(SGTT) - Sốt xuất huyết đang bước vào mùa cao điểm khi hàng chục ngàn bệnh nhân nhiễm bệnh. Đáng lưu ý, phần lớn các trường hợp bệnh diễn tiến nặng do người bệnh chủ quan, tự điều trị tại nhà hoặc không dám đến bệnh viện để khám do sợ dịch Covid-19, điều này tiềm ẩn nguy cơ dịch chồng dịch tại các tỉnh phía Nam.
- Số ca tử vong do sốt xuất huyết tăng, bác sĩ chỉ ra dấu hiệu cần đến viện ngay
- Sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng, Bộ Y tế chỉ cách phòng bệnh
Theo các chuyên gia y tế, nếu phát hiện và điều trị theo đúng phác đồ, sốt xuất huyết sẽ có khả năng khỏi bệnh và không để lại nhiều di chứng. Tuy nhiên, nhiều người hiện có các nhận thức chưa đúng về bệnh, dẫn đến những hậu quả khôn lường cho tính mạng. Dưới đây là giải đáp về những hiểu lầm tai hại khiến người mắc sốt xuất huyết diễn tiến bệnh nặng.
Sai lầm 1: Sốt xuất huyết không có nguy cơ tử vong như Covid-19
Dịch sốt xuất huyết diễn ra đúng vào thời điểm Covid-19 bùng phát mạnh, khiến nhiều người trì hoãn việc điều trị với tâm lý lo ngại khi đến các cơ sở y tế. Một số bệnh nhân nghĩ rằng sốt xuất huyết chỉ là một bệnh truyền nhiễm, không có nguy cơ tử vong cao như Covid-19.
Tuy nhiên, sốt xuất huyết và Covid-19 là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra với các biểu hiện ban đầu giống nhau. Hai bệnh đều có dấu hiệu khởi phát gây nhầm lẫn như sốt cao đột ngột, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi các khớp... nhưng sốt xuất huyết và Covid-19 có yếu tố dịch tễ, đường lây truyền, cũng như bệnh cảnh hoàn toàn khác nhau. Cụ thể, sốt xuất huyết lây qua đường máu do muỗi truyền, còn Covid-19 lây từ người sang người (qua đường hô hấp) khi tiếp xúc gần với những giọt bắn.
Sốt xuất huyết có những biểu hiện khác như da xung huyết, nổi mẩn, phát ban, nhức hai hố mắt sau nhãn cầu… Trường hợp sốt xuất huyết ở mức độ nặng có thể gây ra biến chứng nặng như xuất huyết nội tạng, tổn thương não, tổn thương gan thận, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện kịp thời.
Đối với dịch Covid-19, ngoài yếu tố dịch tễ có tiếp xúc với người nhiễm virus SARS-CoV-2, người bệnh có biểu hiện viêm đường hô hấp như đau họng, ho, khó thở, mất vị giác… đồng thời, bệnh nhân mắc Covid-19 có nguy cơ bị xơ hóa phổi - tình trạng các mô trong phổi bị tổn thương, mất chức năng đàn hồi và tạo thành sẹo ở phổi. Tình trạng này tùy thuộc vào từng cơ địa, lứa tuổi, bệnh nền và mức độ tổn thương phổi nặng hay nhẹ.
Sai lầm 2: Chỉ trẻ em và người lớn tuổi mới dễ mắc bệnh sốt xuất huyết
Người già và trẻ em có nguy cơ mắc sốt xuất huyết cao vì hệ miễn dịch của nhóm đối tượng này mỏng manh và yếu ớt, nghĩa là có ít khả năng đề kháng chống lại các tác nhân gây bệnh bên ngoài. Tuy nhiên, với sốt xuất huyết, ngay cả những người khỏe mạnh cũng có thể mắc bệnh và xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng.
Sai lầm 3: Bệnh nhân không thể mắc sốt xuất huyết và Covid-19 cùng một lúc
Các chuyên gia nhấn mạnh trên thực tế, mọi người vẫn có thể nhiễm hai chủng virus khác nhau, nghĩa là người nhiễm virus SARS-CoV-2 cũng có thể mắc bệnh sốt xuất huyết cùng một lúc, đây là hiện tượng gọi là đồng nhiễm. Việc nhiễm hai chủng virus cùng một lúc có thể làm tình trạng bệnh tiến triển nặng, kéo dài thời gian phục hồi sau khi điều trị khỏi hoặc gây ra những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Sai lầm 4: Sốt xuất huyết chỉ mắc một lần trong đời
Nhiều người truyền miệng nhau rằng bệnh sốt xuất huyết chỉ mắc một lần sẽ có khả năng miễn dịch suốt đời. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, điều này hoàn toàn không đúng.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch, do virus Dengue gây ra với 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4 và mỗi kiểu huyết thanh có ít nhất là 4 kiểu gen khác nhau. Virus truyền từ người bệnh sang người lành thông qua vết muỗi đốt từ muỗi vằn có tên khoa học là Aedes aegypti. Vì vậy, bệnh nhân nhiễm chủng nào, chỉ có khả năng tạo miễn dịch với chủng đó. Một người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần trong suốt cuộc đời với 4 tuýp virus khác nhau.
Minh Thảo
Theo Times of India, Healthline