(SGTT) - Theo dữ liệu của nền tảng thanh toán Payoo, trong quý 1 năm 2023, dịch vụ ăn uống (F&B) và trang sức cao cấp là những lĩnh vực duy trì mức tăng trưởng tốt, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn.
- Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong quí 1-2023
- Thị trường chuỗi cà phê sẽ có nhiều thay đổi trong năm 2023
Cụ thể, theo dữ liệu Payoo, trong quý 1 năm 2023, nhóm hàng hóa dịch vụ không thiết yếu là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề hơn cả. Đa phần các cửa hàng thuộc nhóm điện thoại, điện máy đều tụt giảm 30-50% doanh thu so với quý trước.
Hàng hoá dịch vụ thiết yếu cũng không ngoại lệ. Mức giảm được ghi nhận qua nền tảng Payoo là 5-10% doanh thu với nhóm siêu thị, cửa hàng tiện lợi và 10% đối với các trung tâm thương mại - nơi tập trung nhiều cửa hàng thời trang, nội thất.
Tuy nhiên, trong khi hầu hết người dùng đang cố gắng giữ chặt túi tiền thì ở ngành F&B, sức mua vẫn tồn tại, tạo ra dòng chảy của thị trường và là yếu tố thúc đẩy khó khăn kinh tế không trầm trọng hơn.
Ngành hàng ăn uống của các nhà hàng tầm trung, các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh (mức chi tiêu 150.000 đồng – 300.000 đồng/người) lại có mức tăng trưởng 30% so với quý trước. Riêng nhóm mặt hàng trà sữa, café, với đơn giá trung bình 40.000 đồng – 70.000 đồng/phần có sự tăng nhẹ gần 5% so với quý trước.
Cuối tháng 3 vừa qua, Công ty CP thương mại dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2022, ghi nhận một năm kinh doanh tăng trưởng kỷ lục cả về doanh thu lẫn lợi nhuận: doanh thu thuần đạt 6.965 tỉ đồng (tương đương thu về hơn 19 tỉ đồng mỗi ngày), gấp hơn 2 lần năm 2021. Trong đó, doanh thu từ bán thực phẩm và đồ uống là 6.955 tỉ đồng. Lợi nhuận gộp đạt 4.314 tỉ đồng, tương đương tăng 124%, cao nhất kể từ năm 2014.
Thống kê ngành F&B trong nền tảng thanh toán Payoo, những nhà hàng tiêu chuẩn fine-dining (cao cấp) với mức chi tiêu tầm 1 triệu đồng/người cho mỗi bữa ăn vẫn cho thấy sự tăng trưởng đều đặn, thậm chí hút khách hơn dù giá trị trung bình mỗi đơn hàng ở quý này đã tăng 7% so với quý trước.
Thách thức kinh tế có thể ảnh hưởng đến đại bộ phận người tiêu dùng, nhưng không phải là tất cả. Trong bối cảnh chung nhiều khó khăn, xã hội vẫn luôn có những đối tượng miễn nhiễm với khủng hoảng vì tài sản và sức chi tiêu của họ cực lớn. Đó là nguyên nhân dù cho nhiều mặt hàng thông thường giảm sức mua nhưng một số chi tiêu cho hàng hóa, dịch vụ, nữ trang cao cấp vẫn đứng vững, thậm chí tăng nhẹ.
Theo đó, nhóm sản phẩm nữ trang, đá quý cũng có mức tăng trưởng tốt. Quý 1 vừa qua tập trung nhiều ngày Lễ như dịp vía Thần Tài, ngày 14-2, 8-3, đây là những dịp người tiêu dùng khá giả thoải mái mở hầu bao cho nữ trang cao cấp.
Dù không phải là mùa cao điểm nhưng sức mua các thương hiệu thời trang xa xỉ được ghi nhận đạt mức tương đương quý trước. Do cầu nhiều hơn cung và sự khan hiếm của các mặt hàng này, các sản phẩm đồng hồ, túi hiệu từ những thương hiệu cao cấp còn trở thành một khoản đầu tư hấp dẫn, sinh lợi cao trong bối cảnh các kênh đầu tư tài chính gần đây thiếu hụt dòng tiền và thanh khoản.
Mạnh tay chi tiền trong khi hầu hết những người khác thực hành tiết kiệm, dưới góc độ kinh tế học, những “người giàu” sẵn sàng tiêu dùng này chính là những nhân tố kích thích và duy trì mạch hoạt động của thị trường. Nếu tất cả đều tiết kiệm, những “dấu hiệu suy thoái” sẽ có thể dẫn đến khủng hoảng thật sự.
Là một trong những trung gian thanh toán hàng đầu Việt Nam, nền tảng thanh toán Payoo cung cấp giải pháp phục vụ mọi nhu cầu thanh toán, cho bất kỳ đối tượng doanh nghiệp hay cá nhân nào. Đến nay, dịch vụ Payoo đã phủ sóng trên 99% tổng số quận, huyện và thị trấn trên toàn quốc. Payoo kết nối với hơn 100 ngân hàng, công ty tài chính, bảo hiểm và hơn 2.000 đối tác doanh nghiệp.
Nguyên Phong