Thứ năm, Tháng mười một 7, 2024

Phim trường: thách thức từ góc nhìn của cả 2 phía cung cầu

Kinh doanh phim trường không phải là hoạt động mới mẻ trong lĩnh vực văn hóa. Nhiều năm qua, có không ít nhà đầu tư đau đáu nỗi niềm thu hồi vốn trong bối cảnh thị trường không mấy khả quan. Sau giai đoạn dịch bệnh, phim trường cũng được “săn lùng” nhiều hơn, khiến không ít chủ sở hữu lạc quan tiếp tục rót vốn đầu tư để mở rộng việc kinh doanh.

Nhu cầu tăng cao hậu Covid-19

Sau khi dịch bệnh Covid-19 tạm lắng xuống, đạo diễn Quách Khoa Nam đã cùng đoàn làm phim đi tìm bối cảnh để thực hiện một dự án phim, và gặp khá nhiều khó khăn trong khâu tìm được địa điểm đặt máy quay. Anh kể lại rằng đoàn phim trên dưới vài chục người, dù đã tiêm phòng đầy đủ nhưng khi tiếp xúc vẫn bị sự e ngại, lảng tránh từ người dân địa phương, chưa kể, tại nhiều khu vực, chính quyền hạn chế không cho tập trung đông người để ghi hình.

Sau dịch bệnh, bức tranh kinh doanh không nhiều màu sắc tươi sáng nhưng theo đại diện CineV, vẫn có những tín hiệu khả quan. Vì ý thức tuân thủ phòng chống dịch bệnh còn rất cao, đa phần cư dân ở vùng xanh không cho đoàn người lạ vào quay ở khu vực họ sinh sống. Chính vì lý do khách quan đó, nhiều ekip buộc phải chuyển vào phim trường nhiều hơn. Bên cạnh ưu điểm như cơ sở hạ tầng thuận tiện cho cả đội ngũ, tiến độ quay phim cũng ít bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài.

Chị Lê Thị Kiều Nhi, Giám đốc điều hành của YA Film, cho hay phim trường CineV của công ty vừa qua giai đoạn cao điểm cuối năm. Thông thường, trước dịp lễ, Tết hai tháng là mùa tất bật của phim trường vì các chiến dịch, dự án đa phần chạy nước rút theo các dịp này. Phim điện ảnh, truyền hình, sitcom, MV ca nhạc, TVC quảng cáo… đều nhắm cùng một thời điểm tung ra thị trường vào ngày lễ, Tết. Đến thời điểm hiện tại, đã cuối mùa nên các đơn vị đặt lịch thưa dần, quay phim và ghi hình cũng có nhưng không nhiều.

“Sau hai năm dịch bệnh, nhiều đối tác gặp khó khăn và chính bản thân chúng tôi cũng vậy, do đó, phía phim trường đã giảm giá cho nhiều đơn vị để cùng nhau đi qua giai đoạn này”, chị Kiều Nhi chia sẻ.

Ghi nhận tại nơi bấm máy trong hai tháng gần đây của đạo diễn Ngụy Minh Khang, anh cho hay mình vừa thuê nhà nguyên căn để phục vụ sản xuất phim mỗi ngày và làm nơi này thành văn phòng công ty để tiết kiệm chi phí cho mỗi lần ghi hình.

Trước dịch, mỗi lần quay đội ngũ của anh phải tìm thuê ở khu vực nhà dân, vì thuê phim trường tốn kém nhiều chi phí. Dù vậy việc thuê bên ngoài sẽ làm đoàn tốn thời gian di chuyển, khó thoải mái bài trí như ý muốn, hết dịch thì các điểm không chuyên dùng để quay hạn chế tập trung đông người. Từ ngày tự tạo phim trường riêng cho mình và mở cửa chào đón các đoàn làm phim tìm bối cảnh như bệnh viện, phòng ngủ, phòng bếp, phòng khách, đường xóm làng quê… đến thuê dịch vụ, anh Khang chủ động hơn trong khâu sản xuất cũng như giải quyết các vấn đề bất tiện như trên.

Một phần khu vực ngoài trời đang được đoàn phim sử dụng trong phim trường CineV. Ảnh: CineV

Đại diện CineV, chị Kiều Nhi cho hay tổng diện tích phim trường hiện nay khoảng 6 hecta, có cả phim trường lớn khoảng 2.000 mét vuông để quay các cảnh trong studio, thêm gần 100 set quay khác nhau từ nội, ngoại cảnh như nhà phố, nhà xưa, nhà cấp bốn, nhà chung cư, phòng khách, bếp ăn, công viên, đường phố, góc phố, bệnh viện, trường học, nhà tù, đồn công an…

Hiện tại, CineV có thể cung cấp nhiều bối cảnh trong phạm vi phim trường mà đoàn không cần di chuyển tìm điểm quay khác nhau tại TPHCM. Thực tế đã có nhiều ekip chọn CineV thì họ sẽ có một ngày quay trọn vẹn ít đi lại. Đây cũng chính là sự đầu tư, chuyển mình của đội ngũ để phim trường phục hồi, mở đường làm ăn trở lại.

Làm phim trường, chuyện khó không chỉ của nhà làm phim

Từ tình hình nhiều trở ngại sau dịch Covid-19, suy nghĩ có một phim trường để hoàn thành đa dạng cảnh quay, cắt giảm chi phí di chuyển, dàn dựng thiết bị máy móc, tiết kiệm sức lực cho đoàn là điều người làm phim nào cũng nghĩ tới. Tuy vậy, nhiều cha đẻ của các dự án phim cũng thừa nhận, tìm phim trường ở Việt Nam có thể quay nhiều tập liền đa dạng bối cảnh, không trùng lặp với các phim trước, giá cả vừa với kinh phí sản xuất hạn hẹp từ nhà đài không phải là chuyện dễ.

Đạo diễn Lê Minh vừa hoàn thành xong các cảnh cuối trong phim Tết 2023 Bà chủ vắng nhà cho rằng các dự án phim truyền hình thường không được đầu tư nhiều như phim điện ảnh. Việc tính toán, cân đối ngân sách phim sao cho phù hợp rất khó. Vì nếu làm cho đã “máu nghề” thì sẽ lỗ, làm sao giải quyết được câu chuyện bối cảnh thích hợp, không vung tay quá trán cũng là quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng.

“Ai cũng biết nếu có phim trường hoành tráng thì diễn viên, đạo diễn, cả ekip không ai phải chịu khổ, nắng mưa rồi đi lại xa xôi, thiết bị như đèn đóm, điều hòa sẽ có sẵn cả, quay rất nhanh như các phim trường ở nước bạn Hàn Quốc, Trung Quốc”, anh nói.

Bối cảnh đường phố của dự án Tết ngay trong phim trường. Ảnh: CineV

Tuy vậy ở trung tâm TPHCM, tìm được phim trường đúng nhu cầu thì giá thuê lại không thấp, phim trường đẹp thì ở các điểm vùng ven rất xa, đoàn cũng không thể chỉ quay trong khuôn viên phim trường vì không gian kém đa dạng. Anh chỉ ra cách giải quyết tạm thời bây giờ vẫn là đi thuê nhà dân hoặc các điểm cho quay dịch vụ, đi tìm bối cảnh theo kiểu “nay đây mai đó”.

Đạo diễn Lê Minh nhìn nhận các cơ sở cho thuê phim trường hiện nay chưa thực sự mang tính cung cầu của thị trường, bởi “thiếu mà dư”. Nhiều nơi được đầu tư chi phí quá lớn nên giá thuê cao, ít đoàn phim nhỏ lẻ có đủ tiền để thuê. Trong khi đó không ít phim trường xuống cấp, thiếu vốn đầu tư. Dù đang sở hữu hãng phim của riêng mình, anh Lê Minh vẫn chưa có ý định tự mở phim trường vì lẽ muốn làm sản phẩm này thì phải có quỹ đất lớn.

“Những phim truyền hình cần bối cảnh sang trọng, quý phái thì không gian đầu tư chưa tới, nhưng riêng hình ảnh miền Tây, vùng miệt vườn thì Việt Nam rất đẹp và đa dạng. Cái khó là ở chỗ tìm cách quy tụ mọi bối cảnh về một mối thì mới gọi là phim trường đúng chuẩn, phục vụ cho đại đa số khách hàng”, anh nhấn mạnh.

Cảnh quay trong phim Tết của đạo diễn Lê Minh. Ảnh: Lê Minh

Chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp khi vận hành hệ thống phim trường sau dịch, chị Kiều Nhi cho biết mình liên tục tái đầu tư vì phim trường trống sẽ hiếm ai thuê. Do vậy công ty phải xây dựng các bối cảnh quay sẵn mới tìm được khách. Dịch bệnh vừa qua đi, chị cũng không có kinh phí đổ vào nên phải tìm cách thích nghi.

“Chúng tôi nhận dự án sản xuất của đối tác với kinh phí thấp rồi mỗi phim có phần ngân sách chi cho bối cảnh, công ty sẽ bù vào một ít để xây dựng bối cảnh cho phim đó. Sau khi xong phim, mình xin lại đơn vị đầu tư để khai thác kinh doanh thêm thì họ rất sẵn lòng. Nhờ vậy, phim trường chúng tôi có gần 100 set khác nhau đáp ứng được phần nhiều thị trường đang cần”, chị Kiều Nhi kể.

Trước khi dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ, phim trường CineV đã hoàn thành mục tiêu mở rộng diện tích hơn 10 lần so với cái cũ và hoạt động được hai tháng rất hiệu quả, doanh thu đem về khiến chị Nhi “vững bụng”. Tuy nhiên, chị tiết lộ để giữ vững hệ thống và duy trì lượng lớn nhân sự ở lại công ty trong đợt dịch đóng cửa hoàn toàn, chờ ngày hoạt động bình thường đã khiến chị thua lỗ nặng, phải bán đi căn nhà duy nhất nhằm chi trả một phần chi phí.

Chị tâm sự nền kinh tế khó khăn, thị trường hậu Covid-19 đi xuống nhiều, phim trường tuy có thể tự nuôi sống được nhưng do khoản tiền lỗ trong hai năm liên tục bù hệ thống thì không thể đắp được ngay. “Nỗi niềm duy nhất là không có bài toán để thu hồi vốn cho việc đầu tư một phim trường tạm bợ, đầu tư thấp chứ chưa nói đến đầu tư phim trường chuyên nghiệp với ngân sách cao”, chị bộc bạch.

Được biết, hệ thống phim trường ở Việt Nam bị hạn chế so với các nước có ngành công nghiệp phim đang phát triển. Hiện nay các phim trường đều xây dựng tạm bợ vì đa phần không có định hướng khai thác lâu dài. Mặt khác công thức kinh doanh không thu hồi vốn được vì giá thuê cao mà nguồn thu không ổn định.

Một vài bối cảnh sử dụng từ chính nhà dân. Ảnh: Lê Minh

Xây dựng phim trường không khó, ai có tiền cũng có thể đầu tư, thế nhưng chuyện tìm kiếm quỹ đất cho một “đại bản doanh” vẫn là một thách thức không nhỏ. Ngoài việc cần sự cân đo đong đếm về vị trí khu đất, còn là việc giải bài toán về thời gian canh tác, khai thác làm sao để hoàn vốn và sinh lợi.

Trong tương lai, ngoài chuyện mở rộng để cho thuê, một số chủ sở hữu sẽ thực hiện nhiều ý tưởng mới để tận dụng phim trường, cung cấp thêm các dịch vụ để tối ưu hóa doanh thu.

An Phú

Theo Kinh Tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nhà sản xuất nhỏ ‘liêu xiêu’ trước làn sóng hàng giá...

0
(SGTT) - Các cơ sở gia công sản xuất tiêu dùng trong nước ngày càng bị đuối sức và “thoi thóp” trước làn sóng...

Theo dòng xu hướng, kinh doanh các mặt hàng đan móc...

0
(SGTT) - Bộ môn đan móc len thời gian gần đây đã trở thành trào lưu bởi tính ứng dụng và giải trí cao...

TPHCM: Nắng nóng, cà phê máy lạnh ăn nên làm ra

0
(SGTT) - Mùa cao điểm nắng nóng, nhu cầu tránh nắng, nghỉ trưa, tìm nước giải khát của sinh viên, người lao động tăng...

Xu hướng rời phố lớn vào hẻm để kinh doanh

0
(SGTT) -  Sức mua suy giảm khiến nhiều đơn vị kinh doanh không còn mặn mà với các mặt bằng vị trí trung tâm,...

Nỗi niềm và hy vọng từ sân khấu kịch mùa Tết

0
(KTSG Online) - Nếu diễn viên được xem là linh hồn của các vở diễn thì khán giả chính là người nuôi dưỡng nên...

Điểm hương vị xuân cho bữa tiệc phim truyền hình Tết

0
(SGTT) - Tết đến, xuân về, câu chuyện sum vầy lại trở thành đề tài chính của bữa tiệc phim ảnh. Với nhà sản...

Kết nối