HOÀNG XUÂN PHƯƠNG -
Nước ngọt có ga hay nước soda đang mất dần thị trường tại nhiều thành phố lớn bởi được cho là có liên quan đến chứng béo phì. Hiện từ nơi này đến nơi khác, người ta cảnh báo hay bắt đầu áp đặt những luật lệ mới lên loại nước ngọt chứa đường và natri carbonate này.
Những chiến dịch tẩy chay
Năm 2010 chính quyền thành phố San Antonio ở bang Texas (Mỹ) cấm việc phân phối nước soda trong các máy bán nước uống tự động cho người tiêu dùng trong một nỗ lực cắt giảm 15,6 triệu đô la Mỹ chi phí chăm sóc sức khỏe đối với người béo phì. Chứng béo phì và bệnh đái tháo đường ở San Antonio đã cao gấp đôi mức trung bình so với các thành phố khác tại Mỹ.

Tỷ lệ người béo phì tại San Antonio đã giảm từ 35% trong năm 2010 xuống còn 29% trong năm 2012, và số người có thói quen uống nước soda hàng ngày cũng giảm từ 71% xuống còn 64%, nhờ cả vào chương trình giáo dục. Nhưng như thế là chưa đủ thuyết phục các nhà làm luật. Họ yêu cầu phải có biện pháp mạnh hơn nữa.
Cuộc tranh cãi tưởng dừng tại đó, nhưng đến lượt hạt Bexar gần thành phố San Antonio lại đưa ra cảnh báo về nước ngọt có ga. Một chiến dịch gồm cả áp phích, tờ rơi, cả một trang web cùng những chương trình truyền hình lưu ý “các bạn chẳng dám ăn một lúc đến 16 muỗng đường, tại sao các bạn lại dám uống nó”, ám chỉ lượng đường có trong một chai nước soda 20 oz. (1 oz tương đương với 29,6 ml).
Các thành phố khác như Minneapolis và San Francisco cũng có những động thái tương tự, đồng thời lưu ý người sử dụng về nguy hại của việc uống nước soda hàng ngày.
Các nhà sản xuất phản pháo
Việc này buộc các đại công ty sản xuất nước ngọt có ga như Coca-Cola, PepsiCo và Dr Pepper Snapple phải hành động bằng cách chi hàng triệu đô la cho các chương trình tập luyện và chăm sóc nhằm chứng tỏ rằng sức khỏe tốt là nhờ tập thể dục chứ không chỉ là giảm bớt lượng calorie chứa trong nước ngọt.
Mặc dầu đã nhận được hàng triệu đô la cho các chương trình luyện tập thể dục, ủy ban y tế tại hội đồng thành phố Chicago cũng đưa ra đề nghị đánh thuế bổ sung mỗi xu trên một oz thể tích đối với loại nước ngọt có ga này.
Bắt đầu từ năm 2012, Hiệp hội Nước ngọt Mỹ cũng đóng góp chi phí cho các chương trình luyện tập thể dục nơi các thành phố. Năm 2013, hãng Coca-Cola lại cấp thêm cho San Antonio 1,5 triệu đô la Mỹ nhằm tạo nên phong trào thể thao xe đạp, để chứng tỏ rằng béo phì không phải là từ nguyên nhân uống nước có ga.
Nhưng rồi các nghiên cứu mới tiếp tục đưa thêm những kết quả tiêu cực về việc lạm dụng nước soda và Cơ quan Quản lý thuốc và thực pẩm (FDA) đã phải quy định hạ lượng đường trong nước xuống dưới mức 200 calo, thấp hơn lượng đường hiện hữu trong một chai Coca-Cola 20 oz đến 40 calo.
Những giải pháp này vẫn chưa vừa lòng các nhà nghiên cứu và các cơ quan quản lý sức khỏe. Hiệp hội Tim Mỹ cho biết mức tiêu thụ nước ngọt có ga cho mỗi người lớn phải giới hạn dưới mức 36 oz một tuần.
Giáo sư Rachel Johnson từ Đại học Vermont cho rằng tập thể dục là điều cần thiết nhưng không thể nói đó là biện pháp thay thế cho việc hạn chế nước uống có ga, bởi người ta cần đi gần 2 km mới giảm được 100 calo.
Cuộc tranh cãi sẽ còn kéo dài, ngay cả trong các hội đồng thành phố nơi quyết định ngân sách chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Nhưng chính những cuộc tranh cãi này đã tạo nên cảnh báo toàn cầu, và nhiều công ty cung cấp bữa ăn như Dairy Queen đã không đưa nước ngọt có ga vào khẩu phần thực phẩm cho trẻ em.