(SGTT) - Hồi nhỏ, mới đầu tháng Chạp đã chờ tết tới. Bây giờ, càng lớn càng sợ tết. Thế nhưng tết bắt đầu từ đâu và cái gì đã tạo ra tết trong lòng mỗi người Việt Nam?
Tết mang lại nhiều niềm vui: quần áo mới, tiền lì xì, có thịt kho tàu và gà xé phay ăn cho sướng cái miệng. Lại nữa, tết là thêm một tuổi cho mau lớn với người ta. Bây giờ, càng lớn càng sợ tết. Thế mà tết vẫn cứ đến như giỡn với tuổi đời của mình. Trên 60 mươi “que” bắt đầu chiêm nghiệm về cái gọi là tết hay nói đúng hơn là tết bắt đầu từ đâu?
Bình tĩnh mà suy xét thử xem cái gì đã mang đến không khí tết trong khi tháng Chạp chỉ mới bắt đầu, khi mà lòng biết rộn ràng “chu cha, còn tháng nữa tết rồi, phải chuẩn bị lo sốt vó đây”. Bỗng dưng lẩn thẩn thấy tội nghiệp cho tháng 12 âm lịch này, một cái tháng ít khi được gọi đúng theo số tên gọi của nó.
Trong dương lịch, người ta thường nói là tháng 11 rồi tháng 12. Nhưng bắt đầu từ tháng 12 âm lịch, tên gọi theo số thứ tự đã biến mất. Thay vào đó, khoảng hai mươi ngày đầu người ta sẽ gọi là tháng Chạp và khoảng mười ngày cuối thì người ta thường thêm chữ tết phía sau, như 23 Tết, 27 Tết chứ chẳng ai ở không, đi ngược lại thói quen của cả cộng đồng để nói là 23 tháng 12 hay 27 tháng 12. Dầu sao nói 23 Tết, 23 tháng Chạp vẫn dễ nghe, ngắn gọn và có không khí hơn là nói 23 tháng 12 Âm lịch thì nghe nó thật là… âm lịch.
Ngay cả nhà thơ Bùi Giáng – dù được cho là điên – cũng rất là bừng tỉnh trong thơ khi viết về tháng 12 Âm lịch:
Tạ từ tháng Chạp quay nghiêng
Âm trang sử lịch thu triền miên trôi
(Mắt Buồn)
Trên những sạp báo heo hút còn sót lại, hay trên mặt lề đường là rộn ràng những tờ báo xuân đầy màu sắc của tết. Ờ, thì tết cũng có màu chứ. Chính các tờ báo vô hình trung đã đồng ý tết là phải có màu vui. Theo tôi, những người chuẩn bị tết sớm nhất, lo cho ngày tết nhiều nhất ấy là các tờ báo. Từ ngày xưa cho tới bây giờ, báo miền Bắc hay báo miền Nam (trừ báo nước ngoài) đều chuẩn bị số báo tết từ tháng 11 Dương lịch. Năm nay còn chuẩn bị vào tháng 10 vì tết đến sớm. Tại sao mới tháng 11 mà phải chuẩn bị cho tết? Để có báo bán trong tháng 1 năm mới - là những ngày nằm trong tháng Chạp, nhà báo phải viết bài, phải phỏng vấn và phải… tưởng tượng nàng xuân đến bên cửa sổ từ năm ngoái.
Tết là phải nói chuyện ăn. Gần như đây là phần chính của tết. Ăn tết mà chứ đâu có ai nói chơi tết. Vậy thì muốn có tết các bà cùng nhau đồng lòng đi chợ. Ậy, bây giờ cánh đàn ông chen vào siêu thị cũng không kém. Chợ thì có Bến Thành, Tân Định, Bình Tây… cộng với các chợ lớn nhỏ có tên và không có tên trong khắp thành phố.
Tết bắt đầu từ chợ. Chính chợ đã tạo nên không khí mua sắm, rạo rực của ba ngày xuân. Đủ thứ hàng hóa như quầy thực phẩm khô bán lạp xưởng, thịt lạp, mứt gừng, mứt bí, mứt me, thèo lèo - cứt chuột. Những gian hàng bán rượu tây như Martel, Cognac, Ngũ Gia Bì, Mai Quế Lộ làm những ông khách đi ngang nhìn mà muốn… xỉn.
Tết cũng là dịp nói chuyện xin chữ thánh hiền. Nếu ngày xưa, ở Hà Nội ta có những ông đồ cho chữ thánh hiền rồi có một quãng thời gian sau hình ảnh đẹp, mang đầy văn hóa tinh thần đó biến mất mà bây giờ mới được phục hồi lại thì những người ngồi viết liễn ở Chợ Lớn chưa bao giờ bị mất đi như là một truyền thống đẹp của tết.
Dọc con đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5, những cái bàn nho nhỏ, treo đầy liễn đỏ xuất hiện là người ta biết tết đã về. Những người viết chữ cầu may không mặc áo the, đầu không đội khăn đóng - chỉ quần áo bình thường như mọi ngày, bày một cái bàn nhỏ chung quanh treo đầy những tờ giấy hồng điều đã viết sẵn chữ. Người mua được quyền chọn khổ giấy to nhỏ rồi người viết liễn sẽ dùng cọ tàu chấm mực đen hay nhủ vàng viết những chữ Hán có nội dung như “Ngũ Phước Lâm Môn”, “Phước Lộc Thọ”… để dán trước cửa nhà, hoặc chỉ cần một chữ Phước trên mảnh giấy hồng điều để dán lên những trái dưa hấu cầu may.
Xe cộ ngoài đường đua chen tấp nập. Không biết xe từ đâu mà đông dữ vậy. Góp phần không nhỏ trong chuyện kẹt đường, kẹt xá là những chuyến xe chở đầy những gói quà màu đỏ đặc trưng của quà tết ngược xuôi trên đường.
Rồi có xe mà yên sau được chế thành một cái đế sắt to và những chậu mai vàng chễm chệ trên đó. Thoạt nhìn người ta tưởng như là cây mai biết chạy từ những tụ điểm bán hoa trong thành phố đến từng ngôi biệt thự.
Những cái tết ngày xưa và ngày nay cũng không khác nhau chi cho lắm mặc dù những những kẻ đã “già” không còn mong ngóng tết như ngày xưa còn bé. Mỗi mùa xuân, tết đến chất chồng lên vai trĩu nặng gánh nợ đời… Nhưng mà nhìn con, cháu vui tết, lòng vẫn thấy lâng lâng khi nghe mùi nhang trầm bàn thờ gia tiên trong khoảnh khắc chuyển giao năm mới và năm cũ.
Lạ thiệt nha!
Lê Văn Nghĩa