Trung Chánh
Nông dân sản xuất lúa ở ĐBSCL hiện đang tiếc đứt ruột vì không được hưởng gì khi giá lúa tăng, còn thương lái thì mừng do thu lợi nhiều hơn từ việc tăng giá này.
Kẻ buồn, người vui
Đến nay, tức sau 15 ngày chương trình thu mua tạm trữ một triệu tấn quy gạo vụ đông xuân 2014-2015 có hiệu lực, giá lúa gạo tại ĐBSCL đã tăng bình quân 100-150 đồng/kg so với trước đó. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Bé Hai, một nông dân ở xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, thì tỏ ra không vui.
Ông Hai cho biết vừa giao cho thương lái 10 tấn lúa IR 50404 (lúa tươi) hôm 3-3 với giá 4.250 đồng/kg, so với giá hiện nay là 4.350-4.400 đồng/kg thì ông đã bị thiệt mất 1-1,5 triệu đồng. “Dù số tiền không quá lớn nhưng với chúng tôi, có được thêm một đồng cũng rất quý rồi”, ông nói.
Theo nhẩm tính của ông Trương Công Bình, xã Phú Cường, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, so với mức giá bán cho thương lái trước đó thì hiện nay ông đã bị thiệt khoảng 6 triệu đồng cho 2 ha lúa giống IR 50404.
Trong khi nông dân chịu thiệt thì thương lái lại mừng vì giá lúa tăng, nhờ đó có được lợi nhuận khá cao. Ông Nguyễn Văn Cường, một thương lái tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, cho biết so với mức giá ông đặt cọc mua lúa của nông dân thì hiện nay bình quân mỗi giạ lúa (20 kg) ông kiếm được 2.000-3.000 đồng lợi nhuận. “Đó là khoản lời trước mắt nếu tôi sang tay cho người khác. Nếu đem xay xát và bán gạo thì lợi nhuận sẽ còn cao hơn nữa”, ông Cường khẳng định.
Bà Nguyễn Thị Điệp, thương lái tại chợ đầu mối lương thực Bà Đắc, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, cũng cho biết với 10.000 giạ lúa (giống IR 50404) mua của nông dân trước đó thì nay mức lợi nhuận bà thu được khoảng 20-30 triệu đồng.
[box type="bio"] Theo báo cáo của VFA, trong tháng 2-2015, doanh nghiệp hội viên của đơn vị này chỉ xuất khẩu được khoảng trên 200.000 tấn, trị giá FOB đạt trên 91 triệu đô la Mỹ. Lũy kế xuất khẩu đến cuối tháng 2-2015 đạt trên 421.000 tấn, trị giá FOB đạt gần 191 triệu đô la Mỹ.[/box]
Mua tạm trữ quá chậm
Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến nay, 128 thương nhân được phân giao chỉ tiêu tham gia mua 1 triệu tấn quy gạo tạm trữ lần này chỉ mới mua được khoảng hơn 80.000 tấn.
Ông Huỳnh Thế Năng, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), thừa nhận so với tiến độ thu hoạch lúa của nông dân ĐBSCL (đã thu hoạch được khoảng 900.000 ha – PV) thì tiến độ mua tạm trữ rất chậm. Theo ông Năng, việc thu mua tạm trữ chậm có hai lý do chính là ngân hàng còn dè chừng trong việc giải ngân vốn cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, cùng với việc xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc không khả quan khiến doanh nghiệp e ngại, chưa vội mua vào.
Tuy nhiên, theo giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở ĐBSCL, dù tại hội nghị triển khai mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ đông xuân 2014-2015 Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại có tham gia cho vay đảm bảo đủ nguồn vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thu mua tạm trữ nhưng thực tế lại khác. “Khi tôi cầm hồ sơ, chỉ tiêu được VFA phân giao đến ngân hàng để vay vốn thì họ cố tình làm khó, bắt chúng tôi phải chứng minh này nọ, dẫn đến tiến độ mua lúa tạm trữ chậm”, vị này nói.