Hà Bi-
Ngày 21-10 vừa qua, tại tòa nhà Liên hợp quốc, Hà Nội, đã diễn ra một buổi chiếu phim khá đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ, các thành viên đoàn làm phim, từ đạo diễn, quay phim, đến nhân vật trong phim, đều là người khuyết tật. Dù gặp một số hạn chế, khó khăn trong quá trình ghi hình, nhưng họ đã tạo ra được những bộ phim thú vị.
Nụ cười của những người đang nỗ lực “kéo gần” khoảng cách.
Thu hẹp khoảng cách
Với mục tiêu giúp những bạn trẻ khuyết tật có đam mê, yêu thích với truyền thông được trải nghiệm công việc mới mẻ, dự án Tập huấn truyền thông dành cho người khuyết tật, khởi đầu là khóa học mang tên “Truyền thông - thu hẹp khoảng cách”, đã ra đời.
Dự án được xây dựng bởi Trung tâm nâng cao năng lực cho người khuyết tật Nghị Lực Sống, phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam. Khai giảng vào tháng 5-2017 với 15 học viên khuyết tật, khóa học đã giúp kéo gần khoảng cách giữa thế giới của người bình thường và người khuyết tật.
Dự án mang đến cho các học viên những kỹ năng truyền thông cơ bản, tự tạo sản phẩm truyền thông để phản ánh góc nhìn và quan điểm bản thân về những vấn đề của chính cộng đồng mình, cũng như thế giới xung quanh một cách trực tiếp, hiệu quả tới xã hội.
Nửa năm bước vào hành trình làm quen với máy quay, mic thu âm, máy dựng, khung hình, cú máy… là khoảng thời gian những bạn trẻ thuộc khóa học tiếp cận với những điều mới lạ, nằm ngoài sức tưởng tượng.
Chị Lê Nam Hương (UNDP tại Việt Nam) chia sẻ: “Khi mình tham gia buổi chiếu nháp đầu tiên của các bạn, mình vô cùng ngạc nhiên. Trong thời gian học tập ngắn như thế, các bạn ấy có thể kể được câu chuyện mà các bạn mong muốn bằng những khung hình, cú máy rất tốt”.
Buổi chiếu tổng kết dự án “Truyền thông - thu hẹp khoảng cách”.
Cuộc sống người khuyết tật qua những thước phim
Sau 6 tháng tham gia khóa học, 15 học viên đã cùng nhau cho ra đời 4 phim tài liệu ngắn, với sự trợ giúp của các giảng viên và cán bộ dự án. Cả 4 phim này đều được chính tay các bạn lên ý tưởng, bàn bạc kịch bản, sản xuất, và tham gia dựng hậu kỳ.
Trong đó, câu chuyện cảm động của người mẹ khuyết tật nuôi con nhỏ trong bộ phim Nhật ký mẹ và con, với hình ảnh bà mẹ thấp lùn chăm sóc cô con gái 4 tuổi khỏe mạnh, đã chạm tới trái tim người xem.
Một bộ phim khác cũng gây xúc động cho người xem là phim Hôm nay em thế nào. Phim là tự sự về khao khát tình yêu của chàng thanh niên tên Kiệt - một thanh niên trai tráng ngồi trên chiếc xe lăn ngày ngày quanh quẩn trong không gian chật hẹp của căn phòng.
Cuối phim, chàng thanh niên mang theo khao khát có một tình yêu đẹp, khoác chiếc áo sơ mi trắng lao ra khỏi “cái hộp” bó buộc. Máy quay theo sau nhân vật này đã mở ra không gian rộng lớn của phố phường, cuộc sống.
Đó là hai trong số những thước phim gần gũi, chân thực về đời sống tinh thần của người khuyết tật. Khác với phong cách tài liệu của hai phim này là hai sản phẩm mang màu sắc truyền hình - Trải nghiệm xe lăn và Thức dậy trên mái nhà.
Trong đó, phim Trải nghiệm xe lăn mang đến người xem góc nhìn của người bình thường khi thử làm một người khuyết tật vận động, gặp khó khăn khi sang đường, lên cầu thang, đi xe buýt… với một chiếc xe lăn không ai giúp đỡ.
Những thước phim ngắn nhưng sống động về thế giới của người khuyết tật khiến khán giả nhận ra xã hội đã bất công như thế nào với những người không may mắn.
Sau quá trình học tập và sản xuất một sản phẩm truyền thông, anh Nguyễn Văn Hùng (29 tuổi, người sản xuất phim Thức dậy trên mái nhà) cho biết đã được thử sức ở vai trò làm MC, viết kịch bản, quay phim… Từ đó, anh biết được những kiến thức cơ bản về việc làm phim, như khung hình khi quay như thế nào, bố cục, chuyển cảnh cần những gì.
“Cũng nhờ thế mà mình biết cái gì mình giỏi, cái gì mình kém, cái gì phù hợp và không phù hợp. Khi quay phỏng vấn, mình cần quay góc ngang bằng, nhưng vì tôi thấp (anh Hùng có vóc dáng nhỏ bé như một học sinh lớp 5 - NV) nên phải nhờ người ta ngồi, mình đứng quay, hoặc nếu người ta đứng, mình phải đứng trên một cái ghế”, anh Hùng nói.
Mai Anh, cô gái nhỏ với đam mê lĩnh vực trang điểm chia sẻ, một trong những người tham gia khóa học, cho biết: “Em thấy hiểu hơn về mọi người và mọi người cũng hiểu hơn về em”.
Trần Phương Thảo, nhân vật được nhắc tên nhưng không xuất hiện mặt trong Hôm nay em thế nào, đã chia sẻ những cảm nhận rất riêng khi xem lần lượt các phim: “Đây là lần đầu tiên mình tham gia một dự án về truyền thông. Ban đầu mọi thứ đều lạ lẫm vì khoảng cách vẫn còn. Mình không phải người khuyết tật vận động, nhưng may mắn được chứng kiến quá trình thành hình của các phim. Bây giờ khoảng cách đó đã thu hẹp lại, chúng mình đã thân thiết với nhau hơn”.
Dự án đã giúp những người khuyết tật đến gần nhau hơn, đóng góp một phần nhỏ bé vào việc thu hẹp khoảng cách của những người khuyết tật với xã hội bên ngoài. Đây không chỉ là dự án đem người khuyết tật hòa nhập với thế giới, mà còn là cơ hội để người bình thường bước vào tìm hiểu thế giới đặc biệt của người khuyết tật.