Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024

Những hiệu sách cũ trên Facebook

(SGTT) - Các cửa hàng sách cũ là điểm đến ưa thích của những người mê đọc sách và sưu tầm sách. Giờ đây, với sự trợ giúp của mạng xã hội, hoạt động mua bán sách cũ trở nên nhộn nhịp hơn.

Với Facebook, người đọc không còn chờ đến khi rảnh rỗi mới tìm đến chỗ bán sách cũ mà chỉ cần lướt mạng là có thể chọn những quyển sách mình muốn. Các trang bán sách cũng nhận tìm hộ sách nếu khách có nhu cầu, và chỉ lấy thêm một chút tiền công.

Dễ dàng tìm được sách mình cần

Các tiệm sách cũ trên Facebook là nơi nhiều người chọn mua sách.

Khoảng năm năm trở lại đây, “chợ” sách cũ trở nên sôi động trên mạng xã hội và một số trang web. Các sàn thương mại điện tử cũng bán mặt hàng này, do liên kết với các chủ trang bán sách cũ.

Theo tìm hiểu, các đầu sách cũ bán trên mạng khá đa dạng thể loại. Người ta có thể tìm thấy những quyển sách xuất bản cách đây vài chục năm, kể cả những cuốn sách quý hiếm hoặc không còn tái bản.

Trong đó, được giới mê sách chuộng nhiều có thể kể đến những đầu sách lịch sử, biên khảo, văn học kinh điển… của các nhà in như Tân Việt, Mai Lĩnh, Sống Mới, Khai Trí, Tổ hợp Gió…

Riêng người đọc trẻ thường ưa thích những đầu sách cũ về văn học, xã hội, triết học in vào những năm 2000 của Nhà xuất bản Văn Học, Trung tâm văn hóa Đông Tây và một số nhà xuất bản có tên tuổi khác.

Ngoài ra, người đọc cũng tìm kiếm những đầu sách chuyên ngành, sách học ngoại ngữ, nuôi dạy trẻ, truyện tranh.

Thông thường giá sách cũ bằng một phần ba hoặc một nửa giá bìa, và cao hơn giá bìa nếu là sách khó tìm. Sách trước năm 1975 hiện nay có giá bán từ vài chục ngàn đồng đến vài triệu đồng một cuốn.

Chẳng hạn, tác phẩm “Trước đèn” của nhà văn Lãng Nhân được bán với giá 1,2 triệu đồng; các tác phẩm văn học của nhà văn Thạch Lam như “Theo giòng”, “Sợi tóc” được bán với giá từ 800.000 đồng. Những đầu sách sau 1975 sẽ có giá “mềm” hơn.

Một số người chuyên tìm mua sách cũ cho biết cái thú của việc này là sau khi đọc có thể truyền tay, trao đổi cho người khác để thường xuyên được đọc sách mới. Sách cũ lấy từ nhiều nguồn, từ các nhóm bán sách cũ trên mạng, người quen thanh lý, ve chai... ở TPHCM và nhiều nơi như Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Không chỉ bán sách cũ, người bán còn chia sẻ trên fanpage các bài bình luận về sách và tiểu sử của tác giả.

Các trang bán sách cũ còn là nơi cộng đồng yêu sách đăng tải những cảm nhận về những quyển sách đã đọc, cập nhật thông tin mới về sách.

Vì bán trên mạng nên các chủ trang này và người dùng mạng xã hội tương tác hằng ngày, tạo thành sân chơi khá bổ ích.

Các phố sách cũ

Tùy theo chất lượng và độ quý hiếm, sách cũ có nhiều mức giá bán khác nhau. Ảnh: Momo Bookstore

Gọi là phố sách cũ nhưng hiện nay các con đường bán sách cũ tại TPHCM đã không còn nhiều tiệm bày bán.

Tuy nhiên, người yêu sách vẫn tìm tới một số con đường như các đường sách Nguyễn Văn Bình ở quận 1, Trần Nhân Tôn (quận 5), Trần Huy Liệu (quận Phú Nhuận); một vài tiệm sách cũ ở đường Lê Trọng Tấn (quận Tân Phú), Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp).

Ở đường Trần Nhân Tôn, người đọc có thể tìm thấy đa dạng đầu sách. Nhưng nhiều nhất vẫn là dòng sách văn học, kinh tế, văn hóa với giá bán từ vài chục ngàn đồng một cuốn. Những đầu sách văn học hiện đại nổi tiếng, ví dụ của nhà văn Mạc Ngôn, Murakami Haruki… thường được tìm mua nhiều.

Tương tự, con đường Trần Huy Liệu cũng là nơi người yêu sách ghé đến. Sách giáo khoa cũ, nhất là những bộ sách in vào những năm 1990 trở về trước, cùng với sách tiếng Nga, tiếng Pháp cũng bán chạy vì người mua mua về để ôn lại kỷ niệm thời còn đi học hoặc cho con cái tham khảo.

Những tiệm này còn có nguồn truyện tranh cũ phong phú, chủ yếu là tranh truyện Nhật Bản cách đây khoảng hai mươi năm lại như Nhóc Maruko, Cô bé hạt tiêu, Siêu quậy Teppi, Nữ Hoàng Ai Cập, Cô bé chăm chỉ… vì nội dung vui nhộn và có tính giáo dục cao.

Chúng có giá rẻ hơn giá bìa nếu chất lượng sách không còn tốt hoặc không đủ bộ. Truyện đủ bộ thường sẽ cao hơn giá bìa do công sức thu mua, sưu tầm của chủ tiệm.

Người đọc có thể tìm mua sách cũ ở một số trang như Momo Bookstore, Cảo Thơm, Sách cũ ABC, Tiệm sách truyện cũ Casanova, Sách cũ Xí Muội, Sách cũ Thư Viện. Ngoài ra, người đọc cũng có thể tìm sách hoặc bán lại sách cũ ở những nhóm trên Facebook như Hội trao đổi mua bán sách cũ, Mua bán sách cũ online, Chợ mua bán sách cũ, Mua bán sách cũ – sách hiếm… Chỉ cần gia nhập hội, đăng loại sách và hình sách cần tìm, người bán sẽ nhắn tin chào hàng.Để mua sách cũ trên các trang bán sách, người mua “đặt gạch” với chủ trang rồi thỏa thuận về việc giao hàng, phí vận chuyển. Người mua có thể chuyển khoản thanh toán trước hoặc trả tiền sau khi nhận được sách. Lưu ý nên hỏi rõ tình trạng sách, yêu cầu hình chụp thực tế của sách, tình trạng bìa, sách thật hay sách nhái để không phải mua nhầm quyển sách không ưng ý.

Huyền Cao – Ngọc Khánh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Sách cũ – ai bán, ai mua?

0
DIỄM MI - Dạo trước đây, nhiều người chọn bán sách cũ là công việc mưu sinh của mình. Không cần nhiều vật dụng,...

Không gian cũ cho người yêu sách mới

0
DIỄM MI - Ở Sài Gòn, việc tìm kiếm một không gian yên tĩnh để đọc sách đôi khi còn quan trọng hơn nội dung...

Kết nối