(SGTT) - Cô gái với dáng người nhỏ nhắn Lê Tuyền Trâm, sinh năm 2000, là hướng dẫn viên du lịch khu du lịch Cồn Sơn, Bình Thủy, thành phố Cần Thơ đã xung phong vào tâm dịch để hỗ trợ tiêm vắc-xin và xét nghiệm cộng đồng cho người dân.
Sau khi thực hiện xong việc hỗ trợ tiêm vắc-xin và xét nghiệm cộng đồng cho người dân ở quận Cái Răng hôm 17-8, Tuyền Trâm đang thực hiện cách ly theo quy định.
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị qua điện thoại, cô gái nhỏ nhắn này cho biết, hết ngày mai là cô hoàn thành thời gian cách ly và có thể về với mẹ.
Tuyền Trâm chia sẻ, trong suốt 14 ngày tham gia vào lực lượng hỗ trợ cho tuyến đầu chống dịch, mỗi ngày là một kỷ niệm không thể quên.
“Mỗi ngày, em đi tới một khu vực khác nhau nên gặp được nhiều cô chú. Có hôm, khi đang chuẩn bị test tầm soát cho một cô khoảng hơn 50 tuổi thì bất ngờ cô ấy hỏi tụi em bận vầy (mặc đồ bảo hộ như vậy - PV) có nóng không; chắc mệt lắm hả con?”, Trâm nhớ lại, đôi khi chỉ là sự quan tâm nhỏ của người dân cùng với sự chủ động hợp tác cũng khiến các bạn trẻ cảm thấy vui hơn.
Trước đó, thành phố Cần Thơ kêu gọi sự góp sức của lực lượng trẻ, những người đủ điều kiện… Trâm đã đăng ký xung phong vào tâm dịch tại quận Cái Răng. Trước khi tham gia vào vào hỗ trợ tiêm vắc-xin và xét nghiệm cộng đồng cho người dân, Trâm tham gia trực chốt Covid-19 tại bến đò Cô Bắc, nối quận Bình Thủy với tỉnh Vĩnh Long.
Trâm cho biết thêm, hiện em đang theo học chuyên ngành dược, trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ, dự kiến tháng 11 này sẽ ra trường. Khi được hỏi, ra trường, hết dịch, em còn định sẽ làm hướng dẫn viên ở Cồn Sơn nữa không? Trâm liên trả lời, nếu có thể thì khi cuối tuần hoặc ngày lễ vẫn muốn tiếp tục làm.
Theo chia sẻ của cô gái 21 tuổi này, công việc hướng dẫn thời gian đầu cũng gặp nhiều khó khăn do không được đào tạo bài bản. “Nhưng nhờ các anh chị hướng dẫn viên của các công ty hướng dẫn tận tình, nên em muốn gắn bó và muốn giới thiệu cho khách ở mọi nơi biết nhiều hơn về văn hóa, con người và mảnh đất nơi em sinh sống”, Trâm bộc bạch.
Với Trâm, công việc hướng dẫn viên du lịch đã làm từ nhiều năm nay. Chính vì là người bản địa nên cố gái am hiểu hầu như tất cả đời sống của người dân trên cồn, từ văn hóa, ẩm thực đến con người... Được biết, nhà Trâm chỉ có hai mẹ con. Mẹ của em cũng là hướng dẫn viên du lịch tại điểm Cồn Sơn.
Cồn Sơn nằm giữa sông Hậu, cách bến Ninh Kiều, trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 10km về hướng thượng nguồn. Vì biệt lập với đất liền nên được phù sa bồi đắp, cây trái xanh tốt, khí hậu mát mẻ quanh năm.
Khu du lịch công đồng này có chưa tới 100 hộ với vài trăm nhân khẩu. Tuy nhiên đặc sản “độc đáo”, tạo điểm nhấn trong thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến chính là tính cộng đồng.
Khi dịch Covid-19 tái bùng phát, người dân làm du lịch trên cồn dừng đón khách. Mọi người tranh thủ thời gian này tu bổ, sửa sang lại các sản phẩm du lịch của mình, từ vườn cây, ao cá, quang cảnh... Ngoài ra, tìm các sản phẩm mới để khi dịch kết thúc trở lại phục vụ khách du lịch.
“Khi dịch bùng phát mạnh, các hộ dân đã tuyệt đối không qua đất liền, thực hiện nghiêm công tác phòng dịch. Khi đã được công nhận là vùng xanh an toàn, bà con bắt đầu gói bánh ú gửi tặng các chốt kiểm dịch và các bệnh viện dã chiến”, chị Lê Thị Bé Bảy, một hộ dân sống ở Cồn Sơn cho biết thêm.
Từ ngày 20-7 đến ngày 10-8, người dân Cồn Sơn, với sự hỗ trợ nguyên liệu từ các mạnh thường quân đã làm được trên 5.000 cái bánh ú gửi tặng các chốt kiểm dịch và các bệnh viện dã chiến tại Cần Thơ.
Nguyễn Nam