(SGTT) - Giải Oscar lần đầu tiên vinh danh một bộ phim nước ngoài ở những hạng mục quan trọng nhất và trao giải cho diễn viên người thiểu số, da màu giữa những chỉ trích đối với đơn vị tổ chức về tính thiên vị, phân biệt đối xử.
Lễ trao giải Oscar lần thứ 92 được tổ chức sáng 10-2 (giờ Việt Nam), với chiến thắng vang dội của đoàn phim Parasite (Ký sinh trùng) ở cả bốn hạng mục quan trọng nhất: Kịch bản gốc hay nhất, Đạo diễn hay nhất, Phim quốc tế xuất sắc và Phim hay nhất.
Kỳ tích “vô tiền khoáng hậu”
Ký sinh trùng, bộ phim kinh dị châm biếm khó đoán trước kết quả của Bong Joon Ho là câu chuyện về một gia đình nghèo mang ước mơ trở thành một gia đình giàu có. Bộ phim xoáy vào đề tài sự phân biệt giàu nghèo trong xã hội hiện đại, là một chủ đề mang tính thời sự và quốc tế. Được đông đảo khán giả và giới phê bình khen ngợi, Parasite vốn đã là tác phẩm thuộc hàng hay nhất trong sự nghiệp của đạo diễn Bong Joon Ho.
Với Parasite, Ban tổ chức giải Oscar lần đầu tiên đưa ra lựa chọn tôn vinh một bộ phim không giống bất kỳ bộ phim nào được vinh danh trong 91 lần trao giải vừa qua. Đây được xem là một “chiến thắng” cho giải thưởng danh giá đang cố gắng lấy lại ánh hào quang trong thời điểm bị chỉ trích vì thiếu ứng cử viên da màu.
Nancy Wang Yuen, một nhà xã hội học và tác giả của cuốn sách Reel Inequality: Hollywood Actors and Racism chia sẻ với CNN, việc bộ phim Ký sinh trùng giành giải Phim hay nhất có thể mở ra cơ hội cho các diễn viên người Mỹ gốc Á tại Hollywood, những người thường “gặp khó khăn” trong việc giành giải thưởng.
Tuy nhiên, theo phân tích của trang Vox, giải Oscar chưa bao giờ là “chốn thiên đường” cho người da màu ở các hạng mục quan trọng. Ngoài đạo diễn Joon-ho lập kỳ tích vô tiền khoáng hậu thì chỉ có một ứng cử viên không phải da trắng trong lĩnh vực diễn xuất là Cynthia Erivo được vinh danh trong vai diễn Harriet Tubman trong phim Harriet.
Tài năng đích thực sẽ được tôn vinh
Joaquin Phoenix là Nam diễn viên chính xuất sắc nhất nhờ sự xuất sắc của vai diễn Joker (chàng hề). Và 1917, bộ phim sử thi về Chiến tranh Thế giới thứ I của Sam Mendes, đã giành được nhiều giải thưởng ở các hạng mục kỹ thuật.
Joaquin Phoenix là gương mặt quen thuộc với khán giả Việt Nam. Những ai yêu thích bộ phim kinh điển Võ sĩ giác đấu (Gladiator) hẳn chưa quên anh trong vai Hoàng đế Commodus. Cũng không ít người chưa biết diễn viên này từng có thời kỳ suy sụp vì chứng nghiện rượu. Chưa hết, Joaquin còn từng lên sóng truyền hình để… chửi ban tổ chức giải Oscar vì cho rằng họ chấm giải bất công, “nhảm nhí”.
Bên cạnh chiến thắng của Parasite, giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất trao cho Joaquin Phoenix như một lời khẳng định uy tín của Viện Hàn lâm điện ảnh Hoa kỳ, đơn vị tổ chức giải: Tài năng chân chính sẽ được tôn vinh. Xúc động sau khi nhận giải, Joaquin chia sẻ: “Tôi đã từng sống như một kẻ vô lại. Và giờ đây, tôi rất cảm kích vì rất nhiều người trong căn phòng này đã cho tôi cơ hội thứ hai làm lại cuộc đời”.
Trong khi đó, diễn viên kỳ cựu Renee Zellweger đã giành giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất với vai diễn Judy Garland trong phim Judy. Nhân cơ hội này, Renee Zellweger cũng nhấn mạnh sự tương trợ lẫn nhau. “Khi chúng ta tôn vinh những anh hùng của mình, chúng ta cũng được nhắc nhờ rằng chúng ta là một khối”, cô chia sẻ. Trả lời phóng vấn đài CNN sau buổi lễ, đạo diễn Bong Joon-ho cho rằng giải Oscar lần này đã chứng kiến chuyện “những rào cản” đã bị phá bỏ.
Vết gợn từ giải thưởng
Năm nay, một lần nữa các nữ đạo diễn lại vắng bóng tại giải thưởng Oscar lần 92. Chuyên gia Issa Rae chia sẻ, Viện Hàn lâm có lịch sử “không mấy tốt đẹp” về việc đề cử phụ nữ trong hạng mục đạo diễn. Khi Greta Gerwig nhận được cái gật đầu vào năm 2018 cho phim Lady bird, cô chỉ là người phụ nữ thứ năm được đề cử giải Đạo diễn xuất sắc nhất trong lịch sử hơn 90 năm của giải Oscar.
Có rất nhiều suy đoán về lý do tại sao phụ nữ tiếp tục bị loại khỏi danh mục này, từ năm này qua năm khác. Nhưng rõ ràng với bất kỳ nhà quan sát nào, lý do không đến từ chất lượng.
Mặc dù Oscar lần thứ 92 là minh chứng cho việc Viện Hàn lâm đã rất nỗ lực bảo vệ sự công chính và danh tiếng của mình. Nhưng truyền thông thế giới tỏ ra không mấy ấn tượng với cố gắng của Viện. Xin lấy nhận xét của tờ Independence làm ví dụ: “Rõ ràng là Viện Hàn lâm cần thêm một vài năm nữa để những “suy nghĩ cổ hủ” được xóa bỏ”.
Đạo diễn Bong Joon-ho phát biểu tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 92: “Khi còn thơ ấu và cho đến lúc học điện ảnh, tôi luôn khắc cốt ghi tâm một câu nói, đó là “Cá nhân nhất là sáng tạo nhất” của Martin Scorsese. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã nghiên cứu những bộ phim của Martin Scorsese. Được đề cử giải thưởng Oscar là vinh dự to lớn và tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ thắng”.
Nhân Tâm