(SGTT) - Từng học Thạc sĩ về Phát triển cộng đồng tại Australia và có nhiều năm sinh sống ở Thụy Sĩ, nhưng chị Trang Jena Nguyễn, CEO của tổ chức Survival Skills Vietnam (SSVN), đã quyết định gắn bó lâu dài ở Việt Nam để thực hiện ước mơ mỗi gia đình Việt có ít nhất một người biết sơ cứu đúng cách.
Nâng cao nhận thức của cộng đồng về "vai trò sống còn" của sơ cấp cứu
Chị Trang Jena Nguyễn chia sẻ, SSVN được thành lập từ năm 2014. Mục đích của SSVN là nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò quan trọng sống còn của sơ cấp cứu và ai cũng có thể làm sơ cấp cứu nếu họ được học đúng kiến thức cập nhật chứng minh hiệu quả nhất hiện nay và được đào tạo chú trọng thực hành.
Chính vì lẽ đó, ngoài các lớp hướng dẫn sơ cấp cứu miễn phí cho cộng đồng định kì, thì SSVN còn có những lớp đào tạo kĩ năng sơ cứu cơ bản theo chuẩn quốc tế có thu phí cho các doanh nghiệp, trường học và cá nhân để trang bị kiến thức cứu mình, cứu người vì một cộng đồng Việt Nam tốt đẹp hơn.
Theo chị Trang Jena Nguyễn, khi biết kiến thức và kĩ năng sơ cấp cứu, chúng ta sẽ giảm thiểu các thương vong có thể phòng tránh và xử lý được, giảm gánh nặng cho ngành y tế, có thể giảm mất mát cho gia đình và cả xã hội.
Mong ước lớn nhất của chị Trang Jena Nguyễn và các cộng sự là tất cả mọi người ở Việt Nam, từ người lớn đến trẻ em, từ giáo viên đến phụ huynh và bản thân sinh viên, học sinh, người chăm sóc trẻ, chăm sóc người cao tuổi, bảo vệ… đều cần biết nhóm kĩ năng sống còn này, mảng kĩ năng hiện nay vẫn chưa thực sự được chú trọng trong cộng đồng.
Chị Trang Jena Nguyễn chia sẻ “Mỗi gia đình Việt Nam có ít nhất một người biết sơ cứu đúng cách” là ước mơ của tôi và có lẽ là của bất kì ai khi họ hiểu tầm quan trọng của sơ cứu ban đầu. Khi môt người vì bất kì lí do gì dẫn đến ngưng thở ngưng tim như: đuối nước, hóc dị vật đường thở, điện giật, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, chảy quá nhiều máu… họ chỉ có 3-4 phút vàng để được người xung quanh sơ cấp cứu để giúp cứu não của họ, thêm 4-5 phút vàng để cứu tim của họ, tính mạng của họ phụ thuộc vào những thành viên gia đình, bạn bè, thầy cô, đồng nghiệp, cộng đồng những người gần nhất để sơ cấp cứu trong 7-8 phút vàng đầu tiên. Dù xe cứu thương có đến sớm thì trung bình cũng mất tầm 15-20 phút mới đến nơi”.
Theo chị Trang Jena Nguyễn, với các trường hợp nặng nếu không được sơ cấp cứu đúng cách, hiệu quả và kịp thời thì có khi xe cứu thương đến nơi hoặc đưa người bị nạn vào bệnh viện thì câu chuyện đã trở nên quá muộn. Nếu não và tim họ không còn sống thì gần như rất khó để đội ngũ y bác sĩ cứu chữa cho họ. Vì vậy, tính mạng của người bị nạn khi nguy cấp gần như phụ thuộc rất lớn vào việc người gần nhất, người xung quanh sơ cấp cứu cho họ như thế nào.
Việt Nam trở thành điểm đến an toàn thực sự cho du khách
Ở Việt Nam, theo thống kê, chỉ có khoảng 5% người bị nạn được hỗ trợ sơ cấp cứu, nghĩa là có đến 95% người cần trợ giúp không nhận được sơ cấp cứu ban đầu. Phần lớn họ được ôm/xốc lên xe vào bệnh viện vì người dân có thể vì không biết sơ cứu nên không dám làm gì, hoặc họ làm theo cách họ thường thấy, mà trong phần lớn trường hợp cách ôm, xốc hoặc sơ cứu sai có thể khiến nạn nhân bị nghiêm trọng hơn, có hại hơn cho họ.
Trong khi đó, ở các nước phát triển như Australia, Thụy Sĩ, Na Uy… thì sơ cấp cứu là kiến thức và kĩ năng mà hầu hết học sinh được học từ nhỏ. Các bé từ mẫu giáo đã được giáo viên dạy cách xử lý khi bị trầy xước, chảy máu cam, bỏng. Lên các cấp lớn hơn, các em có các câu lạc bộ, hoạt động liên quan đến thực hành sơ cấp cứu.
Khi đủ tuổi thi lái bằng lái xe máy, xe hơi thì đều yêu cầu có chứng nhận hoàn thành lớp sơ cấp cứu cơ bản mới được cấp bằng, các cặp đôi khi chuẩn bị có con đều phải học lớp sơ cứu cho trẻ sơ sinh, giáo viên, bảo vệ, cảnh sát... đều được đào tạo kĩ năng sơ cấp cứu định kì 12-24 tháng sẽ học ôn nhắc lại theo luật.
Riêng đối với với ngành du lịch cũng như đối với các hướng dẫn viên, sơ cấp cứu đóng vai trò cực kì quan trọng. Thử tưởng tượng nếu du khách đến lưu trú tại một khách sạn và họ bị vấp ngã hay đột quỵ mà nhân viên ở đó không biết sơ cứu đúng thì tính mạng của khách du lịch bị đe dọa, đồng thời thương hiệu của khách sạn đó cũng bị ảnh hưởng. Tương tự khách bị hóc dị vật hoặc bị dị ứng nghiêm trọng khi ăn trong nhà hàng, trên xe… mà nhân viên, hướng dẫn viên không xử lí kịp thời thì có thể dẫn đến hậu quả cực kì đau xót.
Theo quan điểm của chị Trang Jena Nguyễn, một điểm đến nhất định phải an toàn thì du khách mới quay trở lại. Thậm chí, hình ảnh của cả một quốc gia cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu để xảy ra sự cố đối với du khách, trong khi chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh và trang bị kiến thức kĩ năng sơ cấp cứu cho đội ngũ nhân sự.
Trong nhiều năm qua, SSVN đã chú trọng tìm đến với một số đơn vị du lịch ở Việt Nam, tiến hành dạy một số buổi hướng dẫn sơ cấp cứu miễn phí cho các nhà hàng, khách sạn và hướng dẫn viên… Cụ thể, SSVN đã mở các lớp tập huấn cho nhân viên tại nhiều điểm du lịch ở Đà Lạt (Lâm Đồng), khách sạn Intercontinental Hotel Saigon...
Chị Trang Jena Nguyễn mong muốn các ban ngành, tổ chức hữu quan sẽ có những chỉ đạo sát sao để kiến thức và kĩ năng sơ cấp cứu, trang bị túi sơ cứu là quy định bắt buộc đối với ngành du lịch, khách sạn và nhà hàng để Việt Nam trở thành điểm đến an toàn thực sự cho khách.
Theo kế hoạch, trong thời gian tới, SSVN sẽ tổ chức một số lớp hướng dẫn sơ cứu miễn phí cho cộng đồng du lịch nào quan tâm.
“Về lâu dài, chúng tôi mong từng khâu trong chuỗi dịch vụ du lịch đều trang bị ít nhất 1 lớp kĩ năng sơ cấp cứu cho nhân viên của mình. Chúng ta mất 12 năm học chữ, 4 năm đại học, 1-3 năm học nghề, vậy thì để cứu mạng người chỉ bỏ ra 8 tiếng mà chúng ta không có thời gian? Còn gì quý giá hơn mạng sống chúng ta và người thân, thành viên cộng đồng chúng ta?”, chị Trang Jena Nguyễn bộc bạch.
Đinh Nam