(SGTT) - Hậu Covid-19, chủ đề quá tải du lịch (overtourism) lại trở nên nhức nhối tại nhiều thành phố du lịch nổi tiếng ở châu Âu như Barcelona, Venice, Amsterdam…
- Quá tải du khách tại làng cổ nổi tiếng ở Seoul
- Núi Phú Sĩ quá tải khách du lịch
- Vì sao dân châu Âu chống khách du lịch?
Tại Việt Nam, vào những mùa cao điểm, các điểm đến nổi tiếng như Phú Quốc, Hội An… cũng đối mặt với hiện tượng du khách chen chúc, cung không đủ cầu khiến chất lượng dịch vụ kém, du khách bị “chặt chém” về giá, rác thải tràn lan gây ô nhiễm môi trường…
Tuy nhiên, đa phần khi nhắc đến overtourism người ta chỉ liên tưởng đến trải nghiệm kém chất lượng của du khách mà quên đi những hệ lụy tiêu cực cho những đối tượng có liên đới khác (stakeholders) tại địa phương.
Hệ lụy tiêu cực của overtourism
Áp lực về giá nhà và đời sống
Tại Barcelona (Tây Ban Nha) người dân cho rằng ngành du lịch với các dịch vụ đi kèm như cho thuê nhà ngắn hạn (như Airbnb) đã đẩy giá thuê và giá bán nhà lên cao, vượt khỏi tầm tay của nhiều người dân bản xứ. Theo thị trưởng thành phố, giá thuê nhà đã tăng khoảng 68% trong 10 năm qua, một mức tăng đáng kể và không hiếm gặp ở nhiều thành phố khác tại châu Âu.
Quá tải hệ thống hạ tầng dịch vụ cộng đồng
Mỗi năm Barcelona đón hơn 12 triệu du khách, tạo ra một sức ép nặng nề lên hệ thống cấp nước, nước thải và nhiều vấn đề môi trường khác.
Trong khi đó, người dân Venice (Ý) phải đối mặt với sự quá tải của hệ thống y tế và dịch vụ cộng đồng khi các cửa hàng phục vụ cho đời sống thường nhật của họ chuyển sang bán đồ lưu niệm.
Tổn hại di tích và trị an
Chuyện du khách quấy phá, làm hỏng các di tích lịch sử từng xảy ra ở nhiều nơi khắp châu Âu. Tại Venice, nhiều du khách tắm nắng hoặc bơi lội tại các đài phun nước công cộng, vi phạm các quy tắc văn hóa và lịch sử của thành phố. Tại Rome (Ý), du khách khắc tên hoặc thông điệp lên tường của Colosseum.
Tại Paris (Pháp), du khách trèo lên các phần nguy hiểm của tháp Eiffel để chụp ảnh selfie, gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh… Tại Prague (Cộng hòa Czech), du khách tham gia vào các buổi tiệc tùng đêm khuya, gây tiếng ồn lớn và làm phiền người dân địa phương.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi hàng loạt cuộc biểu tình phản đối du khách đã bùng nổ tại nhiều quốc gia châu Âu. Vào đầu tháng 7-2024, người biểu tình đã tuần hành qua các khu vực đông du khách ở thành phố Barcelona, hô vang khẩu hiệu “hãy về nhà đi” và dùng súng nước xịt vào những du khách một cách bất ngờ. Hàng ngàn người khác cũng tham gia tuần hành phản đối tại đảo Mallorca (Tây Ban Nha), cho rằng mô hình du lịch của hòn đảo này “làm nghèo công nhân và chỉ làm giàu cho một số ít người”.
Tại Việt Nam, hiện tượng overtourism chưa nghiêm trọng đến mức gây ra sự phản đối như những quốc gia nói trên, nhưng đây cũng là một tiếng chuông cảnh tỉnh cho việc phát triển du lịch còn thiếu bền vững ở Việt Nam.
Nguyên tắc Triple Bottom Line
Triple Bottom Line (TBL) là một nguyên tắc quan trọng giúp đạt được sự cân bằng này, đảm bảo rằng tất cả các bên liên quan đều được hưởng lợi và phải chịu trách nhiệm tương ứng. TBL được John Elkington đề xuất vào năm 1999, nhấn mạnh cân bằng hài hòa giữa ba yếu tố: kinh tế, môi trường và xã hội. TBL khuyến khích các tổ chức đánh giá thành công không chỉ qua lợi nhuận mà còn qua tác động môi trường và xã hội, từ đó giúp tạo giá trị bền vững, bảo vệ tài nguyên, và nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng, đảm bảo phát triển toàn diện.
Cân bằng kinh tế đảm bảo lợi ích kinh tế đa chiều
Phát triển du lịch không chỉ hướng tới việc tối đa hóa lợi nhuận mà còn cần đảm bảo lợi ích kinh tế được phân bổ công bằng giữa các bên liên quan. Các doanh nghiệp du lịch, cộng đồng địa phương, và chính quyền đều phải có quyền lợi và trách nhiệm rõ ràng. Doanh nghiệp cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng và dịch vụ công cộng, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng địa phương và thúc đẩy kinh tế khu vực.
Minh bạch thông tin là yếu tố then chốt để đảm bảo sự cân bằng kinh tế. Các doanh nghiệp du lịch cần công khai thông tin về lợi nhuận, chi phí, và các khoản đầu tư vào cộng đồng. Điều này giúp các bên liên quan nắm bắt được tình hình tài chính và đóng góp vào việc ra quyết định một cách hiệu quả.
Một ví dụ minh họa về sự cần thiết của minh bạch thông tin và giáo dục du khách là trường hợp của Hội An, nơi việc thu phí du lịch đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ do thiếu sự giải thích rõ ràng. Từ đó, dẫn đến sự hiểu lầm và bức xúc từ phía du khách và người dân địa phương. Qua đó, nó cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc truyền thông và giáo dục trong quản lý du lịch bền vững.
Bảo vệ môi trường
Phát triển du lịch phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Các hoạt động du lịch cần được quản lý chặt chẽ để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên. Khuyến khích các hình thức du lịch sinh thái, sử dụng năng lượng tái tạo, và giảm thiểu rác thải là những biện pháp cần thiết. Mọi bên liên quan đều có trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Các doanh nghiệp du lịch phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường và thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực. Cộng đồng địa phương và du khách cũng cần tham gia vào việc bảo vệ và giữ gìn cảnh quan thiên nhiên.
Một giải pháp quan trọng là áp dụng thuế/phí môi trường và di sản. Thuế/phí môi trường giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của du lịch lên môi trường tự nhiên bằng cách thu tiền từ du khách và doanh nghiệp du lịch. Số tiền thu được sẽ được sử dụng để bảo vệ và phục hồi môi trường. Thuế/phí di sản, tương tự, sẽ hỗ trợ việc bảo tồn các di sản văn hóa và lịch sử, đảm bảo rằng các địa điểm này được duy trì và phát triển bền vững.
Công nghệ thông tin có thể giúp kiểm soát lưu lượng du khách bằng cách thiết lập hệ thống quota. Các hệ thống này có thể theo dõi số lượng du khách tại các điểm đến, hạn chế việc quá tải và đảm bảo rằng các khu vực không bị khai thác quá mức.
Công bằng xã hội
Phát triển du lịch phải đảm bảo rằng cộng đồng địa phương được hưởng lợi và không bị thiệt hại. Điều này bao gồm việc tạo việc làm, cải thiện hạ tầng và dịch vụ công cộng, và đảm bảo quyền lợi của người dân. Các doanh nghiệp du lịch cần hợp tác chặt chẽ với cộng đồng địa phương để phát triển các dự án có lợi cho cả hai bên.
Giáo dục du khách về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và tôn trọng văn hóa địa phương là một yếu tố quan trọng trong phát triển du lịch bền vững. Các chiến dịch truyền thông và chương trình giáo dục có thể nâng cao nhận thức của du khách, khuyến khích họ tham gia vào các hoạt động du lịch có trách nhiệm. Điều này giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của du lịch và xây dựng một cộng đồng du lịch có ý thức hơn.
Có thể thấy, phát triển du lịch bền vững trên nền tảng Triple Bottom Line là hướng đi cần thiết lâu dài để đảm bảo sự cân bằng giữa lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội. Minh bạch thông tin về quyền lợi và trách nhiệm của tất cả các bên liên quan là yếu tố then chốt để đạt được mục tiêu này. Các biện pháp cụ thể như thuế/phí môi trường, thuế/phí di sản, kiểm soát lưu lượng khách, tái phân bổ và đầu tư lại, cùng với giáo dục du khách, sẽ giúp đạt được sự phát triển bền vững và cân bằng trong ngành du lịch.