Chủ Nhật, Tháng mười hai 1, 2024

Những tuyệt tác thiên nhiên ở Cao Bằng được đề cử ‘Top 7 Ấn tượng Việt Nam 2022’

(SGTT) - Sông Quây Sơn, hồ Bản Viết, núi Thủng, mùa lúa chín ở Ngọc Côn, hồ Thang Hen... là những thắng cảnh của Cao Bằng được người yêu du lịch đề cử vào 'Top 7 Ấn tượng Việt Nam 2022". 

Cảnh sắc thơ mộng tại hồ Bản Viết

Hồ Bản Viết thuộc xã Phong Châu, huyện Trùng Khánh, là hồ nước nhân tạo rộng 5 ha, chia làm bốn nhánh và được bao bọc bởi những ngọn núi hùng vĩ. Hệ sinh thái quanh hồ đa dạng, phong phú, tạo nên một bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc, đầy thơ mộng.

Ảnh: Đan Khôi

Trong buổi bình minh, hồ Bản Viết hiện lên như tấm gương khổng lồ, mặt nước màu xanh ngọc bích lấp lánh dưới nắng vàng. Xung quanh là những cánh rừng sau sau ôm lấy hồ, mỗi mùa lại thay màu áo mới. Mùa Hạ rừng cây xanh thẳm, mùa Thu sẽ khoác trên mình màu áo đỏ lãng mạn đẹp tựa trời Âu.

Vẻ đẹp độc đáo của núi Mắt Thần

Núi Mắt Thần nằm tại xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, trong quần thể 36 hồ Thang Hen. Đây là điểm đến nổi bật của công viên địa chất Cao Bằng. Ngọn núi này còn được gọi bằng một cái tên khác là “núi Thủng”, do hình dáng bên ngoài của ngọn núi ở phía trên đỉnh có một hang thủng hình tròn tựa như “con mắt” của núi với đường kính hơn 50m.

Ảnh: Long Kiên

Núi Thủng nằm xen kẽ với các núi đá trập trùng, bên dưới được bao bọc bởi những vạt cỏ xanh mượt, uốn lượn tạo nên vẻ đẹp nên thơ, hiếm có.

Mùa lúa bên dòng Quây Sơn

Sông Quây Sơn bắt nguồn từ Quảng Tây (Trung Quốc) với hai nhánh chảy vào Việt Nam hợp lưu nhau tại xã Ngọc Khê (Trùng Khánh). Từ Ngọc Khê, con sông uốn lượn chảy qua các xã: Đình Phong, Chí Viễn, Đàm Thủy (huyện Trùng Khánh), qua huyện Hạ Lang rồi chảy về Trung Quốc.

Ảnh: Triết Steven

Dòng nước có màu xanh ngọc bích uốn lượn trải dài qua nhiều khu vực, có nơi ôm ấp lấy chân núi đá vôi sừng sững tạo thành khung cảnh sơn thủy hữu tình, chỗ lại nép mình dưới những khóm tre xanh mướt, có khúc lại như dải lụa mềm mại vắt qua cánh đồng lúa chín Phong Nặm, Ngọc Côn….

Màu xanh, sắc vàng của lúa trải dài trong cái nắng chiều khiến khung cảnh vùng biên viễn càng thêm bình yên, tươi đẹp.

Cảnh sắc hoàng hôn tại hồ Nà Tấu

Ảnh: Đan Khôi

Hồ Nà Tấu thuộc xã Bế Triều, huyện Hòa An cách trung tâm TP Cao Bằng khoả‏ng 10km theo hướng đi Pác Bó. Khoảnh khắc mặt trời đi xuống phía núi làm đỏ rực chân trời tạo nên cảnh sắc ấn tượng. Hồ nước trong xanh, thơ mộng nằm giữa cánh rừng luôn thay đổi màu sắc theo mùa là điểm đến vô cùng thu hút du khách.

Vẻ đẹp kỳ vĩ của hồ Thang Hen

Nằm trên độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, hồ Thang Hen như một "hòn ngọc trên núi" với cảnh đẹp kỳ vĩ và thơ mộng. Với vách đá dựng đứng thuộc địa hình cacxtơ của những dãy núi trùng điệp bao quanh hồ, nhiều khối đá bị xẻ tạo thành những chiếc răng bừa khổng lồ.

Ảnh: Long Kiên

Vào mùa lũ lớn, nước hồ tràn sang các thung lũng xung quanh tạo thành chuỗi 36 hồ nước. Giữa những mỏm núi cao hùng vĩ, Thang Hen nằm lọt thỏm như một chiếc gương xanh màu ngọc bích.

Đến với hồ Thang Hen, du khách có dịp đi thuyền trên mặt hồ, ngắm nhìn phong cảnh tươi đẹp hai bên với rừng núi bao bọc, thấp thoáng phía chân núi là những nếp nhà sàn truyền thống của bà con dân tộc Tày, Nùng đặc trưng của vùng đất Cao Bẳng.

Mùa lúa chín ở Ngọc Côn

Ảnh: Steven Triết

Những ngày Thu tháng 10, cảnh sắc "non cao nước biếc" ở xã Ngọc Côn, huyện Trùng Khánh hòa quyện cùng những cánh đồng lúa chín vàng tạo nên bức tranh thiên nhiên nên thơ.

Cảnh đẹp của thung lũng này lúc bình minh hay khi hoàng hôn buông xuống đều khiến du khách mê mẩn. Đặc biệt với góc nhìn từ trên cao, du khách sẽ có dịp “ngắm trọn” cảnh sắc thung lũng lúa vàng ấn tượng.

Như Quỳnh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Nhiều người quan tâm



Cùng chủ đề