Thứ tư, Tháng năm 28, 2025

Phát triển y tế tư nhân: cần bình đẳng tiếp cận đất đai và chính sách

A.I

(SGTT) - Để y tế tư nhân phát triển bền vững, các chuyên gia cho rằng cần đẩy mạnh hợp tác công - tư nhân, xây dựng quy hoạch tổng thể cho ngành y tế và bảo đảm bình đẳng trong tiếp cận đất đai và chính sách ưu đãi.

Hệ thống y tế tư nhân đang ngày càng đóng vai trò quan trọng, góp phần chia sẻ gánh nặng với hệ thống y tế công lập. Ảnh: BVCC

Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 68-NQ/TW, khẳng định kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Nghị quyết mở ra cơ hội lớn cho nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực y tế, đặc biệt là khối y tế tư nhân.

Trong bối cảnh nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng cao, chính sách ngày càng cởi mở và công nghệ y tế phát triển mạnh, y tế tư nhân đang đứng trước thời điểm 'vàng' để chuyển mình. Tuy nhiên, để y tế tư nhân phát triển bền vững, các chuyên gia y tế cho rằng cần đẩy mạnh hợp tác công lập và tư nhân, xây dựng quy hoạch tổng thể cho ngành y tế và bảo đảm bình đẳng trong tiếp cận đất đai và chính sách ưu đãi.

Y tế tư nhân vẫn còn manh mún, thiếu chiến lược

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, Tiến sĩ, bác sĩ Đào Cảnh Tuất, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bệnh viện Vạn Phúc City, Phó Chủ tịch Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam, cho biết y tế tư nhân phát triển từ những năm 1997. Ban đầu chỉ vài cơ sở, đến nay đã có gần 400 bệnh viện tư và hơn 50.000 phòng khám tư nhân. Đó là bước tiến lớn về số lượng.

Hiện tại trong hệ thống bệnh viện tư nhân có nhiều bệnh viện được đầu tư bài bản, phát triển mạnh cả chiều rộng và chiều sâu. Tuy nhiên, đằng sau bức tranh tăng trưởng đó vẫn còn không ít gam màu xám. Dù số lượng cơ sở y tế tư nhân tăng mạnh nhưng chất lượng phát triển chưa đồng đều, phần lớn vẫn hoạt động nhỏ lẻ, thiếu chiến lược dài hạn.

Ông Tuất đã chỉ ra ba nguyên nhân khiến y tế tư nhân chưa thể bứt phá. Thứ nhất là do hệ thống pháp luật trước đây còn tồn tại sự phân biệt giữa khu vực công và tư, dẫn đến tình trạng thiếu công bằng trong tiếp cận chính sách và nguồn lực.

Thứ hai là vấn đề quỹ đất, hầu hết các cơ sở tư nhân đều phải tự bỏ vốn để mua đất xây dựng bệnh viện, phòng khám. Trong bối cảnh nguồn vốn hạn chế, việc tiếp cận những khu đất có diện tích lớn gần như là không thể.

“Không thể phát triển bệnh viện quy mô lớn nếu nhà đầu tư phải tự lo toàn bộ từ quỹ đất đến hạ tầng. Vì vậy, chỉ có một số ít cơ sở y tế tư nhân phát triển mạnh, còn đa số là những cơ sở y tế nhỏ, manh mún và chưa có quy hoạch phát triển lâu dài”, ông Tuất nói.

Rào cản thứ ba được ông Tuất nêu ra đó là ngành y tế vẫn còn thiếu bình đẳng trong việc tiếp cận quỹ đất giữa khu vực công và tư. Các bệnh viện công lập thường được cấp đất mà không phải qua đấu thầu, đồng thời còn được miễn tiền chuyển quyền sử dụng đất. Trong khi đó, các cơ sở y tế tư nhân muốn tiếp cận đất đai phải đấu thầu và chi trả đầy đủ các khoản phí liên quan, tạo ra rào cản lớn về chi phí và thủ tục.

Còn theo ông Phạm Đức Hân, thành viên Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam, hiện hơn một nửa số bệnh viện tư nhân trên cả nước là các cơ sở chuyên khoa nhỏ, quy mô dưới 100 giường bệnh. Đáng chú ý, trong số này có những cơ sở vận hành thiếu bài bản, không có chiến lược phát triển dài hạn, đầu tư dàn trải và còn thiếu kiến thức chuyên sâu về quản trị y tế.

Ông Hân cho rằng một bộ phận nhà đầu tư đang tiếp cận lĩnh vực y tế với tư duy thương mại thuần túy, thiếu hiểu biết về quản trị bệnh viện, quy định pháp lý, cũng như các tiêu chuẩn chuyên môn. Thực trạng này không chỉ làm suy giảm chất lượng dịch vụ, mà còn khiến hệ thống y tế tư nhân dễ đánh mất niềm tin từ người bệnh và các nhà đầu tư thứ cấp.

Thực tế cho thấy, bài toán phát triển y tế tư nhân hiện nay không chỉ nằm ở mở rộng quy mô, mà quan trọng hơn là nâng cao chất lượng chuyên môn, xây dựng uy tín thương hiệu và thúc đẩy sự liên kết chặt chẽ với hệ thống y tế công lập.

Y tế tư nhân góp phần đa dạng hóa dịch vụ chăm sóc sức khỏe như khám chữa bệnh kỹ thuật cao, dịch vụ theo yêu cầu, chăm sóc phục hồi chức năng. Ảnh: BVCC

Thúc đẩy mô hình hợp tác công - tư: xây cơ sở 2 bệnh viện tuyến cuối

Với hành lang chính sách mới từ Nghị quyết 68, lĩnh vực y tế tư nhân được kỳ vọng sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, từ đó góp phần san sẻ gánh nặng cho các bệnh viện tuyến cuối thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, từng khẳng định y tế tư nhân là một phần không thể tách rời trong chiến lược phát triển y tế quốc gia. Mục tiêu đặt ra đến năm 2030 là y tế tư nhân chiếm ít nhất 15% tổng số giường bệnh và tỷ lệ này sẽ tăng lên 25% vào năm 2050. Để hiện thực hóa mục tiêu, bà Hương nhấn mạnh vai trò của chính sách từ quy hoạch mạng lưới, cấp phép đến tiêu chuẩn chất lượng và kết nối dữ liệu đồng bộ giữa y tế công - tư.

Để phát triển hệ thống y tế tư nhân bền vững, Tiến sĩ, bác sĩ Đào Cảnh Tuất, Phó Chủ tịch Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam, cho rằng cần thay đổi cách tiếp cận trong quy hoạch ngành y tế. Thay vì chỉ tập trung cho y tế công, quy hoạch ngành y tế cần bao trùm cả công lẫn tư.

Ông Tuất cho biết, Nghị định 68 được ban hành đã mở ra nhiều hướng đi mới cho việc phát triển y tế tư nhân, đặc biệt trong vấn đề tiếp cận quỹ đất. Hiện nay, có nhiều khu đất công ở một số địa phương bị bỏ trống. Theo định hướng từ Nghị định 68, các địa phương có thể xem xét chuyển đổi mục đích sử dụng, tạo điều kiện cho y tế tư nhân thuê lại để xây dựng thêm bệnh viện phục vụ hoạt động khám, chữa bệnh người dân. Việc sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất công không chỉ giúp giảm lãng phí mà còn tạo điều kiện để khu vực y tế tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn.

Ngoài ra, việc công khai quy hoạch đất y tế trên cổng thông tin của các tỉnh, thành phố cũng là vấn đề rất cần thiết.

Một trong những giải pháp được ông Tuất đề xuất thêm là mô hình hợp tác công – tư xây dựng cơ sở 2 cho các bệnh viện tuyến cuối. Các cơ sở 2 này sẽ được xây theo hình thức hợp tác công – tư thay vì phải sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Cụ thể là nhà nước tạo quỹ đất, nhà đầu tư bỏ tiền xây dựng và mua sắm trang thiết bị, còn các bệnh viện tuyến cuối sẽ điều động nhân lực để vận hành. Các bệnh viện cơ sở 2 này sẽ đóng vai trò như bệnh viện vệ tinh.

“Bệnh viện Chợ Rẫy không nhất thiết chỉ có một bệnh viện tại TPHCM mà có thể xây dựng thêm bệnh viện tại Cần Thơ, Đồng Nai… theo hình thức xã hội hóa. Đội ngũ y, bác sĩ từ Chợ Rẫy sẽ trực tiếp làm việc tại cơ sở vệ tinh”, ông Tuất gợi ý.

Có thể thấy rằng với giải pháp này, các bệnh viện tuyến cuối không chỉ được giảm tình trạng quá tải, mà còn giúp người dân các tỉnh, thành phố khác có cơ hội tiếp cận được với các bác sĩ giỏi và các dịch vụ y tế chất lượng cao mà không phải đi xa. Người bệnh cũng sẽ tin tưởng hơn khi đến các bệnh viện vệ tinh để khám và điều trị bởi những cơ sở này cũng có đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện tuyến cuối.

Sở Y tế TPHCM kiến nghị cho mở bệnh viện tư nhiều hơnTheo Sở Y tế TPHCM, hiện việc thành lập thêm cơ sở 2 của các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của thành phố để vừa góp phần giảm tải và nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh tại các bệnh viện này, vừa tạo thêm nguồn thu cho các bệnh viện công lập và giữ chân các bác sĩ giỏi là một giải pháp khả thi.Sở Y tế thành phố kiến nghị trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp thì cần huy động tư nhân tham gia với hình thức hợp tác công – tư, xây dựng cơ sở mới tại một vị trí khác (cơ sở 2). Bệnh viện công cung cấp nhân sự chuyên môn và cả thương hiệu bệnh viện và mong muốn được quyền quy định một số cơ chế, chính sách theo loại hình hợp tác này.

Minh Thảo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

TPHCM mới giải ngân hơn 7% tổng vốn đầu tư trong...

0
(SGTT) - Tính đến ngày 29-4, TPHCM chỉ mới giải ngân 6.068 tỉ đồng, đạt 7,2% trên tổng mức vốn đầu tư công năm...

Bộ Y tế nhận 500.000 liều vaccine phòng bệnh sởi

0
(SGTT) - Bộ Y tế cho biết, đã tiếp nhận 500.000 liều vaccine phòng bệnh sởi do Tập đoàn FPT tài trợ. Bộ sẽ...

Giải mã ‘đòn bẩy’ kinh tế tư nhân Việt Nam

0
(KTSG Online) - Khu vực tư nhân được coi trọng thì “mỗi chúng ta không mong đợi bữa ăn ngon của mình từ thiện...

Phát triển kinh tế tư nhân, quan trọng nhất là cải...

0
(SGTT) - Theo Báo cáo khảo sát năm 2024 của Ban IV (Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ...

Thêm 750 loại thuốc, biệt dược gốc được cấp giấy đăng...

0
(SGTT) - Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa có các quyết định về cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, công bố...

Bộ Y tế có thêm 500.000 liều vaccine sởi

0
(SGTT) - Chiều qua (17-3), Bộ Y tế đã tiếp nhận 500.000 liều vaccine phòng bệnh sởi do Công ty cổ phần vacxin Việt...

Kết nối