Tâm An -
Nhiều doanh nghiệp gas ở khu vực phía Nam bày tỏ lo lắng về nguy cơ cháy nổ của trạm chiết và bình gas khi cơ quan quản lý dự kiến bỏ hết các điều kiện về sở hữu vỏ bình, trạm chiết nạp... trong dự thảo nghị định thay thế Nghị định 19 về kinh doanh khí hóa lỏng (LPG – còn gọi là gas).
Những lo ngại về an toàn
Với người tiêu dùng gas, yếu tố quan trọng nhất là tính an toàn. Trong ảnh, giao gas đến một nhà hàng tại quận 1, TPHCM. Ảnh: Minh Tâm
Tại hội nghị lấy ý kiến doanh nghiệp phía Nam về dự thảo nghị định thay thế Nghị định 19 diễn ra cuối tuần trước, có khá nhiều doanh nghiệp bày tỏ lo ngại thị trường sẽ trở nên bát nháo, khó kiểm soát khi không còn bất kỳ điều kiện nào đối với thương nhân đầu mối, trạm chiết.
Ông Nguyễn Thế Nhân, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Ân ở Tây Ninh cho biết, ông cảm thấy lo lắng và bất an khi dự thảo nghị định đã bỏ hoàn toàn các điều kiện về trạm chiết nạp gas trong khi đây là ngành kinh doanh có điều kiện. Sự cởi trói quá đà này sẽ khiến các trạm sang chiết gas lậu sẽ mọc lên như nấm sau mưa (vì chỉ cần đầu tư hai tỉ đồng và ai bỏ bình vô cũng có thể bơm). Nguy cơ cháy nổ, theo ông Nhân, chắc chắn sẽ diễn ra. Vì vậy, ông Nhân đề nghị, sửa gì cũng được, nhưng quy định về trạm chiết phải giữ như Nghị định 19 (với một trong những điều kiện là phải thuộc sở hữu của thương nhân kinh doanh LPG đầu mối, tức là chỉ được sang chiết vào những bình gas thuộc thương hiệu của mình hoặc của thương nhân đầu mối khác có hợp đồng thuê chiết nạp).
Ông Nguyễn Quyết Thắng, đại diện Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) thì chỉ ra việc bãi bỏ quy định thương nhân xuất nhập khẩu, thương nhân phân phối phải sở hữu số lượng vỏ chai sẽ gây ra sự bát nháo trên thị trường. Bởi lẽ, đặc thù của kinh doanh mặt hàng gas là bán ruột đựng trong vỏ bình. Vỏ là quyền sở hữu của từng công ty. Khi không quy định về quyền sở hữu này thì ai cũng có thể thu gom vỏ bình trên thị trường rồi sang chiết.
Không chỉ vậy, theo bà Lê Tuyết Lan, phụ trách pháp lý của Total Gas, doanh nghiệp có vỏ bình bị chiếm dụng như vậy sẽ rất thiệt thòi, có khả năng không lấy lại được vì không có cơ sở pháp lý bảo vệ.
Một đại diện khác của Total thì phân tích, không quy định quyền sở hữu của doanh nghiệp với vỏ bình thì sẽ không ràng buộc được trách nhiệm của đơn vị sở hữu với chất lượng bình gas. Bình gas bị chiếm dụng thường bị cắt quai, mài vỏ để xóa dấu tích thương hiệu, phần chữ nổi (tên thương hiệu) vốn dày 3 mm thì chỉ còn 1,5 mm. “Có những bình bơm vô, chỗ chữ nổi phình lên. Có vấn đề gì chỉ người tiêu dùng chịu vì công ty bảo hiểm trong trường hợp này cũng không giải quyết”, đại diện Total nói.
Nguy cơ về an toàn cũng được chính Bộ Công Thương thừa nhận trong báo cáo đánh giá tác động về dự thảo nghị định thay thế nghị định 19 trình lên Chính phủ. Báo cáo này viết: “khi bỏ điều kiện thương nhân đầu mối phải sở hữu bồn chứa khí và sở hữu chai chứa LPG thì các thương nhân sẽ ít chú trọng hơn trong việc đầu tư sở hữu mà sẽ đi thuê của các thương nhân đã sở hữu. Thương nhân có thể thuê bồn chứa, chai chứa từ nhiều thương nhân khác nhau, do đó gây khó khăn hơn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý hoạt động này”.
Tương tự, việc bãi bỏ quy định thương nhân phải sở hữu trạm nạp được đánh giá là “có thể dẫn đến tình trạng vi phạm quy định phổ biến hơn như nạp vào chai LPG chưa đáp ứng đủ điều kiện lưu thông trên thị trường, chai không đáp ứng yêu cầu về đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và xác nhận quyền sở hữu hợp pháp. Chủ trạm nạp LPG vào chai chuyên chiết nạp thuê, không quan tâm chai LPG có nguồn gốc và đủ điều kiện an toàn hay không hoặc thương nhân thuê chiết nạp có đủ điều kiện kinh doanh hay không, ảnh hưởng tới chất lượng, thương hiệu, quyền lợi người tiêu dùng”.
[box] Sang chiết lậu tức là các trạm chiết thu gom các vỏ bình trên thị trường rồi thực hiện chiết nạp gas, dập bao bì giả lên. Các bình gas được sang chiết tại các trạm lậu không đủ trọng lượng, không được kiểm định về chất lượng trước khi ra thị trường như quy trình thông thường.
Cắt quai, mài vỏ: là việc các đầu nậu thu gom vỏ bình, thực hiện cắt phần quai và mài phần chữ nổi (là những vị trí in tên thương hiệu do công ty sở hữu tạo ra để khẳng định sở hữu) rồi bán lại với giá rẻ (chỉ bằng một phần ba đến một phần hai so với giá đầu tư ban đầu) cho các công ty không muốn bỏ tiền đầu tư vỏ bình. Chất lượng bình gas vì vậy bị giảm sút, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.[/box]
Trách nhiệm của cơ quan thực thi
Đại diện của Total chia sẻ, chỉ mới vài ba ngày trước khi hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp diễn ra, công an đã bắt một trạm sang chiết lậu ở Đồng Nai. Đáng chú ý, đây là lần bắt thứ hai sau lần thứ nhất vào tháng 10-2016. Lần đó, Bộ Công an trực tiếp bắt rồi giao cho Công an Đồng Nai tiếp tục xử lý. “Thay vì cấm luôn thì họ chỉ bị xử phạt 50 triệu đồng. Kết quả là trạm này tiếp tục tái phạm. Ở Long An, tôi biết có những trạm bắt – xử 5 lần mới dẹp được trong khi trạm đó không có giấy phép phòng cháy chữa cháy…”, đại diện này nói và đề nghị cần có biện pháp xử lý mạnh tay với trạm nạp vi phạm (rút giấy phép kinh doanh cũng như cấm hoạt động tại địa điểm đã bị phát hiện vi phạm) và cơ quan công quyền không làm đúng nhiệm vụ.
Ông Nguyễn Quyết Thắng nhấn mạnh khi cởi bỏ các điều kiện thì vai trò quản lý của Nhà nước phải được tăng cường, phải có nghị định đi kèm để xử phạt những vi phạm, nếu không, công tác quản lý sẽ rất khó khăn.
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương, đơn vị chủ trì soạn thảo dự thảo nghị định cho biết, các điều kiện về sở hữu, quy mô, tính tối thiểu đã được bãi bỏ ở dự thảo nghị định. Tuy nhiên, cơ quan quản lý đã bổ sung nhiều điều kiện về an toàn với trạm nạp, chứa khí; vận chuyển giao nhận; cửa hàng kinh doanh… Đặc biệt, cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm những gian lận, vi phạm, chẳng hạn như thu hồi giấy phép hoạt động; nâng cao tính thực thi công vụ, có điều khoản xử lý công chức làm sai. Đồng thời với việc ban hành nghị định mới về kinh doanh khí, Bộ Công Thương cũng đang tiến hành sửa đổi Nghị định 97 về xử lý vi phạm hành chính.