(SGTT) - Chị Nguyễn Thị Thanh Thu (30 tuổi), ngụ tại quận Bình Tân, hiện đang làm trợ lý điều hành tại một công ty ở TPHCM. Trong khoảng thời gian ở nhà, chị Thu vừa làm việc, vừa sắp xếp thời gian cho sở thích cá nhân. Cuối tuần, chị đăng ký tham gia hỗ trợ chống dịch với mong muốn cùng thành phố đẩy lùi dịch bệnh.
- Ở nhà mùa dịch: Bạn trẻ Việt “chuyền tay” khẩu trang, nhảy vũ điệu chống dịch từ mọi miền Tổ quốc
- Ở nhà mùa dịch: Những “kiếp mưu sinh” và tình người ấm lòng mùa dịch
So với thời gian trước khi giãn cách, chị Thu chia sẻ mình vẫn cảm thấy thoải mái, vui vẻ kể cả khi ở nhà. “Lúc trước, mình dành thời gian đạp xe vào cuối tuần, nhưng bây giờ ở nhà thì mình chuyển sang tập yoga và làm đồ handmade”.
Chị Thu cho biết, mình vẫn phải làm việc hàng ngày, thay vì không tới cơ quan thì sẽ làm việc tại nhà. “Kể từ khi có Chỉ thị giãn cách, tôi có nhiều thời gian để dành cho bản thân. Tôi tập trung nhiều hơn đến sở thích cá nhân mà trước đây vì bận rộn nên mình bỏ quên mất”.
Trước đây, mặc dù vẫn phải đi làm, nhưng chị Thu luôn dành thời gian để cân bằng cuộc sống. Thỉnh thoảng cứ vài tháng, chị sẽ dành ra vài ngày nghỉ để du lịch một mình. “Đặt chân đến những vùng đất mới giúp mình có thêm vốn sống phong phú hơn, hiểu hơn về con người, văn hóa của mỗi vùng đất được đặt chân đến”.
Khi tình hình dịch bệnh căng thẳng, chị Thu ở nhà làm việc, dành ra 2 ngày cuối tuần để tham gia hỗ trợ tại các điểm nóng. “Sau những ngày làm việc căng thẳng, mình rất mong chờ đến ngày cuối tuần để tham gia công tác hỗ trợ”, chị nói.
Chia sẻ về lý do tham gia công việc này, chị cho biết: “Nhiều người bị mất việc do tình hình dịch bệnh căng thẳng. Vậy nên mình chỉ mong sao cuộc sống có thể sớm quay lại bình thường, muốn vậy thì phải cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh, thì mọi người mới có thể đi làm trở lại”.
Chia sẻ về quan điểm sống của mình, chị Thu bày tỏ: “Không phải kiếm nhiều tiền, có địa vị thì mới hạnh phúc, chỉ cần làm những công việc nhỏ, chia sẻ những cái mình có cho những người đang cần, thì điều đó cũng làm mình hạnh phúc. Khoảng thời gian ở nhà, tôi có nhiều thời gian để cho đi và khiến bản thân mình vui vẻ hơn”.
“Mình vừa hoàn thành đăng ký hiến tặng toàn bộ nội tạng của mình, sau khi mất, nhằm giúp đỡ những người không may mắc các bệnh hiểm nghèo. Mặc dù đã nghĩ đến chuyện này từ nhiều năm trước, nhưng bây giờ mình mới đủ can đảm thực hiện”, chị Thanh Thu chia sẻ.
Uyển Cầm