Huế vốn có nhiều làng nghề truyền thống, tuy vậy những nghề thủ công đang có dấu hiệu mai một. Gần đây, dự án Co4Growth được triển khai, trong đó chủ đề vào năm 2022 là “Phụ nữ hợp tác – Kiến tạo tương lai” của Startup Vietnam Foundation (SVF) đang mang một làn gió mới cho nghề thủ công của xứ này.
- Về An Thuận xem làng nghề làm bánh cốm, truyền đến nay qua 13 thế hệ
- Về đất sen hồng thăm làng nghề hàng trăm năm tuổi
- Người thổi hồn cho Macramé
Dự án Maypaperflower – Hoa giấy nghệ thuật do chị Phan Ngọc Hiếu làm chủ đã đạt giải Dấu ấn, giải thưởng dành cho dự án có tổng số điểm cao nhất khi tham dự thuyết trình về dự án của mình.
Một trong những làng nghề truyền thống của Huế là làng hoa giấy Thanh Tiên. Sản phẩm hoa giấy Thanh Tiên thường được dùng trong các dịp lễ, hoặc thờ ông Táo, Thổ Công… Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ hoa giấy của thị trường giảm dần kéo theo thu nhập bấp bênh, thiếu ổn định, khiến nghề làm hoa giấy không đủ sức giữ chân người trẻ trong làng.
Với tình yêu dành cho những sản phẩm thủ công, chị Phan Ngọc Hiếu đứng trước bài toán làm sao vừa gìn giữ và phát triển nghề hoa giấy cổ truyền, vừa tìm một “làn gió mới”, phù hợp với nhu cầu khách hàng hiện tại.
Quan sát và nhận thấy tiềm năng những bông hoa giấy chưa được khai thác đúng mức, chị Hiếu quyết định thử nghiệm kết hợp hoa giấy và tranh trang trí, một sản phẩm vừa đủ hiện đại, có thể ứng dụng trang trí nhà cửa, vừa đủ tinh tế để làm nổi bật những giá trị nghệ thuật của làng nghề xứ Huế. Từ những ý tưởng đó, Maypaperflower đã ra đời vào tháng 4-2021.
Maypaperflower – một dự án “Start-up làng nghề truyền thống” đã kế thừa và có nhiều thay đổi trong thiết kế, kết hợp hoa thủ công với nghệ thuật đương đại nhằm cung cấp những sản phẩm trang trí mới, theo đánh giá của các giám khảo trong cuộc thi “Phụ nữ hợp tác – Kiến tạo tương lai”.
Qua gần hai năm kể từ lúc doanh nghiệp được thành lập, đến thời điểm hiện tại, các sản phẩm của chị Hiếu và các cộng sự không chỉ được người dân trong khu vực Thừa Thiên Huế yêu chuộng mà còn nhận được nhiều đơn hàng từ các tỉnh thành trong nước và quốc tế như châu Âu, Mỹ. Hiện sản phẩm hoa giấy của chị Hiếu đang được trưng bày ở showroom tại Kuala Lumpur (Malaysia) nhằm hướng đến khách hàng quốc tế. Malaysia là nước phát triển du lịch và hằng năm thu hút nhiều khách du lịch đến từ châu Á, châu Âu nên đây là địa điểm tốt đến bán hàng.
Ý tưởng của chị Hiếu cũng mang về cho mình giải nhì thiết kế sản phẩm thủ công Việt Nam năm 2022. Ngoài ra, Maypaperflower là một trong 29 doanh nghiệp toàn quốc tạo tác động xã hội được UNDP Liên hợp quốc và Chính phủ Canada hỗ trợ trong chương trình IseeCovid.
Đi xa cùng nghệ thuật đan dây thủ công Macrame
Chị Trương Thị Huyền và dự án HTM Macrame Factory đã giành giải Kiến tạo, giải thưởng dành cho dự án có điểm của cấu phần “Sức khỏe dự án” cao điểm nhất khi tham dự thuyết trình về dự án của mình.
Macrame là nghệ thuật từ những nút thắt dây thủ công từ những sợi dây cotton được thắt thành từng nút tạo nên những hoa văn đẹp. Macrame với hai tông màu chủ đạo là màu trắng và màu kem, mang đến vẻ đẹp đơn giản, nhẹ nhàng và có thể ứng dụng trong việc trang trí nội – ngoại thất. Tháng 5-2022, chị Huyền thành lập doanh nghiệp HTM Macrame Factory với các sản phẩm Macrame.
Từ những sản phẩm dùng trong gia đình, chị bắt đầu bán cho khách hàng và những khách du lịch quốc tế. Hiện nay, ngoài những sản phẩm macrame trang trí nhà cửa, HTM Macrame Factory còn phát triển thêm mảng dệt túi xách và đồ thời trang. Đồng thời, chị Huyền và các cộng sự cũng phát triển đội ngũ, sản phẩm và tìm kiếm những kỹ thuật phù hợp để rút ngắn thời gian sản xuất.
Không phụ quyết tâm và đam mê của chị, khi sản phẩm được đăng lên mạng xã hội, nhiều khách hàng yêu thích đã đặt đơn, và dần có những đơn hàng đến từ thị trường Thái Lan trong năm 2022.
Những đơn hàng đến từ các địa phương và quốc tế là như khẳng định hướng tiếp thị sản phẩm của chị Huyền đã đi đúng hướng. Doanh thu cũng thế mà tăng lên dần đều trong những tháng tiếp theo. Những đơn hàng xuất khẩu đi thị trường quốc tế như châu Âu, Mỹ, Brunei, Indonesia, Thái Lan đều nhận được phản hồi tích cực. Nhiều khách hàng quay trở lại có ý định muốn hợp tác lâu dài với những đơn đặt hàng lớn hơn. Hiện chị Huyền đang có kế hoạch đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử trong nước và xa hơn nữa là thử sức ở sân chơi thương mại điện tử quốc tế như Amazon, Etsy.
Có thể nói, hoa giấy nghệ thuật Maypaperflower của chị Hiếu hay nghệ thuật đan dây thủ công Macrame của chị Huyền là nét tích cực cho những làng nghề thủ công, không chỉ tại Huế mà các địa phương khác cũng có thể tham khảo để phát triển sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và mở rộng thị trường trong tương lai cho các ngành nghề thủ công tại địa phương.
Chương trình “Phụ nữ hợp tác – Kiến tạo tương lai” là sáng kiến tiếp nối trong khuôn khổ dự án Co4Growth (Collaboration for Growth) khởi xướng bởi Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam – Startup Vietnam Foundation (SVF) nhằm phát triển và cung cấp các gói hỗ trợ dành cho doanh nghiệp. Chương trình được tài trợ bởi Standard Chartered Foundation (SCF) để hỗ trợ các cộng đồng phục hồi sau đại dịch. Dự án là một phần của quỹ Futuremakers thuộc Standard Chartered, một sáng kiến toàn cầu nhằm giải quyết tình trạng bất bình đẳng bằng cách thúc đẩy hòa nhập kinh tế nhiều hơn cho những người trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2022, dự án Co4Growth (Collaboration for Growth) có chủ đề “Phụ nữ hợp tác – Kiến tạo tương lai” (Women Collaboration – Futures Creation) đã vinh danh 12 doanh nghiệp với những ý tưởng khởi nghiệp mới mẽ và hiệu quả.
Ngọc Hùng