Văn Nam
Đề tài thất thoát nước tiếp tục “nóng” trở lại khi Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) vừa có buổi họp với đại biểu HĐND TPHCM về lộ trình tăng giá nước giai đoạn 2015-2019. Vấn đề ở chỗ, trong khi những người trong ngành loay hoay tìm giải pháp để kéo giảm tỷ lệ thất thoát nước xuống, đồng thời tìm nguồn vốn để xây nhà máy nước và phát triển hệ thống đường ống cấp nước thì hàng trăm ngàn hộ dân trên địa bàn thành phố vẫn chưa có được nguồn nước sạch để sử dụng.
Nơi lãng phí
Theo báo cáo của Sawaco, tỷ lệ thất thoát nước hiện nay đang ở mức khoảng 33%. Tương ứng với tỷ lệ này, mỗi ngày sẽ có khoảng 540.000 m3 trong tổng số 1,7 triệu m3 nước sạch mà Sawaco sản xuất ra bị biến mất. Con số thất thoát đó, nếu nhân với giá nước bình quân 5.300 đồng/m3, thì mỗi năm khoản tiền bị “rò rỉ” cũng lên đến cả ngàn tỉ đồng, đủ để xây một nhà máy sản xuất nước sạch công suất 200.000 m3/ngày đêm.
Đó là một sự lãng phí rất lớn. Song, điều khiến nhiều người quan tâm là ngành nước đang có phương án tăng giá nước, thay vì quyết liệt hơn trong việc tìm giải pháp kéo giảm tỷ lệ thất thoát nước để giảm giá thành sản phẩm.
Trong phương án tăng giá nước sạch trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2015-2019, Sawaco cho biết hiện ngành cấp nước cần một khoản tiền lớn cho việc đầu tư xây dựng nhà máy, gắn thêm đồng hồ, phát triển thêm đường ống và triển khai nhiều dự án chống thất thoát nước sạch. Tổng số vốn Sawaco cần từ nay đến năm 2025 lên đến 68.000 tỉ đồng. Để giải bài toán về nguồn vốn, một trong những phương án được Sawaco đưa ra là tăng giá nước sạch 10,5% mỗi năm trong vòng năm năm tới.
Tại cuộc họp về lộ trình tăng giá nước với các đại biểu HĐND TPHCM ngày 21-4 vừa qua, ông Bạch Vũ Hải, Phó tổng giám đốc Sawaco, cho rằng sở dĩ nước thất thoát nhiều là do đường ống cấp nước cũ kỹ, đã sử dụng đến 60-70 năm nay. Theo quy hoạch phát triển ngành cấp nước TPHCM, khoản kinh phí khá lớn này chưa tính đến sự phát triển các khu đô thị mới hiện nay của thành phố.
Một trong những chỉ tiêu được Sawaco đặt ra là giảm tỷ lệ thất thoát nước từ 33% hiện nay xuống còn 25% vào năm 2025; và cũng đến năm 2025 toàn bộ các hộ dân tại thành phố sẽ có nước sạch từ Sawaco với tổng công suất cấp nước khi đó tăng lên 3,7 triệu m3/ngày.
Theo ông Hải, thất thoát nước sạch luôn tồn tại song song với dịch vụ cấp nước, bởi không thể kiểm soát tuyệt đối toàn bộ lượng nước sản xuất. Ngoài ra, việc duy trì mức thất thoát nước thấp đòi hỏi chi phí rất lớn.
Trong kế hoạch giảm thất thoát nước của mình, Sawaco chia thành phố ra thành sáu vùng để triển khai. Theo đó, vùng một bao gồm các quận 1, 3, 5, 10; vùng hai gồm các quận 11, Tân Bình, Tân Phú. Hai vùng này sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Vùng ba gồm hai quận Bình Thạnh, Phú Nhuận và dự kiến sẽ do Tập đoàn Miya thực hiện; vùng bốn gồm các quận 2, 9, Thủ Đức; vùng năm gồm quận 4, 7 và huyện Nhà Bè; vùng sáu gồm các quận 6, 8, Bình Tân, Bình Chánh và sẽ do liên danh Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) và Công ty Đầu tư tài chính TPHCM (HFIC) thực hiện.
Theo một số chuyên gia, tỷ lệ thất thoát nước hiện nay tại TPHCM còn ở mức 33% là đáng lo ngại, và tỷ lệ kéo giảm 1% nước thất thoát mỗi năm cho giai đoạn 10 năm tới được Sawaco đưa ra vẫn còn thấp. Chỉ cần công ty này làm tốt hơn việc giảm thất thoát nước từ 33% xuống còn 10% thì đã có lượng nước tương đương một nhà máy nước cỡ nhỏ.
[box type="download"] 1 ki lô gam thịt bò cần 15.500 lít nước
Bằng tính toán của mình, Tổ chức Dấu ấn của nước (Waterfootprint.org) đưa ra những con số về lượng nước sử dụng, qua đó muốn mỗi người ý thức trong việc sử dụng tài nguyên nước, bởi nguồn nước không phải là vô tận và mỗi người đều cần có trách nhiệm về việc sử dụng nguồn nước của mình.
Để có 1 kg thịt heo, cần 4.800 lít nước, 1 kg thịt gà 3.900 lít, 1 kg thịt dê 4.000 lít. Để có 1 kg thịt bò cần đến 15.500 lít nước bởi lẽ con bò nuôi suốt ba năm mới cho 200 kg thịt; trong thời gian này tiêu tốn 1.300 kg hạt ngũ cốc, 7.200 kg cỏ, 24 m3 nước cho việc ăn uống và 7 m3 nữa cho việc vệ sinh chuồng trại.
Để làm ra được 1 kg gạo cần đến 3.400 lít nước ngọt trong khi với lúa mì là 1.300 lít, đậu nành 1.800 lít, bắp và khoai tây là 900 lít, và 1 kg đường mía cần đến 1.500 lít nước.
Khi dùng 1 trang giấy khổ A4, chúng ta đã tiêu tốn đến 10 lít nước, một cái áo cotton 250 g chúng ta sử dụng hết 2.700 lít nước, để có 1 kg da thuộc làm nên những đôi giày cao cấp cần đến 16.600 lít nước.[/box]
Nơi không có để xài
Trong khi ngành cấp nước vẫn còn loay hoay với giải pháp kéo giảm tỷ lệ thất thoát nước sạch thì hàng trăm ngàn hộ dân thuộc nhiều khu vực trên địa bàn thành phố hiện vẫn chưa có nguồn nước sạch để sử dụng, nhiều nơi người dân phải sử dụng nguồn nước giếng khoan bị ô nhiễm, nhiễm phèn, nhiễm mặn.
Theo thống kê của Sawaco, đến nay vẫn còn 323.000 hộ dân tại thành phố chưa có nguồn nước sạch. Trong đó, huyện Bình Chánh còn 103.000 hộ, huyện Hóc Môn còn 70.000 hộ, huyện Củ Chi hơn 93.000 hộ…
Tại buổi họp trên, bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, đại biểu HĐND TPHCM, cho biết trong hơn 300.000 hộ dân chưa được cấp nước sạch thì chủ yếu tập trung ở 46 xã của năm huyện ngoại thành. “Tôi theo dõi số liệu này bởi trước đây khi còn công tác tại Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố, tôi thực hiện một đề án với Sở Y tế thành phố về việc giảm tỷ lệ bệnh phụ khoa cho phụ nữ vùng ngoại thành. Gần 60% phụ nữ ở ngoại thành viêm nhiễm phụ khoa do nước không sạch”, bà Hạnh cho biết.
[box type="bio"] Ông Từ Minh Thiện, đại biểu HĐND TPHCM
Thành phố Osaka của Nhật Bản từng có tỷ lệ thất thoát nước đến 60%. Sau khoảng 25 năm, họ đã giảm tỷ lệ này xuống còn 10% như hiện nay. Trong khi đó, tại TPHCM từ nay đến năm 2025, tỷ lệ kéo giảm thất thoát chỉ khoảng 1% mỗi năm. Đây là một tỷ lệ rất thấp.[/box]
Ông Đoàn Văn Thanh, Phó chủ tịch Hội Nông dân TPHCM, cho biết tại huyện Cần Giờ, do đặc thù vùng ven biển nên người dân không đào giếng được, hiện nay chỉ có người dân thị trấn Cần Thạnh, xã Long Hòa và một nửa xã Bình Khánh được sử dụng nguồn nước sạch do Sawaco cung cấp trực tiếp. Phần còn lại phải sử dụng nước thông qua các xà lan chở nước đổ vào các điểm cấp nước tập trung.
Ông Thanh cho rằng người dân huyện Cần Giờ mong mỏi ngành cấp nước sớm xây dựng các hệ thống ống cấp nước đến từng xã, địa bàn khu dân cư. Điều ông băn khoăn nhất là Sawaco nói rằng kinh phí xây dựng đường ống cấp nước cấp 1 (ống lớn) sẽ do ngân sách thành phố đầu tư, còn đường ống cấp 2, cấp 3 (đường ống nhỏ hơn dẫn nước đến từng hộ dân) sẽ do Sawaco bỏ vốn đầu tư. Và nếu công ty này cứ than thiếu vốn thì không biết đến bao giờ mới có đường ống nước sạch đến từng hộ dân.