Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký và ban hành Chỉ thị số 15/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, trong đó lưu ý tới việc cung ứng nguồn thịt heo.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch tả heo châu Phi có dấu hiệu quay trở lại, Bộ Công Thương yêu cầu, sở công thương các tỉnh, thành phố phối hợp với các đơn vị chức năng theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến dịch bệnh.
Bộ Công Thương cũng đề nghị doanh nghiệp phân phối thực phẩm trên địa bàn các tỉnh phối hợp với các doanh nghiệp chăn nuôi tập trung có phương án bảo đảm nguồn cung cấp heo thịt cho thị trường và thực hiện việc giảm giá thành phẩm tương ứng cho người tiêu dùng. “Trong trường hợp cần thiết, cần có phương án nhập khẩu các mặt hàng thịt gia súc từ nước ngoài để bình ổn thị trường”, theo Chỉ thị 15.
Chỉ thị cũng nêu đối với các đơn vị có hoạt động kinh doanh thương mại như Tổng công ty Thương mại Sài Gòn, Tổng công ty Thương mại Hà Nội, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM… cần chủ động triển khai các chương trình bình ổn thị trường, các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước; có phương án dự trữ, cung ứng hàng hóa cho các địa bàn dân cư trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 tái phát phải cách ly.
Phối hợp với các đơn vị cung cấp hàng thực phẩm chăn nuôi, chủ động nguồn hàng dự trữ với giá hợp lý, giảm giá bán theo mức giảm của các nhà cung cấp, triển khai các điểm bán hàng bình ổn nhằm dẫn dắt thị trường, tạo tâm lý ổn định đối với thị trường các mặt hàng thực phẩm.
Liên quan tới việc cung ứng thịt heo ra thị trường, trao đổi với TBKTSG Online, ông Nguyễn Đăng Phú, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) – đơn vị cung ứng thịt heo lớn cho thị trường TPHCM, cho biết trong vài tháng gần đây sản lượng heo giết mổ cũng như lượng heo bán ra thị trường của Vissan giảm khoảng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay, mỗi ngày Vissan giết mổ, cung ứng 650-700 con heo.
Một số nguyên nhân khiến lượng heo kinh doanh giảm, theo ông Phú là do dịch tả heo châu Phi xảy ra năm 2019 khiến nguồn cung heo giảm mạnh, kéo theo giá heo hơi tăng rất cao tới tận thời điểm hiện tại (72.000-73.000 đồng/kg heo hơi), giá heo thành phẩm trên thị trường cao. Bên cạnh đó là những khó khăn của thị trường do tác động của dịch Covid-19, nên lượng tiêu dùng giảm rõ rệt.
Mặc dù nguồn cung cũng như nhu cầu tiêu dùng trong những tháng vừa qua giảm nhưng ông Phú cho rằng doanh nghiệp hiện đang mong đợi lượng heo bán ra sẽ tăng trong dịp Tết 2020. “Trong tháng cận Tết, theo kế hoạch Vissan sẽ cung ứng ra thị trường gấp đôi số lượng heo/ngày so với ngày thường (650-700 con heo/ngày)”, ông Phú chia sẻ.
Để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, đồng thời làm tiền đề để thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô năm 2021 của Chính phủ, Bộ Công Thương yêu cầu sở công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động tăng giá cao trên địa bàn thời gian qua.Từ đó, các sở công thương chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán hoặc trong trường hợp dịch bệnh bùng phát.“Chủ động có phương án hoặc đề xuất phương án để bảo đảm nguồn cung. Tránh tình trạng dư thừa hoặc thiếu hụt cục bộ, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường hàng hóa và thị trường thực phẩm”, Chỉ thị 15 nêu rõ.Qua đó, đánh giá năng lực cung ứng nguồn hàng thịt heo và các mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.Đồng thời, nhằm đảm bảo minh bạch, ổn định thị trường cuối năm, Tổng cục Quản lý thị trường có trách nhiệm chỉ đạo Cục Quản lý thị trường tại các địa phương tập trung triển khai các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường, kế hoạch cao điểm các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận trong thương mại... được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.
Vũ Yến
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online