Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Những gợi mở để ‘kéo’ khách du lịch từ miền Trung đến miền Tây

Những người làm du lịch tại Đồng bằng sông Cửu Long (hay còn gọi là miền Tây) đang có mặt tại miền Trung để quảng bá sản phẩm du lịch cũng như “nhờ” những người làm du lịch nơi đây gợi ý, chia sẻ bí quyết để có giải pháp đủ tốt để thu hút khách từ miền Trung.

Anh Phạm Đình Ngãi, một trong hai sáng lập viên của Sokfarm – cơ sở sản xuất các sản phẩm từ mật hoa dừa tại tỉnh Trà Vinh – cho hay Sokfarm ra đời với mong muốn nâng cao giá trị kinh tế, cải thiện kế sinh nhai cho nông hộ trồng dừa tại Trà Vinh cũng như tạo ra chuỗi sản phẩm đem đến sức khỏe cho người tiêu dùng.

Đại diện ĐBSCL giới thiệu khăn rằn Nam bộ đến khách tham quan tại gian hàng giới thiệu sản phẩm, dịch vụ du lịch ĐBSCL tại khách sạn Eden Plaza Đà Nẵng ngày 18-8. Ảnh: Nhân Tâm

“Sokfarm có nghĩa là hạnh phúc cho nông nghiệp, nông dân”, anh Ngãi chia sẻ tại Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với các tỉnh, thành miền Trung diễn ra chiều 18-8 tại thành phố Đà Nẵng. Vị doanh nhân trẻ này cho biết thêm bên cạnh sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm từ mật hoa dừa như nước giải khát, nước tương…, cơ sở còn tổ chức cho các nhóm khách đến tìm hiểu và trải nghiệm cách mát-xa hoa dừa để thu mật hoa dừa – một phương pháp truyền thống của người Khmer.

Theo anh Ngãi, sản phẩm khởi nghiệp của Sokfarm phù hợp với xu thế hiện nay là nương tựa vào thiên nhiên và phù hợp trong hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu nên nhận được sự quan tâm của các đoàn khách quốc tế.

“Những sản phẩm khác biệt như tại Sokfarm cần được phát triển nhiều hơn để thu hút khách đến miền Tây”, ông Phạm Đình Hoàng, Giám đốc Havi Travel, đưa ra gợi ý tại sự kiện. Vị doanh nhân thường xuyên đưa khách đến ĐBSCL này chia sẻ thêm trong thời gian qua khách du lịch từ miền Trung đến miền Tây và ngược lại chưa có sự ổn định và đều đặn do chưa tạo được dấu ấn riêng. Những tour 6 ngày 5 đêm hay 5 ngày 4 đêm có những sản phẩm na ná giống nhau chưa kể cơ sở lưu trú vẫn chưa đáp nhu cầu.

“Tại sao chúng ta không thu hút khách quốc tế đến tham quan cả miền Trung và miền Tây”, ông Hoàng đưa ra một gợi ý khác và giải thích trong khoảng 11-12 ngày ở Việt Nam, họ có thể trải nghiệm miền Trung và miền Tây thông qua các chuyến bay hiện nay giửa Đà Nẵng và Cần Thơ.

Khu Du lịch Cồn Chim ở Trà Vinh. Ảnh: TL

Cải thiện cơ sở hạ tầng lưu trú và tăng trải nghiệm khác biệt cũng là những gợi ý từ các doanh nghiệp du lịch như Vietravel – Chi nhánh Đà Nẵng hay Vitraco. Ông Nguyễn Hồng Tuấn từ Vitraco gợi ý “Chúng ta có thể ăn trái cây miền Tây ở khắp nơi, nhưng trải nghiệm ăn trái cây ở ngày chính miền Tây thì khác biệt. Bên cạnh đó, tại các nhà hàng ở miền Tây tổ chức các màn biểu diễn giới thiệu văn hóa đặc sắc nơi đây cũng là điều khác biệt. Tất cả đều phục vụ mục đích làm sao kéo khách quay trở lại”.

Đứng ở vai trò quản lý nhà nước một điểm đến ở miền Trung, ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, cho hay nông nghiệp, văn hóa, sinh thái, ẩm thực là những thế mạnh mà các địa phương tại hai vùng này có thể hợp tác để phục vụ khách du lịch. Ông Phúc đưa ra gợi ý tổ chức những hoạt động giao lưu về sen giữa Huế và Đồng Tháp – hai địa phương nổi tiếng về sen – để phục vụ cho du khách.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, nhận định trong các yếu tố tạo sự khác biệt cho một điểm đến du lịch, sự kiện đóng vai trò quan trọng. Ông gợi ý các tỉnh, thành ĐBSCL có luân phiên làm 12 sự kiện khác nhau trong năm để thu hút du lịch. “Sản phẩm du lịch thông qua sự kiện là linh hoạt nhất một phần vì không tốn nhiều chi phí để đầu tư cơ sở hạ tầng”, ông Bình chia sẻ.

Chia sẻ tại hội nghị, đại diện đến từ ĐBSCL thông tin loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, biển đảo, MICE, văn hóa – lịch sử, tâm linh, cộng đồng, nông nghiệp…là sản phẩm đặc trưng và thu hút khách du lịch của vùng ĐBSCL. Cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, du lịch ĐBSCL có những bước phát triển và phục hồi mạnh mẽ sau dịch bệnh Covid-19.

Năm 2022 du lịch ĐBSCL thu hút hơn 37 triệu lượt khách, doanh thu du lịch của vùng đạt hơn 32.000 tỉ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, ĐBSCL đón gần 27 triệu lượt khách, tăng 133,6% so với cùng kỳ; tổng doanh thu du lịch hơn 28.000 tỉ đồng, tăng 191,4% so với cùng kỳ.

“Mặc dù có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, tuy nhiên, du lịch ĐBSCL phát triển chưa tương xứng, lượng khách và doanh thu du lịch còn khiêm tốn so với các tỉnh, thành cũng như các vùng miền trong cả nước”, ông Nguyễn Quỳnh Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho hay.

Ông cho biết thêm, các tỉnh, thành ĐBSCL cần chú trọng đến công tác quảng bá, xúc tiến du lịch và kết nối với các tỉnh, thành trong cả nước nhất là đối với thị trường du lịch tại miền Trung để liên kết phát triển du lịch. Vì vậy, ông hy vọng tại hội nghị diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa các địa phương miền Trung và miền Tây cũng như giữa các doanh nghiệp là cơ hội để tăng lượng khách đến với hai vùng này.

Nhân Tâm

Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Hội chợ Du lịch Quốc tế TPHCM năm 2024 sẽ có...

0
(SGTT) - Hội chợ Du lịch Quốc tế TPHCM lần thứ 18 (ITE HCMC 2024) sẽ diễn ra từ ngày 5-9 đến 7-9, tại...

Đà Nẵng quảng bá du lịch MICE và golf tại Hàn...

0
(SGTT) - Sở Du lịch Đà Nẵng cùng các bên liên quan vừa tổ chức chương trình giới thiệu du lịch tại Seoul, Hàn...

Hội chợ ITE HCMC 2023: Nhiều ưu đãi, trải nghiệm du...

0
(SGTT) - Theo ghi nhận của nhóm báo Kinh tế Sài Gòn, hội chợ Du lịch quốc tế TPHCM (ITE HCMC 2023) năm nay...

Thanh Hóa đẩy mạnh xúc tiến, thu hút khách du lịch...

0
(SGTT) - Chiều 3-8-2023, tại thành phố Thanh Hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hội...

Ngành du lịch tổ chức nhiều hoạt động để tìm nguồn...

0
Thời gian gần đây, các đơn vị liên quan đã tổ chức nhiều hoạt động để tìm nguồn nhân lực và những cơ hội...

Đà Nẵng mở gian hàng quảng bá du lịch tại Ấn...

0
Hội chợ du lịch và lữ hành Nam Á lần thứ 30 SATTE 2023 với quy mô hơn 1.400 gian hàng diễn ra tại...

Kết nối