Khánh Vân -
Một số nghiên cứu về mạng xã hội cho thấy, những người có tài khoản Facebook thường mất mỗi ngày độ 2,5 giờ cho nó, gấp đôi thời gian trung bình xem ti vi. Thậm chí có những người còn bỏ luôn thói quen đọc báo, chỉ vào mạng xã hội.
Có thể nói, hiện nay đang là thời của mạng xã hội, khi nó cập nhật từ toàn cầu cho tới hang cùng ngõ hẻm, từ bầu cử tổng thống Mỹ cho tới giá thịt heo tăng vài ngàn đồng một ký. Buổi sáng vừa vô “phây” thấy hai bà bán hàng online tố nhau quá chừng, tự nhiên thấy mất hết cả hứng cho một ngày mới. Có được không nếu cứ mua thịt, cá, trứng, sữa của một bà suốt ngày chửi bới? Chắc cũng chả khác gì ngồi chờ ăn bún của bà bún chửi CNN. Rõ khổ!
Đôi khi chợt nghĩ con số trên 1,7 tỉ người chơi Facebook trên thế giới và 30 triệu người tại Việt Nam mà choáng vì chả hiểu nó giúp kết nối cộng đồng hay chính công cụ này khiến những người cô đơn càng thêm cô đơn, vì quá sợ hãi. Bởi, nếu không bản lĩnh thì khỏi dám chơi Facebook vì có nhiều status đọc xong sốc luôn cả ngày.
Rất nhiều người dùng Facebook trở nên nổi tiếng với những tấn trò cười chua chát.
Mạng xã hội tính năng dễ lan truyền đã đẩy lên biết bao Lệ Rơi, Tùng Sơn, Kenny Sang, hót gơ (hot girl) đánh nhau ở phố đi bộ, thanh niên nói được làm được… Mạng xã hội với sự hăng tiết và dễ bị kích động của đám đông, rầm rập sỉ nhục thí sinh thiếu kiến thức xã hội khi tham gia cuộc thi “Tôi là triệu phú”. Những nạn nhân ấy bị rêu rao, bị cười cợt thậm chí lăng mạ đến nỗi nếu người yếu thần kinh có thể đi tìm cõi chết, hoặc trốn tránh không thể nào dám đi làm đi học.
Một xã hội với sự sắp đặt của những người toan tính đã đẩy đám đông vào rất nhiều cuộc chiến.
Với thực trạng mạng xã hội càng ngày càng lan rộng như hiện nay, rất cần kêu gọi mọi người hãy hành xử văn minh trên mạng. Trong lúc có người vẫn còn băn khoăn với việc cấm hay không cấm thì ở những tổ chức lớn, những tập đoàn đa quốc gia đều đã có những quy tắc ứng xử quy định nhân viên phải hành xử đúng mực: không bình luận xấu về công ty, về đồng nghiệp, về đối tác; không dùng những từ ngữ vô văn hóa trên mạng, không vào mạng trong giờ làm việc.
Tôi có anh bạn chuyên đến các trường nói chuyện với các em học sinh về cách tự bảo vệ mình trên mạng xã hội. Có lần một học sinh hỏi anh “con có nên cho ba mẹ kết bạn không?” Thật khó trả lời vì nó tuỳ thuộc vào mục đích lên mạng của ba mẹ nữa! Nó không nằm ở quyết định của con mà là định hướng của ba mẹ vì những người bạn của ba mẹ cũng phải là những người hết sức văn minh trên mạng.
Tôi cũng hay nói chuyện với con mình về mạng vì thật ra nó là nguồn kiến thức bao la nếu biết chọn lọc. Tôi có chơi trong mấy nhóm riêng về bếp núc, trồng cây, làm bánh, nuôi con. Có lần một bạn lên “phây” cầu cứu: “má của bạn trai kêu em nấu bò kho, các chị chỉ em cách nấu ngay kẻo em chết mất!” Chưa thấy ai lên hướng dẫn cách nấu, một chị phán luôn: “không việc gì phải sợ, nếu không biết thì khỏi nấu, chưa cưới về đã thế sau này còn mệt hơn”. Nói chung là cạn lời, chỉ biết cầu trời cho bạn ấy đừng nghe lời khuyên của chị kia. Có bạn post (đăng) cái cây mới nứt hai lá mầm lên mạng, phân vân không biết là bầu hay mướp đã được giải thích đó là bí đỏ, bao gồm luôn hướng dẫn trồng cây. Mà cuối cùng là bí đỏ, thế mới siêu!
Con người từ khi biết cái kẹo màu xanh hay màu đỏ là đã có quyền lựa chọn. Coi mạng xã hội là một nơi giải trí, thậm chí là nơi làm việc đàng hoàng nghiêm túc hay là một nơi xô bồ rối loạn thì tùy vào mỗi người. May mà các mạng tặng cho người dùng nút “block” (khóa), và người dùng có quyền sử dụng chức năng này để làm sạch “new feed”, lọc bớt những lời lẽ kích động, những tư tưởng tiêu cực, những rác rưởi giăng vãi khắp nơi trên mạng xã hội.
Block chính là chức năng văn minh mà tôi thích nhất. Lần đầu tiên dùng nó, tôi cứ phân vân mãi, nhưng sau đó lại nghĩ, bạn phải là những người có thể chia sẻ, có cùng những mối quan tâm và có một số tiêu chuẩn nhất định về ứng xử. Nếu khác nhau nhiều quá thì chia tay thôi!
Cứ lựa những gì hay, đẹp đẽ nhất để đem về nhà. Chợt nhớ câu chuyện thầy nói với trò: “nếu quà người ta đem tặng con mà con không nhận thì họ phải đem về”. Những lời nói ác độc trên mạng cũng vậy thôi!