(SGTT) - Với sự tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19, đỉnh điểm là đợt dịch lần thứ tư, một số người lao động đã bỏ lỡ nhiều dịp về quê thăm gia đình trong năm, chỉ còn trông chờ vào dịp tết để đoàn viên với người thân. Tuy nhiên, cũng vì dịch mà mục tiêu “về quê ăn tết” năm nay của họ lần đầu tiên trở thành “mơ mộng hão huyền”.
- Người dân rục rịch mua vé xe về quê ăn tết khi TPHCM thành “vùng xanh”
- Cách nhận vé xe về quê ăn tết miễn phí
- Bản tin ngày 12-1: Hạn chế chuyến bay hồi hương về Tân Sơn Nhất, Nội Bài
Tài chính không cho phép
“Tích tắc đồng hồ đang trôi, tết đến còn vài ngày thôi… Nhớ quá không khí trong nhà…” những giai điệu của bài hát Tết xa vang lên khi về tới cổng khu phòng trọ ở quận Bình Tân.
Tiếng nhạc ấy phát ra từ căn phòng của cô gái tên Thư, người mà mọi người hay gọi vui là bé Sào, vì cô ấy khá cao. Khi hỏi chuyện, Thư mới tâm sự rằng, năm nay, cô ấy không về quê ăn tết.
Thư sinh năm 1999, người dân tộc Trại (Sán Dìu), năm 17 tuổi, cô ấy đã lấy chồng và sinh con như nhiều cô gái khác trong vùng. Tuy nhiên, hôn nhân không thuận lợi, năm 20 tuổi, vợ chồng Thư chia tay, Thư cùng con trai về sống với bà ngoại ở Vĩnh Phúc. Vài tháng sau, cô vào Sài Gòn làm công nhân cho một khu công nghiệp tại Bình Tân. Hằng tháng, Thư vẫn gửi tiền về phụ mẹ chăm con, nhưng dịch giã kéo dài, thu nhập của Thư cũng giảm sút nhiều.
"Ở lại kiếm việc làm thêm nhiều khi được nhân ba, nhân bốn lương, về quê giờ này vé xe thì đắt đỏ, năm nay dịch giã đâu làm được bao nhiêu. Ráng cày mấy ngày tết rồi về sau cũng được", Thư chia sẻ.
Đối với Thư, có một khoản tiền nhỏ cho mẹ ăn tết không chỉ là trách nhiệm, là bổn phận, mà đây còn là chút tấm lòng của cô dành cho mẹ sau một năm vừa làm lụng vất vả, vừa chăm cháu, là nụ cười của con trai cô khi có tấm áo mới.
Nỗi sợ bị kì thị
Ngồi tâm sự với Thư một lát thì vợ chồng anh Chánh, chị Thủy về khu trọ, trên tay cầm rất nhiều quà tết chuẩn bị về quê. Chưa kịp chúc mừng thì anh Chánh nói, năm nay chỉ cho vợ anh về Nghệ An để phụ công việc tết cho gia đình, còn anh không về vì sợ bị cách ly 14 ngày, như vậy anh sẽ không kịp lên làm sau tết theo đúng lịch.
“Văn phòng mình làm việc tới tận 27 tết, mùng 7 đã phải đi làm lại, về không đủ thời gian cách ly nữa chứ đừng nói là thăm họ hàng, bạn bè”, anh Chánh chia sẻ.
Vợ của anh Chánh được làm việc tại nhà, nên có thể về sớm hơn. Tuy nhiên, chị Thủy lại có một mối lo khác, đó chính là nỗi sợ hàng xóm sẽ “kì thị người về từ Sài Gòn”.
Chị kể rằng, ba mẹ dặn dò chị rất kỹ “năm nay về với bố mẹ chứ bà con họ hàng ít lui tới thôi, sợ ảnh hưởng đến người ta! Nói gì thì nói, họ vẫn sợ dù mình có giấy xét nghiệm hay tiêm hai mũi cũng vẫn lo à!”.
Anh T.M.T. quê ở An Giang cũng đồng cảnh ngộ với chị Liên, bản thân anh cũng đã tiêm hai mũi vắc-xin, nhưng khi nghe bố anh kể, hàng xóm xung quanh cũng dặn con cái ở lại trên Sài Gòn, mong muốn về quê ăn tết của anh cũng “chùn bước”.
“Kêu chúng nó ở trên đó đi, về đây mọi người nói qua nói lại. Tết nhất mọi người không dám lui tới, mất hay!”, bố anh thuật lại lời của hàng xóm.
“Biết là ba mẹ không bận tâm lắm những lời nói đó, ba mẹ cũng không sợ dịch bệnh gì nhưng về cũng làm ba mẹ khó xử nên tôi đã quyết định ở lại”, anh T., chia sẻ.
Cả một năm dài làm việc, ai cũng mong được về quê ăn tết, được họp mặt với gia đình, với người thân đã xa lâu ngày. Đương nhiên, sẽ có không ít người phải thường xuyên đón tết xa nhà, và đây chỉ là những mẩu chuyện nhỏ trong muôn vàn câu chuyện đón tết xa quê của người lao động. Nhưng với chị Thư, anh Chánh, chị Thủy hay anh T., đây là năm đầu tiên họ không được họp mặt cùng người thân trong dịp đặc biệt của năm, cũng là năm đầu tiên mà họ biết đến cảm giác “về quê ăn tết” khó khăn hơn bao giờ hết vì lý do cả chủ quan lẫn khách quan.
Mỹ Phụng