(SGTTO) - Phim Tà Năng - Phan Dũng được giới điện ảnh và phượt thủ cho là phim sinh tồn đầu tiên tại Việt Nam dự kiến ra rạp ngày 16-10-2020 đã phải dời lịch sang 21-4 năm tới với lý do dịch bệnh Covid-19.
Tà Năng - Phan Dũng do Production Q, một công ty trước đó chuyên sản xuất các đoạn phim quảng cáo phát trên truyền hình thực hiện. Đây có thể xem như phim về thể loại sinh tồn đầu tiên ở Việt Nam, trong khi trên thế giới có khá nhiều phim thể loại này ăn khách như The Revenant, 127 Hours, Life of Pi, The Shallow, Everest, The Cave, Buried, Cast Away…
Chọn Tà Năng - Phan Dũng làm bối cảnh dựa trên những câu chuyện được cho là có thật trong giới trekking thời gian qua, nhà làm phim có vẻ muốn bắt trend (xu hướng) mà giới phượt, đam mê trekking ưa thích cung đường này. Cung đường nối từ Tà Năng (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) sang đến xã Phan Dũng (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận), địa hình và sinh cảnh nối tiếp nhau: ruộng lúa, đồi thông, đồi cỏ, đồi cà phê, rồi rừng khộp, rừng dầu, cỏ lau, lại ra ruộng bắp.
Cung đường này đang bắt trend trên mạng thời gian qua, tới mức một tờ báo đã nhận xét là “cung trekking đẹp nhất Việt Nam” nhưng nó cũng gợi nhớ những câu chuyện buồn khi trong vòng sáu tháng cuối năm 2017 và đầu năm 2018, có hai cái chết xảy ra tại đó.
Một bạn nữ bị nước suối cuốn trôi trước mắt những người bạn đồng hành bất lực và camera điện thoại. Một bạn nam đi lạc, 8 ngày sau, người ta mới tìm được xác ở giữa con thác Lao Phào bảy tầng. Cho dù cung đường này không phải quá hiểm trở, thời tiết không quá khắc nghiệt, điểm cao nhất chỉ vào khoảng hơn 1.100 mét.
Trong quá trình ghi hình phim Tà Năng - Phan Dũng, nhiều câu chuyện huyền bí đã được đoàn phim nghe kể lại từ chính cộng đồng mạng/dân phượt và người dân địa phương. Trong hàng trăm câu chuyện được nghe, có những chi tiết nghe có vẻ rùng rợn, ma quái. Đó là ngã ba giấu người, ngã ba đi lạc, con đường dẫn vào thác Lao Phào, thoạt nhìn đây chỉ là một con đường có lối đi bình thường như bao lối đi khác, tuy nhiên nó vẫn là con đường bí ẩn liên quan nhiều chuyện tâm linh. Điển hình nhất vụ đi lạc của một nam phượt thủ vào tháng 5-2018 mà 8 ngày sau người ta mới tìm thấy xác. Hay câu chuyện đồn thổi thần núi và “ma dắt hồn”
Người dân tin rằng ở những nơi linh thiêng đều có thần thánh cai quản. Nói điều gì không phải phạm húy Thần Rừng như “Chẳng có gì phải sợ cả”, “Đây sẽ là nhà của mình”,… sẽ dễ bị “ma dắt hồn”. Ma nữ dẫn hồn người thông qua ảo ảnh về người thân, bạn đồng hành trong chuyến trekking. Người bị che mắt dắt hồn thường có ảo giác nhìn thấy bạn mình đang đi phía trước, nhưng thực tế đã bị dẫn đi theo hướng khác mà dân địa phương kể lại, nếu nhìn thấy dải khăn trắng, nắp chai đỏ tuyệt đối không được nhặt hoặc đi theo.
Nhưng dù có huyền bí ma mị thì một nhà báo hay trekking đã nói: “Có những ngày, Tà Năng đón đến cả 200-300 khách, trai đẹp, gái xinh đi rầm rập trên đường, nhạc Đen Vâu cũng rầm rập theo, đúng là “ở đây chill (ngầu) phết”.
Hồng Ngọc