Ngày nay nhu cầu phóng sinh, thả chim cá, sinh vật về tự nhiên như một cách tạo phước đức và công đức là một nhu cầu tâm linh đang gia tăng. Việc phóng sinh giúp nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên, muôn loài và mở rộng ra là tấm lòng vị tha. Ở góc nhìn sinh thái, nếu việc phóng sinh được thực hiện cẩn thận, đúng cách thì còn có thể giúp phục hồi được thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt.
- Nhiều địa phương thả hàng triệu con giống cá, tôm để bảo vệ nguồn lợi thủy sản
- Về Tây Ninh, ghé thăm vườn Di sản ASEAN duy nhất tại Đông Nam Bộ
Bài này tập trung bàn về việc phóng sinh cá vào nguồn nước ở ĐBSCL với mong muốn sao cho việc phóng sinh vừa đạt được mục đích tâm linh vừa phục hồi được sinh thái và tránh được những ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường tự nhiên.
Sự cân bằng sinh thái
Trong một hệ sinh thái có hai thành phần chính là sinh vật và môi trường (đất nước, không khí, ánh nắng mặt trời). Môi trường nào sẽ có các sinh vật tương ứng, nghĩa là các loài sinh vật chỉ sinh sống được ở những môi trường thích hợp với chúng. Nơi thích hợp đó gọi là sinh cảnh.
Còn về sinh vật trong một hệ sinh thái thì gồm nhiều thành phần. Đầu tiên là sinh vật sản xuất sơ cấp, là những thực vật xanh, dùng năng lượng mặt trời để tạo ra thực phẩm. Có thể nói rằng tất cả mọi sự sống, dĩ nhiên là kể cả con người, phụ thuộc vào sinh vật sản xuất sơ cấp. Đây là những “cỗ máy” tinh vi nhất, con người không thể nào tạo ra được, để bắt năng lượng mặt trời, lưu trữ năng lượng dưới dạng thức ăn, để nuôi sống gần như toàn bộ sự sống trên trái đất này.
Sau đó sinh vật ăn thực phẩm này thì gọi là sinh vật tiêu thụ sơ cấp, ví dụ ngựa ăn cỏ. Tiếp đến, sinh vật ăn sinh vật tiêu thụ sơ cấp thì gọi là sinh vật tiêu thụ cấp hai, sinh vật ăn sinh vật tiêu thụ cấp hai thì gọi là sinh vật tiêu thụ cấp ba. Một con cáo ăn thịt một con thỏ ăn cỏ thì con cáo là sinh vật tiêu thụ cấp hai. Con gì đó ăn thịt con cáo thì là sinh vật tiêu thụ cấp ba.
Như vậy, sinh vật, kể cả loài người, trong một hệ sinh thái thì có quan hệ chặt chẽ với nhau và với môi trường. Mối quan hệ con nọ ăn con kia và vì vậy phụ thuộc vào nhau gọi là chuỗi thực phẩm (food chain) hay mạng thực phẩm (food web) như mắt xích hoặc như mạng lưới. Nếu có mắt xích nào bị đứt gãy, biến dạng hay suy yếu, hoặc mạnh bất thường, thì toàn bộ chuỗi hay mạng lưới bị trục trặc, mất cân bằng.
Môi trường tự nhiên luôn biến động, nhưng tự nhiên luôn biết cách tự cân bằng. Nhưng những tác động của con người gây ra thì thiên nhiên rất khó tìm lại cân bằng để hoạt động một cách nhịp nhàng nữa. Trong những mối quan hệ sinh thái chằng chịt đó, một loài gặp rắc rối thì kéo theo những loài khác gặp rắc rối. Ngày nay, phần lớn những rắc rối là do con người gây ra. Ví dụ, hoạt động sản xuất và sinh sống của con người gây ra ô nhiễm môi trường hoặc đưa các loài sinh vật ngoại lai vào môi trường làm rối loạn hệ sinh thái bản địa.
Cá nước ngọt tự nhiên ở miền Tây Nam bộ
Ở xứ miền Tây mình, cá nước ngọt có hai loại gồm cá trắng và cá đen. Cá trắng như cá mè vinh, cá he, cá rằm, cá mè hôi, cá hô… sống ở môi trường nước chảy, tức là môi trường sông. Loại cá này dùng mang để hấp thu oxy hòa tan trong nước. Do đó, nơi nào nước không chảy, ít oxy, hoặc nơi nào ô nhiễm thiếu oxy thì cá trắng không sống được. Cá đen như cá lóc, cá trê, cá rô đồng… sống ở môi trường nước tĩnh như kênh mương, đồng ruộng. Cá đen thì thở bằng cách trồi lên mặt nước, còn gọi là lên ngớp, để hớp không khí. Cá đen vì vậy hay sống trong mương, đìa, đồng ruộng chứ không sống ở sông sâu nước chảy.
Trong sinh thái học cũng có khái niệm sức tải của môi trường, tức là một môi trường nào đó chỉ nuôi nấng nổi một số lượng sinh vật nhất định. Ví dụ một khu rừng rộng bao nhiêu héc ta đó chỉ dung dưỡng được một trăm con voi chẳng hạn. Nếu có vài trăm con voi được thả thêm vào khu rừng đó thì sẽ không đủ thức ăn. Một đoạn sông với bao nhiêu cá tép đó, khó bề dung dưỡng cho một vài hoặc một bầy cá ăn thịt to lớn được thả xuống. Hoạt động phóng sinh, vì vậy nếu thực hiện không đúng cách, có thể tạo ra những đảo lộn, mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng.
Để một hệ sinh thái khỏe mạnh thì cần có sự cân bằng giữa số lượng loài này loài kia. Cái gì nhiều quá hoặc ít quá sẽ làm mất cân bằng. Do đó, khi ta phóng sinh cá không đúng nơi chúng sinh sống thì chúng khó tồn tại. Khi ta phóng sinh số lượng cá nào đó nhiều quá vào một nơi thì gây mất cân bằng. Khi ta phóng sinh các loài cá ngoại lai xâm hại thì nó tàn sát các loài bản địa của xứ mình.
Nên phóng sinh thế nào
Người viết không có ý phản đối phóng sinh, chỉ xin đề nghị chúng ta lưu ý mấy vấn đề sau đây để nhằm bảo vệ hệ sinh thái và quyền lợi của các loài được phóng sinh cũng như các loài khác trong hệ sinh thái, cũng tức là chúng sinh.
Chỉ phóng sinh những con cá, con vật nào bị người ta bắt, mình giải cứu bằng cách mua lại để phóng sinh. Không nên mua ở những nơi chuyên kinh doanh buôn bán cá và động vật phóng sinh, dù điều này rất tiện lợi. Khi ta mua sinh vật phóng sinh ở những nơi chuyên kinh doanh buôn bán động vật phóng sinh như thế, theo quy luật cung-cầu thì chúng ta góp phần tăng cầu. Có cầu ắt có cung và khi cầu tăng thì ắt cung sẽ tăng theo để đáp ứng.
Người ta sẽ phải nạo vét thiên nhiên nhiều hơn, bắt lên để thả xuống không đúng nơi sống. Vô hình trung, chúng ta tạo ra một “nền công nghiệp phóng sinh” theo quy luật thị trường, trong đó chúng sinh muôn loài đang sống yên ổn trong thiên nhiên thì bị lọt vào vòng quay này thêm đau khổ.
Chỉ phóng sinh những sinh vật bản địa của xứ mình, không phóng sinh những loài sinh vật ngoại lai vì sinh vật ngoại lai gây hại cho các sinh vật khác ví dụ cá lau kiếng, ốc bươu vàng, cá hải tượng. Các loài ngoại lai gây hại rất lớn cho môi trường bằng cách cạnh tranh thức ăn, cạnh tranh nơi sinh sống, hoặc ăn thịt các loài bản địa.
Phóng sinh đúng môi trường để các sinh vật được phóng sinh có thể tiếp tục sống. Cụ thể, cá đen như cá lóc, cá trê, cá rô thì nên được thả vào môi trường nước tĩnh ở kênh mương, đồng ruộng vì đó là môi trường đúng của chúng, chứ không nên thả ra sông lớn nơi có nước chảy mạnh. Cá trắng như cá mè vinh, cá rằm, cá he, nói chung là các loài cá sông thì thả vào môi trường sông. Chúng ta có thể cho rằng rồi chúng sẽ tự biết đường tìm đến nơi thích hợp, cá lóc sẽ tìm đường vô ruộng được mà. Nhưng như vậy có phải là gây khổ cho chúng không?
Không nên thả với số lượng quá lớn một loài nào đó tập trung vào một chỗ vì làm như vậy sẽ mất cân bằng sinh thái. Số lượng đông quá cùng một loài thì sẽ ăn cùng loại thức ăn và sẽ cạnh tranh với nhau gây ra thiếu thức ăn và gây ra tàn sát các loài khác.
Ví dụ có một đoạn mương nhỏ, chúng ta thả xuống hàng chục ki lô gam cá lóc thì chúng sẽ lùng sục tìm mồi, cạnh tranh với nhau mà ăn sạch những con cá nhỏ khác. Thử nghĩ những con cá tép nhỏ đang sống yên ở đó, đột nhiên bị săn đuổi, mất mạng vì bầy cá lóc ở đâu xuất hiện quá đông tới tàn sát.
Cũng không nên thả cá có nguồn gốc là cá nuôi ra môi trường thiên nhiên. Mua cá nuôi thả ra thiên nhiên sẽ làm đảo lộn sinh thái. Về việc này có lẽ khi phóng sinh, chúng ta nên tham khảo ý kiến và được sự hướng dẫn chuyên môn của ngành thủy sản. Cuối cùng khi thả cá thì không nên kèm theo xả rác, bọc nylon xuống sông ngòi, kênh rạch.
Người viết, với hiểu biết Phật Pháp còn rất nông cạn, thấy rằng việc phóng sinh có thể được cải thiện tốt hơn từ góc nhìn sinh thái. Những lời bàn trên đây dù sao cũng chỉ là suy nghĩ từ trí tuệ thế gian. Chỉ vì lo lắng cho hệ sinh thái, xin bày tỏ ra đây, với lòng khiêm nhường, để tất cả chúng ta cùng suy ngẫm.
Nguyễn Hữu Thiện
Theo Kinh tế Sài Gòn Online