Mặt trời chưa nhô khỏi ngọn tre, như thường lệ, sáng nay tình hình dịch Covid-19 trên sóng phát thanh vẫn được truyền tải qua hệ thống truyền thanh địa phương ở quê tôi.
- Ở nhà mùa dịch: “ATM lướt ống” của người Sài Gòn
- Ở nhà mùa dịch: Các siêu nhí khuấy động mạng xã hội mùa dịch
- Ở nhà mùa dịch: Thỏa sức sáng tạo hàng loạt món ngon từ nấm mối
Theo đó, dân làng, kẻ ra đồng, người ghé quán quê dùng vội bữa điểm tâm hay ly cà phê để kịp đến chỗ làm. Dịch đang còn lan tỏa ở nhiều tỉnh thành, trong câu chuyện lướt qua ai cũng có vẻ lo lắng, khuyên bảo nhau những gì biết được để giữ gìn cho mình, cho người.
Hôm nay nắng nhẹ, bầu trời nhiều mây che nhờ cơn mưa giải hạn chiều qua. Những người làm đồng về sớm hơn như để tự thưởng cho mình thêm phút nghỉ ngơi khi thấy hoa màu trên đồng lấy lại màu xanh nhanh hơn từ những hạt mưa vàng ngọc.
Và cũng có thể họ bị thu hút từ tiếng rao của những người bán vải thiều dạo vang lên ở những hàng quán bên đường làng. Làm sao họ có thể chậm chân để được mua loại trái cây ngon của đất Bắc ngay tại làng mình thay vì phải đến chợ xa.
Rồi, còn mua để “giúp người nông dân ngoài nớ vì dịch bệnh mà ứ hàng, mình cũng là nông dân mà!” Những chùm vải thắm màu, căng mọng ngọt trên môi miệng người mua nơi làng quê xa khuất. Người bán, người mua chung mối cảm thông.
Quê làng, và cả chốn thị thành, sẽ bình yên, sẽ an vui biết mấy nếu dịch bệnh quái ác không xảy ra. Tôi ăn vài trái vải, ngồi bên quán làng vọng vang tiếng chim. Những người bán vải dạo trông có vẻ thư thái ra khi tiếng chim cùng hót vang trên những tàng cây xanh thẳm trong làng.
Tháng Năm ta. Vẫn đang mùa sinh sản của muôn chim. Ngoài vòng dịch bệnh, tai ương, chúng hót vang lời ca nòi giống của mình, nhưng rõ là chúng cũng đã giúp con người vơi bớt lo âu trong nghịch cảnh, khó khăn.
Năm ngoái, cũng đang lúc dịch Covid-19, khi kẹt lại ở Sài Gòn, cũng may, tôi đã có tiếng chim giúp khuây khỏa những ngày chờ đợi. Thật không ngờ, giữa thành đô hiện đại vẫn còn sót những vành đai xanh bé bỏng chưa bị bê tông hóa để còn chỗ cho dăm ba loài chim/thú đình đậu.
Trên căn gác trọ nhìn ra cây sung lớn mang đầy những chùm trái mọng đỏ, mỗi hừng sáng, tôi được nghe tiếng hót của những con chất quạch, chào mào rộn rã. Sung chín tràn cành tràn nhánh, chúng thỏa sức ăn. Và dẫu cây có ít quả, loài chim cũng hiếm khi tranh ăn mà đuổi xua, cắn xé nhau.
Và nơi mút cao trên ngọn sung um tùm, cả bầy chim cu cùng cù...cu...cu. Vui mắt, và không ngờ với tôi có lẽ là hai chú sóc nâu cùng tót... tót với hai chiếc đuôi xòe luôn dựng lên ngoe nguẩy để thỏa niềm tự tại giữa thiên nhiên.
Nhưng tiếng chim gây cảm xúc nhiều cho tôi nơi rẻo xanh nhỏ nhoi này là tiếng bìm bịp nơi cụm dừa nước và chồi dại còn lại của con kênh phía sau nhà trọ. Bìm bịp kêu chiều! Tôi đã biết như thế khi còn nhỏ qua lời người lớn. Nghe bìm bịp kêu sau vườn hay nơi hàng rào, nơi mương nước, bờ ao trước ngõ là bắt đầu trông mẹ đi chợ chiều về.
Còn ở nơi kinh rạch bên con nước thủy triều này, bìm bịp kêu nước lớn nước ròng. Bìm bịp kêu giữa mỏm xanh quý giá còn lại như mang quê nhà đến cho mình đỡ nhớ. Nhưng rồi lại làm mình thêm dài đợi chờ ngày thành phố dỡ phong tỏa để mình về quê. Nghe bìm bịp kêu, nghe chim ca, sóc hót ngay ở quê mình!
Gần trưa, trời vẫn còn râm mát. Những chùm vải được các chủ quán trong làng mua bày trên kệ để bán lại dần. Mùa vải phương Bắc lại phô kịp sắc hương giữa miền Trung xa tít. Tôi lại nhớ Tiếng chim tu hú của Anh Thơ. "... Bỗng tiếng chim tu hú/Đưa từ vườn vải xa/Quả bắt đầu chín lự/Ngọt như nỗi nhớ nhà...".
Bài thơ được nữ thi sĩ viết tại Bắc Giang hồi năm 1954 khi cuộc kháng chiến gần kề ngày thắng lợi. Và giờ đây, tu hú gọi mùa khi xứ sở của trái vải của cố thi sĩ cũng như nhiều địa phương khác trong nước đang bị dịch Covid-19 làm khổ. Nhưng tất cả, ở đâu mọi người vẫn tròn niềm tin ở điều tốt lành, và bình yên sẽ sớm được lập lại. Như cố thi sĩ đã viết: “Nhắn với chim tu hú: Cha già vui đợi mong/Mười năm trong khói lửa/Má con dù nhạt hồng/Nhưng bao nhiêu em gái/Đẹp lên mùa vải chín bên sông!”.
Huỳnh Văn Mỹ
Theo Kinh tế Sài Gòn