(SGTT) - “Nếu hết đợt tình nguyện, thành phố vẫn chưa hết dịch, tôi vẫn tiếp tục tham gia và có thể sẽ tham gia thêm một vài hoạt động thiện nguyện hỗ trợ người dân gặp khó khăn mùa dịch”, Quỳnh Chi - một tình nguyện viên tham gia chống dịch chia sẻ.
- Nữ sinh Trà Vinh về quê, nấu nước mát mỗi ngày cho tuyến đầu chống dịch
- Tình nguyện viên nhỏ tuổi nhiệt tình hỗ trợ chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử
- Tình nguyện viên nhỏ tuổi nhiệt tình hỗ trợ chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử
Những ngày vừa qua, TPHCM ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao nhất từ trước đến nay. Đối mặt với những khó khăn đó, nhiều bạn trẻ mong muốn được đóng góp sức mình giúp đỡ công tác chống dịch. Cứ ngỡ công việc hỗ trợ chống dịch tại các điểm nóng sẽ vô cùng gian khó nhưng các bạn trẻ với trái tim nhiệt huyết và tinh thần xung phong đã xem đây chính là quãng thời gian bản thân được sống trọn vẹn tuổi trẻ của mình nhất.
“Nếu ai cũng sợ thì làm sao hết dịch”
Nguyễn Đặng Minh Thanh (19 tuổi, TPHCM) tham gia tình nguyện từ những ngày đầu dịch bùng phát tại TPHCM. “Thành phố mình bây giờ dịch bệnh quá phức tạp. Nhiều người vì dịch mà cuộc sống vô cùng bấp bênh. Vì vậy, tôi đã không ngần ngại mà đăng ký tham gia ngay. Mẹ tôi làm trong ban quản lý chợ nên hiểu rất rõ sự khó khăn của người dân, do đó mẹ đã ủng hộ tôi rất nhiều”, Thanh tâm sự.
Hiện tại, công việc của Thanh là hỗ trợ phường 2 (quận 5, TPHCM) trong công tác điều phối, đo thân nhiệt và nhập liệu. Những ngày đầu, Thanh không gặp quá nhiều khó khăn do đã được hướng dẫn cụ thể quy trình. Tuy nhiên, cô nàng cảm thấy đôi chút áp lực bởi số ca dương tính ngày một nhiều. “Biết rằng công việc này tồn tại nhiều rủi ro nên tôi cũng đã cố gắng giữ gìn sức khỏe một cách tốt nhất. Nhiều khi, tôi cũng có những nỗi sợ riêng, nhưng phải tự nhủ rằng nếu ai cũng sợ thì làm sao hết dịch được”.
Thanh còn nhớ rõ, ngày đầu cô nàng bước vào khu phong tỏa F0 để nhập liệu. “Lúc đó tôi sợ lắm vì nhà có bà ngoại lớn tuổi rồi nên phải cẩn thận từng li từng tí. Với những lần hỗ trợ lấy mẫu, cầm những tờ xác nhận dương tính mà thót tim. Nhưng bây giờ tôi đã khá quen thuộc với việc này”, Thanh kể.
Không chỉ tham gia hỗ trợ công tác chống dịch tại địa phương, Thanh cùng mẹ đã trao tặng các phần quà từ thiện cho bà con gặp khó khăn gồm rau, củ, gạo, trứng… Ban ngày, Thanh tham gia tình nguyện chống dịch. Đến tối thì phụ mẹ sắp xếp quà từ thiện và kiểm tra xem đồ có bị hỏng gì không. Thanh chia sẻ bản thân cảm thấy rất hạnh phúc khi được giúp đỡ lúc thành phố đang gặp khó khăn.
Sau khi được tiêm phòng Covid-19 với đầy đủ 2 mũi, Dương Quỳnh Chi (19 tuổi, TPHCM) sẵn sàng tham gia vào lực lượng hỗ trợ chống dịch. Chi chia sẻ: “Ban đầu tôi cũng có chút sợ. Nhưng tôi tự nhủ bản thân đã được chích ngừa rồi và nếu ai cũng sợ như mình thì ai sẽ dám đứng ra làm những công việc này. Với hiện tại đang thiếu tình nguyện viên nên khi có cơ hội thì tôi muốn được giúp một tay”.
Công việc hằng ngày của Chi là đo huyết áp, thân nhiệt và nồng độ máu cho người dân tại phường 19 (quận Bình Thạnh, TPHCM) đến tiêm vắc-xin. “Tôi rất khâm phục đội ngũ y bác sĩ thực hiện công tác tiêm vắc-xin. Họ làm việc hết công suất, đến từng lọ vắc-xin cuối cùng. Đôi khi có những bệnh nhân gây rối nhưng họ vẫn rất bình tĩnh giải quyết. Sau mỗi buổi làm, khi cởi bộ đồ bảo hộ ra, cả người tôi toàn mùi cồn và mồ hôi, tay chân bị bong tróc. Lúc đó tôi vô cùng cảm phục tinh thần quyết tâm của các y bác sĩ”, Chi tâm sự.
Khi được hỏi về những dự định sắp tới sau khi kết thúc đợt tình nguyện, Chi vui vẻ chia sẻ: “Nếu hết đợt tình nguyện, thành phố vẫn chưa hết dịch, tôi vẫn tiếp tục tham gia và có thể sẽ tham gia thêm một vài hoạt động thiện nguyện hỗ trợ người dân gặp khó khăn mùa dịch”.
Tuổi trẻ là những tháng ngày dấn thân
Trần Thị Thanh Thanh (19 tuổi, Hà Nội) hiện đang là sinh viên của Trường Đại học Y Dược TPHCM. Khi thành phố bùng phát dịch Covid-19, Thanh đã không gần ngại đăng ký hỗ trợ chống dịch. “Ba mẹ tôi rất ủng hộ tôi đi tình nguyện. Vì tôi cũng là một sinh viên ngành y tế nên với tôi trách nhiệm lớn nhất chính là giúp đỡ và bảo vệ sức khoẻ của mọi người”.
Sau những ngày tham gia hỗ trợ nhập liệu tại phường 10 (quận Phú Nhuận, TPHCM), Thanh nhận xét bản thân đã trưởng thành hơn và học hỏi thêm được rất nhiều kinh nghiệm quý giá.
“Dù những ngày đầu tôi còn khá lúng túng với công việc nhưng may mắn được các anh chị bên Đoàn luôn động viên, hỗ trợ. Tôi đã học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm vô cùng bổ ích cho ngành học và cả các kỹ năng tin học khác. Tôi nghĩ rằng các bạn trẻ khi có khả năng hãy nên tham gia tình nguyện. Bởi khi còn trẻ chúng ta nên làm phong phú hơn các trải nghiệm của mình và cũng đồng thời giúp ích cho cộng đồng để dịch mau kết thúc”, Thanh tâm sự.
Nguyễn Ngọc T. (20 tuổi, Tiền Giang) vẫn còn nhớ như in những ngày đầu đăng ký tham gia lấy mẫu xét nghiệm tại địa bàn quận Thủ Đức ngày 23-7-2021. “Đầu tiên là sợ, vì tôi không biết sẽ phải đối mặt với điều gì. Ngoài ra, tôi cũng rất háo hức về nơi làm việc sắp tới”, T. kể.
Với T., khoảng thời gian được sát cánh cùng đội ngũ nhân viên y tế để hỗ trợ chống dịch là những ngày tháng cô nàng được sống trọn vẹn nhất. Về kỷ niệm trong quá trình tham gia tình nguyện, T. tâm sự: “Hôm tôi nhận việc lấy mẫu tại Thủ Đức thì được xe chở đi. Dọc đường, khi bắt gặp đoàn xe thì có những người đi đường đã cúi người chào và vẫy tay cổ vũ. Khoảnh khắc đó khiến tôi chạnh lòng lắm. Đó là lúc tôi nhận ra tuổi trẻ thật đáng sống vì đã dám dấn thân khi Tổ quốc cần”.
Cũng như những tình nguyện viên khác khác, T. cũng có cho mình những dự định sau khi dịch bệnh được kiểm soát. “Tôi chỉ mong, Sài Gòn rồi sẽ trở về nhịp sống trước kia, một thành phố náo nhiệt và phồn hoa chứ không phải vắng vẻ như thế này. Khi nào hết dịch, tôi nhất định sẽ ăn món mình thích và không cằn nhằn mỗi chiều kẹt xe nữa”, T. tâm sự.
Bảo Trâm
bài viết thật cảm động
cảm ơn tác giả
Cám ơn Thơ. Hy vọng bạn sẽ tiếp tục đón đọc thêm nhiều bài viết của Sài Gòn Tiếp Thị.