mảng inbound (đưa du khách nước ngoài đến Việt Nam) khởi động lại sau một thời gian dài tạm ngưng. Sau Phú Quốc, công ty sẽ tiếp tục chào bán tour đến những địa phương được phép mở cửa đón khách quốc tế.
Theo kế hoạch nói trên, tỉnh Kiên Giang sẽ mở cho du khách đến từ những quốc gia và vùng lãnh thổ có độ an toàn cao về phòng, chống Covid-19 tại một số khu vực như châu Âu, Trung Đông, Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, châu Úc…
Nhưng nhiều doanh nhân cho rằng, do việc công bố kế hoạch đón khách chi tiết quá cận ngày nên hiện rất khó để có thể định hình về những thị trường có thể gửi khách trong vài tháng sắp tới.
Doanh nghiệp chưa đủ thời gian để chuẩn bị các dịch vụ đưa du khách đến Việt Nam. Trong đó, với dịch vụ rất quan trọng là hàng không, cho đến đầu tuần này, cơ quan chức năng vẫn chưa cấp phép bay nên nhiều công ty chưa dám thực hiện các kế hoạch tiếp thị để bán hàng, gom khách.
Theo bà Hoàng Thị Phong Thu, Chủ tịch Hội Đồng thành viên Công ty Lữ hành Quốc tế Pegas Misr Travel Vietnam, đơn vị chuyên phục vụ khách Nga đến bằng máy bay thuê bao, từ đầu tháng 9 rồi hai hãng hàng không của Pegas Touristik là Nordwind Airlines và Pegas Fight đã nộp hồ sơ để xin bay đến Phú Quốc nhưng hiện chưa có giấy phép.
Ở phía Nga, chính phủ nước này cũng chưa có quyết định chính thức về việc đưa khách du lịch sang Việt Nam cho nên doanh nghiệp chưa thể thúc đẩy các kế hoạch tiếp theo.
“Hiện việc bán tour vẫn chưa được khởi động. Nếu lúc này mà được phép bay thì cũng khó có thể đưa khách đến ngay vì chúng tôi cần thời gian để bán hàng. Sớm nhất, chúng tôi chỉ có thể bay vào quí 1-2022”, bà nói.
Theo đó, việc đưa khách du lịch Nga, một lượng khách được xem là tiềm năng đến Phú Quốc hiện gặp nhiều khó khăn. Cùng với những vấn đề vừa kể trên, do nước Nga đang bùng dịch Covid-19 nên nhiều doanh nghiệp chưa dám “hành động” vì phải chờ đợi những quyết sách chống dịch mới của Chính phủ.
Thêm vào đó, tỷ lệ bao phủ vắc-xin ngừa Covid-19 thấp, chỉ hơn 30% của thị trường này cũng là một ẩn số khiến việc tính toán các kế hoạch thu hút khách khá khó khăn.
Lo khó làm ăn vì thiếu quy trình
Trong những cuộc trao đổi gần đây với Kinh tế Sài Gòn, nhiều doanh nhân cho biết, hiện chưa tính đến việc đưa khách quốc tế đến do thiếu quy trình hoặc phương án xử lý khi phát hiện khách nhiễm SARS-CoV-2.
Hiện tại, chính quyền tỉnh Kiên Giang hay một vài điểm đến đang dự tính đón khách quốc tế chỉ mới vừa tính tới quy trình ứng phó của cơ quan quản lý y tế, cơ sở cung ứng dịch vụ… khi phát hiện khách nhiễm bệnh. Trong khi đó, điều mà doanh nghiệp và du khách cần cách ứng phó, xử lý dịch vụ trong trường hợp du khách bị nhiễm bệnh để chủ động trong điều hành và bảo đảm quyền lợi cho khách hàng.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó giám đốc Công ty Lữ hành Quốc tế Transtravel, hiện công ty chưa chào tour đến Phú Quốc vì nhiều du khách Pháp, châu Âu, thị trường chính của công ty không muốn phải đi du lịch theo chương trình quá khép kín. Thêm vào đó, doanh nghiệp cũng lo lắng về việc lỡ khách bị nhiễm bệnh thì tour sẽ bị hủy, ảnh hưởng đến du khách và chi phí điều hành.
“Chúng tôi cần quy trình chi tiết về việc xử lý trong trường hợp khách nhiễm bệnh để không ảnh hưởng đến cả đoàn du lịch”, ông nói và cho rằng, du khách sẽ không mua tour nếu có quy định cả đoàn phải cách ly khi có người trong đoàn bị nhiễm SARS-CoV-2 vì vừa không được đi du lịch lại vừa tốn kém tiền bạc và mất thời gian.
Ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty Images Travel, cũng có nhận định tương tự, cho rằng doanh nghiệp và du khách phải đối mặt với nhiều rủi ro nếu không có quy trình trên. Trong kế hoạch thí điểm, điểm đến yêu cầu du khách phải mua vé máy bay khứ hồi, tour trọn gói, bảo hiểm y tế, tiêm đủ vắc-xin ngừa Covid-19 và có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Điều này đồng nghĩa với việc khách phải tuân thủ nhiều quy định và bỏ khá nhiều chi phí trong khi đó, những quy định bảo vệ quyền lợi cho khách hàng lại chưa có.
Ngoài ra, có rất nhiều điều chưa rõ. Chẳng hạn, nếu khách bị nhiễm bệnh nhưng không muốn chữa trị tại Việt Nam thì có được phép lên máy bay xuất cảnh hay không; những người đi trong đoàn sẽ như thế nào, có được tiếp tục đi sau khi xét nghiệm nhanh hay không; nếu phải lưu lại thì chi phí ra sao; việc đổi vé máy bay và thị thực trong những trường hợp đặc biệt này sẽ được thực hiện như thế nào…
“Du khách phải biết những vấn đề họ có thể gặp và cách giải quyết để cân nhắc việc mua hay không mua tour đến Việt Nam. Khi có quy định rõ ràng và thống nhất, doanh nghiệp cũng yên tâm vì tránh được những rủi ro khi tổ chức tour”, ông Toản nói.
Doanh nhân này cho rằng, nếu đã xác định là “sống chung với dịch”, chia tay giai đoạn “zero Covid” thì không nên áp các biện pháp quản lý quá ngặt nghèo với du khách như việc cách ly cả nhóm khi có người bị nhiễm bệnh. “Nếu có quá nhiều rủi ro thì khách hàng sẽ không đi du lịch”, ông nói.
Nhiều doanh nhân kỳ vọng, việc đón khách quốc tế đến Phú Quốc sẽ là một trong những cột mốc để cơ quan quản lý hoàn thiện quy trình đón khách nhằm nhanh chóng thực hiện kế hoạch mở cửa điểm đến.
Nếu không, du khách sẽ có thể chọn những điểm đến khác như Thái Lan, Singapore, Indonesia thay vì đến Việt Nam. Cuộc đua nối lại du lịch, thu hút khách quốc tế trở lại sau đại dịch Covid-19 hiện đã “nóng” lên rất nhiều ở khu vực Đông Nam Á.
Đào Loan
Theo KTSG Online