Thứ hai, Tháng tư 21, 2025

Những câu chuyện cổ tích được viết lại

Quỳnh Nga -

Cho đến thời điểm này, các sân khấu ở TPHCM mới chỉ có hai vở kịch dành cho thiếu nhi trong mùa hè. Một sự trùng hợp khá thú vị khi cả hai đều là những câu chuyện cổ tích được viết lại và được nhà sản xuất đầu tư mạnh cho phần phục trang nhân vật.

Ho_ng-t_,-c_ng-ch_a-v_-9-v_-th_n-à-b_-b_t,-v_-di_n-__y-m_u-s_c-d_nh-cho-thi_u-nhi-m_a-h_-n_m-nayHoàng tử, công chúa và 9 vị thần… bị bắt, vở diễn đầy màu sắc dành cho thiếu nhi mùa hè năm nay.

Đánh dấu cột mốc 30 vở diễn của chương trình Ngày xửa ngày xưa, vở diễn mùa hè 2017 trở lại với những câu chuyện cổ tích Việt Nam có tên Hoàng tử, công chúa và 9 vị thần... bị bắt (tác giả Minh Phương, đạo diễn Vũ Minh). Được viết dựa trên tích Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ. Vở diễn kể về cuộc chiến đấu chống lại cái ác, cái xấu của năm hoàng tử, công chúa nhỏ tuổi ở đất nước Phong Châu. Để cứu đức vua và hoàng hậu bị thần Bóng Đêm bắt cóc, năm anh em đã vượt qua nhiều thử thách bằng lòng dũng cảm và tình yêu thương. Câu chuyện về những công chúa, hoàng tử nhỏ bé gửi gắm thông điệp gần gũi, phù hợp với tâm hồn của trẻ thơ là mỗi người phải tự làm tất cả những phần việc vừa với lứa tuổi và sức lực của mình, đừng ỷ lại trông chờ vào người khác.

Vốn có thế mạnh trong dàn dựng những vở diễn tiết tấu nhanh, mạnh, Hoàng tử, công chúa và 9 vị thần… bị bắt được đạo diễn Vũ Minh đưa vào nhiều màn đánh trống, đấu võ… sôi động và hào hứng. Cũng như tất cả những vở diễn khác trong chương trình Ngày xửa ngày xưa, câu chuyện kịch sẽ được tô điểm thêm những sắc màu thú vị bằng sáu ca khúc mới do nhạc sĩ Cao Minh Thu sáng tác dựa trên nội dung câu chuyện và yêu cầu của đạo diễn.

Thách thức lớn nhất ở vở diễn này là khả năng hóa thân của diễn viên. Những diễn viên đã bước qua tuổi thơ khá lâu: nghệ sĩ ưu tú Mỹ Duyên, Lê Khánh, Đình Toàn, Đức Thịnh… trở thành những công chúa, hoàng tử từ 8 đến 15 tuổi. Dù có là những cô bé, cậu bé dũng cảm, dám đối mặt với cái xấu thì sự hồn nhiên, trong trẻo vẫn không thể thiếu ở mỗi nhân vật. Chỉ khi những khán giả nhỏ tuổi tin các công chúa, hoàng tử trên sân khấu chỉ “to xác nhưng vẫn là trẻ thơ” thì câu chuyện mới có thể hấp dẫn các bé.

Năm nay sân khấu Trịnh Kim Chi cũng “góp mặt” trong mùa kịch hè dành cho thiếu nhi với vở Lọ Lem truyền kỳ. Vẫn là các nhân vật quen thuộc của câu chuyện nàng Lọ Lem, nhưng Lọ Lem truyền kỳ lại bắt đầu từ sự kiện nàng Lọ Lem mang vừa đôi giày xinh đẹp. Những tưởng nàng sẽ hạnh phúc khi trở thành vợ của hoàng tử nhưng không ngờ, Lọ Lem lại phải đối mặt với một cuộc chiến mới của lòng ganh ghét, ích kỷ.

Với sắc màu cổ tích, Lọ Lem truyền kỳ được dàn dựng theo hình thức ca múa nhạc kịch nhiều màu sắc và những chi tiết vui nhộn, hài hước, ra mắt từ mùa kịch tết 2017 và là một trong những vở diễn ăn khách nhất của sân khấu Trịnh Kim Chi cho đến thời điểm này. Có rất nhiều yếu tố phù hợp với thiếu nhi từ nội dung câu chuyện, cách dàn dựng, trang trí sân khấu, phục trang… nên Lọ Lem truyền kỳ được bà bầu Trịnh Kim Chi xây dựng thêm một phiên bản dành cho thiếu nhi. Một số vai diễn được các diễn viên nhí thay thế, những màn múa hát cũng được dàn dựng thêm với những ca khúc, điệu nhảy dành cho trẻ thơ để vở diễn gần gũi hơn với khán giả nhỏ tuổi.

Không hẹn mà gặp, cả ở Hoàng tử, công chúa và 9 vị thần… bị bắt lẫn Lọ Lem truyền kỳ, các bé sẽ không có cảm giác ghét cay ghét đắng những nhân vật người xấu. Vị thần Bóng Đêm ở kịch Hoàng tử, công chúa và 9 vị thần… bị bắt chỉ vì không được mọi người yêu thương nên mới muốn chứng tỏ quyền lực để gây sự chú ý. Và phía sau vụ bắt cóc còn là một câu chuyện thú vị khác.

Còn ở kịch Lọ Lem truyền kỳ, dì ghẻ vốn không ưa con chồng nhưng lại rất vụng về, hậu đậu. Nhặt được cây đũa thần của bà tiên, sự vụng về của dì ghẻ làm mọi thứ đảo lộn và bà cũng là nạn nhân của chính mình.

Ngoài nội dung và thủ pháp dàn dựng thì phần phục trang được cả hai nhà sản xuất đặc biệt quan tâm, đầu tư với chi phí khá cao. Hơn mười bộ trang phục của các nhân vật chính trong vở Lọ Lem truyền kỳ được bà bầu Trịnh Kim Chi đặt mua ở nước ngoài. Số còn lại đặt may để phù hợp với tính cách, tạo hình của từng nhân vật.

Với Hoàng tử, công chúa và 9 vị thần… bị  bắt, khoảng 100 bộ phục trang kèm mũ, mão… được thiết kế mô phỏng theo trang phục cổ của người Việt thời vua Hùng và được may tại xưởng may của Công ty Sân khấu-Nghệ thuật Thái Dương, dưới sự giám sát gắt gao của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn và đạo diễn Vũ Minh.

Hoàng tử, công chúa và 9 vị thần… bị bắt bắt đầu công diễn từ ngày 20-5 tại Nhà hát Bến Thành (số 6 Mạc Đỉnh Chi, quận 1); Lọ Lem truyền kỳ phiên bản thiếu nhi ra mắt ngày 1-6 tại sân khấu Trịnh Kim Chi (số 259 Hậu Giang, quận 6).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Công thức món Việt lọt top 50 món ăn làm từ...

0
(SGTT) - Trong danh sách bình chọn 50 món ăn làm từ nghêu ngon nhất thế giới do chuyên trang ẩm thực quốc tế...

Tiệm phở từng là Sở chỉ huy tiền phương của biệt...

0
(SGTT) – Nằm trên đường Lý Chính Thắng (quận 3, TPHCM), tiệm phở Bình không chỉ nổi tiếng với hương vị phở truyền thống...

Cục Hàng không yêu cầu tăng chuyến bay đến TPHCM, phục...

0
(SGTT) - Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi các hãng hàng không trong nước, yêu cầu tăng tần suất chuyến...

Kiến trúc độc đáo của nhà thờ họ Dương trăm năm...

0
(SGTT) - Với tuổi đời hơn trăm năm và lối thiết kế hòa quyện giữa văn hóa Đông – Tây, nhà cổ Bình Thủy...

Thủ tướng yêu cầu hoàn thành cao tốc Cần Thơ –...

0
(SGTT) - Trong chuyến thị sát công trường dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Thủ tướng yêu cầu hoàn thành dự...

Bộ Y tế công bố 21 sản phẩm thuốc giả

0
(SGTT) - Theo Cục Quản lý dược, trong số 21 sản phẩm thuốc giả bị Công an tỉnh Thanh Hóa thu giữ có 4...

Kết nối