Tùng Sơn
Vừa nuôi chim trĩ thương phẩm thành công vừa học đại học từ xa, ông Trần Văn Chức vào tháng 9 năm ngoái đã nhận được bằng tốt nghiệp cử nhân kinh tế. Đặc biệt, luận văn tốt nghiệp của ông có đề tài là hiệu quả kinh tế mô hình nuôi chim trĩ đỏ khoang cổ trong điều kiện nuôi nhốt.
Người dân ở thôn Phú Đa 1, xã Duy Thu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết, trong thôn có ông Trần Văn Chức (53 tuổi) làm giàu nhờ mô hình nuôi chim trĩ từ bốn con chim trĩ giống ban đầu.
Nuôi trĩ có giá hơn gà
Trại nuôi chim trĩ của ông Chức nằm trên phần đất vườn nhà khoảng hơn 200 m2, cải tạo mặt vườn bằng cát dày khoảng 20 cm để nền chuồng khô ráo, vệ sinh. Chuồng trại chia làm nhiều ô cho từng lứa chim. Mỗi ô chuồng bố trí sạp để chim ngủ, có hệ thống ống cấp nước sạch cho chim uống, máng thức ăn…
Ông Chức cho hay, năm 2011, có người bạn thân công tác ở tỉnh Hà Nam mang về cho bốn con giống chim trĩ đỏ khoang cổ, trong đó có một con trống. Vốn là người yêu thích chăn nuôi, lúc đầu ông Chức định nuôi làm chim cảnh, nhưng thấy chim dễ nuôi, mau lớn; thức ăn phù hợp với điều kiện hiện có ở địa phương như cám gạo, lúa, bắp và 50% thức ăn công nghiệp. Lúc bấy giờ, ông tham khảo thông tin trên mạng Internet và biết được kỹ thuật nuôi chim này cũng dễ, thị trường đang ưa chuộng nên ông quyết định nuôi chim trĩ theo hướng thương phẩm.
Sau bốn tháng nuôi, chim trĩ mái đạt trọng lượng 1,2-1,5 kg/con, chim trĩ trống có thể đạt 2,2 kg/con. Từ đầu năm 2013 đến nay, trong chuồng luôn có hàng trăm chim trĩ các loại tuổi. Tổng đàn lúc cao điểm đạt trên 1.000 con. Sau bảy tháng chim bắt đầu đẻ trứng, mỗi con chim mái có thể đẻ 200 trứng, trọng lượng trứng chim bằng 65% trọng lượng trứng gà ta. Sẵn có lò ấp trứng bán công nghiệp, ông gom trứng đưa vào ấp thử nghiệm, kết quả sau 23-25 ngày thì nở chim con; tỷ lệ nở con đạt trên 70% tổng số trứng ấp. “Nuôi chim trĩ khỏe hơn nuôi gà, và lợi nhuận từ nuôi chim trĩ cao hơn so với nuôi gà”, ông Chức nói.
Về việc ấp trứng và úm chim con, ông Chức cho biết, việc này đơn giản như ấp trứng gà. Sau khi chim trĩ nở, chúng được đưa vào chuồng sưởi ấm với mật độ 30-50 con/m2; tùy theo thời tiết mà chuồng sưởi có thể mắc từ 1 đến 2 bóng điện loại 75 W, cách sàn độ 3-5 tấc. Khi thấy chim tụ lại là hiện tượng thiếu nhiệt nên hạ thấp bóng điện xuống gần chim để tăng nhiệt sưởi ấm; ngược lại chim con tản ra là thừa nhiệt nên nâng bóng đèn cao hơn. Trong chuồng sưởi đặt máng ăn, máng uống vì chim ăn, uống liền ngay sau nở. Sau năm ngày cho chim xuống nền cát sạch, diện tích rộng hơn để chim ăn cát giúp tiêu hóa thức ăn tốt; một tháng tuổi bắt đầu cho ăn dặm thêm giá đỗ, tấm bắp; hai tháng tuổi cho ăn thêm lúa… giống như nuôi gà thả vườn.
Ông Chức cho biết thêm, chim trĩ có tính kháng bệnh tốt, bốn năm qua chưa phát hiện dịch bệnh. Thỉnh thoảng có con bị tiêu chảy, bắt riêng ra cho uống thuốc thú y thông thường (berberin) hoặc thuốc Nam (sả, gừng), vài ba ngày sau là khỏi bệnh. Chi phí đầu tư nuôi chim trĩ rất thấp, lượng thức ăn đầu tư chỉ bằng 30% so với nuôi gà, chuồng trại không có mùi hôi như chuồng gà, độ ô nhiễm môi trường thấp, thịt chim thơm, giá trị thương phẩm cao hơn hai lần so với gà.
Sản xuất đại trà “gà trĩ” lai
Ông Chức nói: “Tôi sẵn sàng hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật nuôi chim trĩ cho những bà con nào thích nuôi loại chim này”. Đã có trên 30 hộ trong và ngoài xã được ông hỗ trợ chim giống, chuyển giao kỹ thuật nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Hiện chim trĩ giống của trại ông Chức được một số người dân ở Điện Bàn, Đại Lộc, Tiên Phước, Nông Sơn tìm mua với giá 50.000 đồng/con (10 ngày tuổi) và chim thương phẩm khoảng 200.000 đồng/kg. Thu nhập mỗi năm từ việc nuôi chim trĩ của ông Chức khoảng 150 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Đặc biệt, ông Chức đã lai tạo thành công và cho ra đời loài “trĩ lai” mà bố là chim trĩ trống, mẹ là gà mái. Ông bật mí: “Việc lai trĩ với gà trước tiên dùng thức ăn có hàm lượng hoóc môn gây sung mãn cho trĩ trống như giá đỗ, con nhái…; đồng thời nhốt gần số trĩ thường xuyên giao phối với nhau cho trĩ “cô đơn” kia trông thấy. Về gà mái thì phải chọn con to khỏe”. Hiện ông tiếp tục cho lai và xuất trại loài trĩ lai có ngoại hình đẹp, to, thịt thơm ngon, có giá trị kinh tế cao.
Theo ông Trần Sáu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Duy Thu, qua mô hình nuôi chim trĩ của ông Chức cho thấy nuôi trĩ không nặng nhọc, không tốn nhiều công, không gây ô nhiễm môi trường, không phải lo đầu ra và rất thích hợp với nhu cầu chuyển đổi nghề của người dân.