Mỹ Trần
Tờ Bangkok Post mới đây đăng bài viết Vietnam, wide open giới thiệu về triển lãm đang diễn ra của họa sĩ Việt Nam Bùi Thanh Tâm tại Thavibu Gallery, Silom, Bang Rak, Bangkok, Thái Lan đến ngày 23-5. Tờ này viết: “Các bức tranh của Bùi Thanh Tâm khám phá xã hội đương đại từ những góc nhìn khác nhau, như vai trò của người phụ nữ và những hỗn loạn được nhận thức. Những người phụ nữ trong tranh của anh được xem như một biểu tượng và mang những giá trị phi truyền thống Việt Nam”.
Từ trước đến nay, người nước ngoài thường quen với hình ảnh người phụ nữ Việt Nam dịu dàng, duyên dáng trong tà áo dài truyền thống, đầu đội nón lá, nay Bùi Thanh Tâm mang đến hình ảnh người phụ nữ đương đại hoàn toàn mới lạ.
Phụ nữ đẹp và tác phẩm đẹp
Thị hiếu thẩm mỹ là một hình thức phán đoán mang đậm tính chất cá nhân. Chữ “đẹp” vốn dĩ là một tính từ mang đầy cảm tính của người nhận xét, tuy nhiên, về nguyên tắc, xét về hình thể người phụ nữ, cái đẹp chuẩn mực bao giờ cũng là cái đẹp đặc trưng của từng nền văn hóa và chủng tộc. Ngày xưa ở nước ta, các cụ thường đưa tiêu chuẩn “công, dung, ngôn, hạnh” để nói đến một người phụ nữ đẹp; ngày nay, khi các cuộc thi nhan sắc ngày càng nhiều, người ta thường bận tâm đến dáng đẹp, mặt xinh, số đo ba vòng chuẩn để nhận xét một cô gái đẹp.
Nói về một tác phẩm nghệ thuật đẹp cũng giống như nói về một cô gái đẹp, mức độ đẹp nó tùy vào con mắt, cảm xúc và tư duy của người xem. Tuy nhiên, cái đẹp trong hội họa cũng có một chuẩn chung về tạo hình, bố cục, hình khối, màu sắc và ánh sáng mà các họa sĩ phải đạt được để thể hiện được ý tưởng, phong cách và cảm xúc của họ đến người xem.
“Dù bằng cách thức nào, thời đại nào, mục đích chính của nghệ thuật vẫn là tìm kiếm và diễn tả cái đẹp, mà cái đẹp tác động mạnh nhất đến con người và công chúng luôn là một con người hay xã hội những con người, trong đó người nữ là biểu tượng vẻ đẹp cao nhất”, họa sĩ Lương Lưu Biên chia sẻ. Còn với họa sĩ Bùi Thanh Tâm thì: “Có thể nói xuất phát từ tình yêu với người phụ nữ, họ biểu hiện cho vẻ đẹp và quyết định tinh thần cho người đàn ông, vậy nên tranh tôi chủ yếu là vẽ về phụ nữ”.
Vẻ đẹp phụ nữ thời nay trong hội họa
Trong thế giới hội họa, ai từng mê mẩn nụ cười hư ảo của Nàng Mona Lisa của danh họa Leonardo da Vinci (Ý) hay đường cong tinh tế, thân hình đẫy đà của người phụ nữ phương Tây thời Phục hưng trong tác phẩm Sleeping Venus (Vệ Nữ say ngủ) của danh họa Giorgione (Ý) hẳn sẽ bối rối, lạ lẫm với vẻ đẹp của người tình lâu năm của danh họa lừng danh thế giới thế kỷ 20 Pablo Picasso (Tây Ban Nha) trong tác phẩm Dora Maar with Cat (Dora Maar với Mèo) bằng phong cách lập thể phân tích. Điều đó cũng giống như ai từng say mê hình tượng thiếu nữ với tà áo dài truyền thống Việt trong tác phẩm Thiếu nữ bên hoa huệ (sơn dầu) – Tô Ngọc Vân – một tác phẩm tiêu biểu của nền hội họa Việt Nam đầu thế kỷ 20 hay nét dịu dàng của Thiếu nữ Huế của Mai Trung Thứ thời kỳ Đông Dương hẳn cũng sẽ ái ngại với hình ảnh phụ nữ trong các tác phẩm của Bùi Thanh Tâm.
Họa sĩ Bùi Thanh Tâm chia sẻ: “Nét đẹp của những bức chân dung người phụ nữ của tôi là nét đẹp theo khuynh hướng phản ánh cái đẹp chung của hội họa chứ không đơn thuần của vẻ đẹp mỹ cảm. Ở đó họ toát lên những trạng thái biểu cảm mãnh liệt và ẩn chứa đằng sau những nỗi ám ảnh hoặc phản ánh trạng thái vô hồn trong nhiều vấn đề của xã hội đương đại”. Chính vì thế nếu chỉ xét đến “mặt xinh, dáng chuẩn” thì khó cảm nổi vẻ đẹp hình ảnh người phụ nữ trong tranh của anh, mà phải dùng đến trái tim cho hội họa để thấy một ý nghĩa rộng hơn, bao quát hơn cho một vấn đề xã hội.
Bùi Thanh Tâm còn sử dụng những hình ảnh quen thuộc trong các bình phong Tố Nữ trong tranh dân gian Hàng Trống và Đông Hồ, nhằm gửi gắm thông điệp đến các bạn trẻ Việt Nam cần giữ gìn bản sắc truyền thống đang dần mai một trước sự du nhập mạnh mẽ của các nền văn hóa khác.
Nói đến hình ảnh của phụ nữ trong hội họa đương đại Việt, không thể không nhắc đến các cô gái môi đỏ, cằm nhọn, mắt bé trong các tác phẩm trên lụa và giấy dó của Bùi Tiến Tuấn. Những “cô gái thị thành” trong tranh của anh hẳn không giống tiêu chuẩn ba vòng của các cuộc thi sắc đẹp, thế nhưng ở đó người xem có thể cảm nhận sự quyến rũ, hấp dẫn của người phụ nữ trong những đường nét bay bổng của anh. Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn nói: “Trong thế giới mộng mị của tôi, nét đẹp của người phụ nữ được thăng hoa bởi vẻ đẹp của chất liệu truyền thống lụa và giấy dó”.
Cũng vậy, các “nàng thơ” trong tác phẩm của Lương Lưu Biên hay Phương Quốc Trí đều được khắc họa bằng những gam màu trầm, khiến người xem quan tâm đến cảm xúc nhân vật hơn hình thể bên ngoài. “Ngày nay, vẻ đẹp của ý niệm hay những biểu hiện vẻ đẹp từ xúc cảm bên trong được đánh giá cao hơn dáng vẻ vật lý, tình cảm bên ngoài. Tôi quan tâm và cố diễn đạt được vẻ đẹp của sự chịu đựng, sự lo toan, hạnh phúc riêng tư hay nỗi đau, nỗi cô đơn... của thân phận nữ. Và những vẻ đẹp này cần nhiều hơn sự chiêm ngưỡng, cảm thông, sẻ chia bởi nó không dễ gì được nhìn thấy, nhất là trong bối cảnh xã hội hiện đại”, họa sĩ Phương Quốc Trí phân tích.
Họa sĩ Lương Lưu Biên tâm sự: “Trong một số tác phẩm, cơ thể hay chân dung người nữ là một nguyên cớ đơn giản để dễ dàng theo đuổi những kỹ thuật tạo hình của riêng mình. Đó là sự cô đọng hay loang chảy của acrylic (sơn nước), những nhát bay mạnh hay nét sơn vung vít trong các chuyển động múa để mong diễn đạt sự cầm tù, nuôi dưỡng, run sợ trước nỗi đau riêng hay dằn xé. Những bố cục múa tạo nên các chuyển động nhiều nhạc tính, những bố cục nhiều người tạo ra những không gian tâm lý và những va chạm nội tâm, một số khác có thể đơn giản chỉ mô tả sự duyên dáng của cơ thể nữ”.
Nổi tiếng là người vẽ nỗi buồn, các bức chân dung khỏa thân người phụ nữ trong tranh của Đỗ Hoàng Tường không phải là những thân hình nóng bỏng, gợi tình mà là những người đàn bà không rõ mặt với tâm trạng u uất nhuốm màu nhục cảm, với những khao khát không thể lấp đầy. “Tôi không vẽ hình dáng bề ngoài của họ, tôi vẽ thân phận những người phụ nữ Việt Nam sống ở những nơi đô thị đang bị chi phối bởi đồng tiền, đang bị Âu hóa và mất dần giá trị truyền thống. Những người phụ nữ trong tranh của tôi đẹp khi họ dám nhìn vào nỗi đau mà họ đang giấu đằng sau những nụ cười”, họa sĩ Đỗ Hoàng Tường nói.