(SGTT) - Thường ngày dù khoác lên mình chiếc áo của công việc với chức vụ thế nào, bận rộn ra sao, thì bây giờ những phụ nữ quay về với góc bếp, chăm sóc bữa ăn gia đình, đàn ông ở nhà không tụ họp bạn bè sau giờ làm việc, không những cuộc họp… rồi chúng ta nhận ra nhiều niềm vui đơn giản an lành đã bỏ lỡ.
- Ở nhà mùa dịch: Khẩu trang bảo vệ bạn và tôi!
- Ở nhà mùa dịch: Bữa cơm gia đình, khoảnh khắc bạn bỏ lỡ bấy lâu nay
- Ở nhà mùa dịch: Ở nhà vẽ tranh cổ động, làm thêm việc “tay trái”
Thời gian để yêu thương
Ở nhà 24/24 là một kịch bản chúng ta chưa từng nghĩ ra, nhất là với một đô thị sôi động nhiều hoạt động như TPHCM. Trong tình trạng hiện nay, đó là điều bắt buộc. Chúng ta bắt đầu nghĩ đến những nhu cầu đơn giản như rau ăn hàng ngày, thịt cá dự trữ, trứng, gạo, bánh mì… đã đủ chưa? Lịch sinh hoạt thế nào cho khoa học, trong nhà nên có thuốc gì và mỗi ngày uống bao nhiêu vitamin...
Chị Quý Linh, giáo viên cấp 1 ở quận Tân Phú, có hai con trai độ tuổi 7 và 10 tuổi. Thường ngày chị tất bận với việc dạy học, công việc thêm sau giờ làm nên có đôi lúc cũng ngậm ngùi thú nhận: “Mình dạy học cho nhiều học sinh nhưng con của mình cũng gửi cô giáo khác dạy, rồi tối về mình kiểm tra lại. Lý do là “bụt nhà không thiêng”. Giờ ở nhà nhiều, chị bày ra nhiều món bánh hay món ăn đơn giản để mẹ con cùng làm, chị thấy bé ngoan và dễ bảo hơn hẳn.
Chị Linh chia sẻ: ”Bé lớn đang vào độ tuổi khá cứng đầu và bắt đầu xa cách với cha mẹ. Cứ vài ngày tôi lại bàn với bé mình sẽ làm món gì, rồi mẹ con cùng xem trước cách làm, trong lúc làm thì trò chuyện với nhau. Thường ngày con trai tôi hai đứa đều khó ăn. Nhưng bây giờ, món bánh làm ra những ngày đầu vụng về chưa ngon chưa đẹp nhưng bé vẫn ăn ngon lành làm tôi rất vui”.
Chị Thu Hải, chị Nguyễn Hạnh cũng làm công nhân viên chức nhà nước thì thích thú với thú vui chăm rau từ củ khoai lang dự trữ lâu mọc mầm ra lá, củ hành, củ xả… Rồi bỗng thấy những cây xanh ấy đẹp dung dị và hữu ích hơn nhiều những bông hoa đủ màu sắc mà hiện giờ chẳng mấy ai còn tâm trí nghĩ đến.
Chị Nguyễn Ngọc Minh, kinh doanh xưởng bao bì, nhà ở quận 3 TPHCM, vừa mới sinh con nhỏ thì cho biết: “Trước dịch tôi cũng rất lo nếu dịch nặng không thể đến xưởng ở ngoại thành làm việc được. Ngày sinh nở gần kề, có lệnh giãn cách, tôi đành phải bỏ hết nỗi lo để chuyên tâm chăm con. Chồng tôi cũng phải phụ vợ chuyện cơm nước vì giờ thuê người làm cũng không có. Tôi thấy mình bắt buộc phải suy nghĩ đơn giản hơn, rồi cảm thấy yêu thương chồng hơn vì những ngày như thế này có người yêu thương bên cạnh”.
Còn với chị Đăng Thúy, từng là Giám đốc sản xuất công ty truyền thông lớn, hiện nay chị mở công ty riêng rất bận rộn và thường ngày cũng tự nhận mình là con người của công việc. Bỗng nhiên gần đây thấy chị chia sẻ những hình ảnh bữa cơm gia đình, hỏi han cách làm cá, bảo quản rau, bánh mì, rồi dịu dàng bên bó hoa em đồng nghiệp cũ tặng, cảm xúc dịu dàng rất phụ nữ khi tâm sự về chồng con.
Khi được hỏi về cảm giác khi “sếp vào bếp”, chị nhẹ nhàng trải lòng: ”Trước đây, ai cũng nói chị là nghiện việc, hễ công ty cần là chị có mặt. Công việc là niềm đam mê lớn với chị, thậm chí có thể cuối tuần để chồng ở nhà để đi họp là chuyện bình thường. Giờ chị cảm thấy như được nghỉ ngơi thư giãn khi làm bếp, chăm sóc gia đình, thư thả ngắm hoa, xem phim, luận bàn cùng chồng. Chồng chị nấu ăn rất ngon, giờ chị nấu có những món không bằng ảnh, nhưng ảnh cũng vui và ăn hết để khích lệ chị. Nhìn lại, chị cảm thấy mình quá may mắn có một người chồng luôn hiểu và ủng hộ niềm vui công việc của chị, cũng thấy mình có lỗi vì đã không dành nhiều thời gian cho gia đình như đúng thiên chức phụ nữ. Hết dịch, có đi làm lại, chị sẽ luôn nhắc mình đâu là ưu tiên hàng đầu.”
Chị Phan K.A, đang là hiệu phó trường quốc tế và giảng viên đại học, trước đó chị giảng dạy văn học tại trường chuyên T.Đ.N thì thường về nhà sau 20:00 tối vì phải sắp xếp công việc sáng hôm sau ở trường và lịch dạy đại học. Chồng chị cũng là CEO một công ty lớn nên thời gian ăn cơm nhà hầu như không có. Trường hiện nay học online, chị vẫn phải soạn bài dạy học, nhưng thời gian ở nhà nhiều hơn và cũng không thể đi ăn ngoài ở đâu được. Sự lãng mạn thanh tao của giáo viên dạy văn lâu năm được chị thể hiện qua sự chăm chút bài trí từng bữa cơm gia đình, khiến chồng chị rất ngạc nhiên thích thú. Những mâm cơm nhỏ của gia đình hai người toát lên sự ấm cúng, trang nhã và mang cả tấm lòng của người vợ.
Đi chợ thời đại dịch
Mỗi gia đình đều ăn cơm nhà ngày 3 buổi, áp lực của việc chuẩn bị lương thực và nấu nướng cũng không nhỏ. Cửa hàng ăn không mở bán khắp nơi từ đầu ngõ đến các trang online như trước nên mỗi ngày nghĩ ra món ăn cũng đau đầu, cộng thêm mua nguyên vật liệu cũng không dễ dàng.
Mỗi lần đi siêu thị hay bước ra đường là mỗi lần tăng nguy cơ lây nhiễm, nên hầu như ai cũng mua những món đơn giản để nấu bữa cơm thường ngày. Muốn đổi món sang những món ăn chơi như bún riêu, bún bò… cũng khó tập trung đúng nguyên liệu. Nhưng vì thế, chúng ta có những món ăn rất sáng tạo.
Tình hình càng khó khăn hơn tại các khu phong tỏa. Chị N.T.B.Trân đang ở khu phong tỏa tại quận Tân Phú cho biết: “Ở đây phường vẫn phát các nhu yếu phẩm, nhưng nếu thèm ăn món gì dù có tiền cũng không thể mua được do việc ship rất khó khăn. Bây giờ thấy thường ngày mình lãng phí thức ăn thật rất hối hận luôn. Có điều thật ấm lòng vì vài bữa lại có suất cơm của các nơi nấu từ thiện đầy đủ rau củ cá thịt. Ăn suất cơm này làm tôi cảm thấy sau này càng phải ráng đi làm kiếm tiền để có điều kiện giúp đỡ những người khác trong cơn khó khăn”.
Hiện nay, các bạn vẫn có thể đặt thực phẩm trên các trang trực tuyến có vận chuyển liên quận. Một số đơn vị bán hàng với chức năng của công ty có thể xin giấy đi đường và tài xế vận chuyển được xét nghiệm covid thường xuyên. Việc đặt hàng không còn dễ dàng như trước, chỉ ưu tiên thực phẩm và nhu yếu phẩm nhưng cũng không quá khó khăn và khan hiếm.
Tiền bạc, danh vị bây giờ không còn quan trọng nữa, ăn ngon ăn dở không còn quan trọng nữa. Quan trọng nhất hiện nay là chúng ta còn khỏe mạnh, nhìn thấy người thân khỏe mạnh, cảm nhận được vị ngon của tình thân gia đình qua từng bữa ăn và chưa mất vị giác vì nhiễm Covid-19.
Ở nhà để chống dịch, ở nhà để yêu thương, ở nhà để góp phần ổn định xã hội giúp cho những người chống dịch tuyến đầu. Những hoạt động đưa nông sản đến tay người dân thành phố, những điểm phát lương thực miễn phí, những bếp ăn từ thiện, ngay cả những tờ phiếu đi chợ được phát cho mỗi hộ gia đình, những hội nhóm mua hàng hóa trong quận…cho thấy sự dần thích nghi của chúng ta trong tình hình mới. Tình người cộng với ý thức đoàn kết, kiến thức về phòng chống dịch sẽ là vũ khí tốt nhất của chúng ta trong cơn đại dịch này.
Mai Thy