(SGTTO) - Sau trận bão, nhiều làng chài ở các xã Bình Hải, Bình Trị, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi tan hoang. Mất mát, đau thương không làm những người đàn bà làng biển ngã gục. Chơi vơi rồi họ lại tự vực mình dậy.
- Gói yêu thương gửi đồng bào vũng lũ
- Dự báo bão số 10 sẽ suy yếu thành vùng thành áp thấp khi vào đất liền
Những người đàn bà trên cát biển
Những ngày lang thang dọc dải biển Quảng Ngãi, tôi nghe ngư dân đúc kết thật buồn: tỷ lệ đàn ông miền biển chết trẻ nhiều nhất, đàn bà góa nhiều nhất, số gia đình mắc nợ cao nhất... Bà Thuỷ, ngụ xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, cả cuộc đời gắn chặt với xóm chài. Từ nhỏ đến lớn bà sống vào việc đi mót cá vụn - thứ cá nhỏ các chủ thuyền hay vứt đi, có hôm thu về được rổ cá mang ra chợ bán chừng 40.000-80.000 đồng.
Mùa biển động coi như đói khô miệng. Căn nhà của bà Thuỷ rộng không quá 15m2. Chồng mất, bà ở với con trai 20 tuổi mắc bệnh down. Hôm nào bà cũng dậy từ hai, ba giờ sáng, ra bến mua cá, cắt rau về bán, thay chồng nuôi con.
Cơn bão số 9 vừa qua, khi người người nhà nhà làng biển này tất bật lo chạy bão, bà Thủy thoáng nghĩ nếu bỏ nhà để chạy đi thì tài sản chẳng còn. Bà vội đào cái hố chôn những vật dụng giá trị. Bếp, chén bát, quần áo… rồi trên người choàng chiếc áo mưa kéo tay con trai chạy thật nhanh. Nhưng đi được một đoạn, con trai mất hút. Cả xóm thấy vậy túa nhau ra tìm, cuối cùng cũng thấy con trai bà ngồi thẩn thơ trước bãi biển, bên cạnh là căn nhà nhỏ mái tôn vỡ nát theo từng đợt gió.
Chồng bà Thủy mất trong một lần lặn biển. Ghe thì hỏng, lại thêm nuôi con, nhiều lần bà cũng tính chuyện bỏ biển nhưng lấy gì mà sống, mà nuôi con? Do vậy, bà lại bám biển. “Tôi cũng không biết sức mình rồi sẽ trụ được bao lâu, chỉ lo cho đứa con tật nguyền không nơi nương tựa”, bà Thủy dụi mắt, cố ngăn tiếng nấc nghẹn.
Tôi nghe chuyện của bà, nhìn đôi bàn tay chai sần với những vết cắt của lưới, nghe giọng nói át cả tiếng sóng đặc trưng của người miền biển. Bà nói: “Mình là dân làng biển, biết rằng đôi lúc biển cả nổi cơn giận dữ nhưng không làm nghề biển thì còn biết làm gì hơn được. Mỗi lần ra biển, tôi lại như thấy cha, thấy chồng mình đang ở đó, nâng đỡ mình”.
Sau bão, bà Hai, 83 tuổi, ngụ xã Bình Trị, huyện Bình Sơn hôm nay đãi người khách lạ món cơm ghế khoai. Đây là món mà có lẽ nhiều người chỉ biết trong sách vở và qua lời kể của những người lớn tuổi trong khốn khó của một thời bao cấp ăn cơm độn. Hôm trước bà nấu 2 phần gạo, 1 phần khoai. Nhưng hôm nay có khách nên bà bụm thêm ít gạo để dễ ăn hơn.
Nhà bà Hai kế bên bãi biển. Bão vừa rồi đánh sập hết mọi thứ, nhà còn 4 bức tường. Nhưng chẳng bao giờ bà buồn, bởi quý nhất vẫn là sức khoẻ. Bà bảo cả xóm chài này 10 nhà thì cũng đến hơn phân nửa không còn nóc, không còn món tài sản nào.
Cho những mùa biển động
Miền Trung nhiều lắm những nhọc nhằn nơi sóng gió. Dọc dài trên dải đất oằn mình vì nắng rát bỏng, vì gió gọi gào, vì những cơn bão biển dập dồi sóng dữ, đâu đâu cũng thấy những ngôi mộ gió nằm im lìm. Ở đó, nơi những người đi biển mãi mãi không về, nén lại trong cát, nắng là những ánh mắt mòn mỏi đợi trông của biết bao người.
Những chiều khi trời chưa kịp tắt nắng, bóng dáng những người đàn bà làng biển lại dắt díu nhau ra mong ngóng. Con sóng cứ ào lên bạc đầu mãi như mái tóc của bao người thiếu phụ mất chồng trong những chuyến ra khơi. Đã bao lần đưa tiễn người đi, rồi lặng lẽ đón những tin buồn và sắp thành hàng dài những ngôi mộ không cốt không xương, chỉ có những hình nhân bằng giấy, bằng rơm rạ thay người còn đang lưng chìm giữa biển xa.
Người làng biển, họ sống tựa vào nhau bằng tấm lòng của những người luôn ở trước lằn ranh sống chết của cuộc mưu sinh. Những căn lều xiêu vẹo nghiêng đổ sau mỗi trận bão chẳng còn có những bàn tay người chăm chút lại, cứ nghiêng dần, nghiêng dần.
Bà Thủy, bà Hai cũng như nhiều người phụ nữ làng biển, phần lớn thời gian chủ yếu ở nhà nội trợ, chăm sóc con cái, nhà cửa và tranh thủ thời gian rảnh rỗi đợi tàu thuyền đi khơi trở về để làm một số công việc thời vụ, bán thời gian như: vá lưới, cạy hàu, bóc tôm… Khi tàu thuyền cập bến, nhiều người trong số họ phụ giúp chồng bán buôn các loại hải sản đánh bắt được hoặc đi phân loại cá, gánh cá thuê cho chủ tàu.
Cuộc sống khó khăn, công việc vất vả, chịu tác động của nắng gió biển khơi khiến người đàn bà làng biển ít có thời gian quan tâm, chăm sóc bản thân mình. Nhìn làn da họ sạm đi vì nắng, đôi tay thô ráp, chai sạn, thường khô nẻ vào mùa đông và những nhọc nhằn hằn in những nếp nhăn trước tuổi mới thấy hết được sự khắc nghiệt trong cuộc sống của họ.
Những người phụ nữ làng biển như bà Thủy, bà Hai Nếu không tựa vai nhau, không cố kết với nhau, thì khó lòng vững vàng trước những thách thức khắc nghiệt của cuộc mưu sinh. Tôi không hình dung được họ đã vượt qua những nỗi đau cuộc sống thế nào, chỉ thấy lạ là không thấy người nào tái giá, đi bước nữa. Có phải họ sợ cảnh lấy chồng đi biển, sợ một ngày lại ngất lên ngất xuống khi nghe tin một chiếc tàu nào đó không trở về hay không?
Bài và ảnh: Minh Ngọc – Lê Phong