(SGTT) - Hàng tỉ thiết bị điện tử dành cho ngôi nhà thông minh như loa điều khiển bằng giọng nói, máy hút bụi tự động hay chuông cửa có hình… đã được bán ra thị trường trong vài năm gần đây. Tất cả các thiết bị này đều có nguy cơ bị xâm nhập và trở thành lỗ hổng an ninh để kẻ xấu lợi dụng.
Ở phương Tây, những bộ chuông cửa có hình ảnh, ti vi điều khiển bằng giọng nói, những chiếc loa thông minh của Amazon, Google hay máy hút bụi tự động Roomba của hãng iRobot là những vật dụng ngày càng quen thuộc. Người ta còn mua và đem biếu tặng những thiết bị điện tử thông minh kiểu này cho nhau trong những dịp lễ hay ngày sinh nhật.
Người nhận quà dĩ nhiên sẽ vui nhưng có thể từ mừng chuyển sang lo nếu biết rằng những thiết bị này tiềm ẩn nhiều phiền toái hơn họ tưởng nhiều.
Theo Yair Levy, Giám đốc của Trung tâm nghiên cứu an ninh tin học, trường Đại học Đông Nam Nova (Mỹ), tất cả những thiết bị thông minh đều có thể bị xâm nhập. Levy nói: “Nếu bạn có thể truy cập vào thiết bị và điều khiển chúng thì người khác cũng làm được. Mỗi khi bạn mua một món đồ thông minh mới về là bạn lại thêm một lỗ hổng mới trong hệ thống bảo mật của ngôi nhà mình”.
Hàng tỉ thiết bị gia dụng thông minh đã được bán ra thị trường và có vẻ như rất ít người từng quan tâm đến chuyện mất an toàn cho đến lúc có vụ xâm nhập xảy ra và để lại hậu quả. Lúc đó, ý thức về bảo đảm an ninh mạng cho ngôi nhà dẫu xuất hiện cũng đã muộn màng.
Vì vậy, để sự tiện ích không đi kèm với rủi ro, lời khuyên của những chuyên gia như Levy là hãy cẩn thận và làm theo những bước đơn giản sau:
Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng
Tim Rader, Giám đốc phát triển sản phẩm của công ty an ninh mạng ADT, cho biết hầu hết các thiết lập ban đầu đều luôn có những điều khoản hay sự tùy chọn làm ảnh hưởng đến sự riêng tư và thông tin của người dùng. Không nên lướt qua phần hướng dẫn sử dụng mặc dù lúc nào trông chúng cũng nhàm chán và xấu xí. Đừng quá hào hứng với món đồ gia dụng thông minh mới mà lơ là trong những bước thiết lập đầu tiên cho thiết bị ấy.
Thường xuyên thay đổi mật khẩu
Nhiều đồ gia dụng thông minh được nhà sản xuất cài đặt sẵn mật khẩu từ đầu. Những mật khẩu dạng này không có gì là bí mật với những người xâm nhập (hacker) giỏi nghề. Hãy cố gắng tạo những mật khẩu mới và không dùng một mật khẩu chung cho tất cả các thiết bị.
Để tiện cho việc nhớ mật khẩu, Tim Rader khuyên mọi người nên chọn lấy một cách bí mật để tạo mới mật khẩu theo quy tắc nào đó. Ví dụ, bạn có thể chọn mật khẩu là các từ trong một bài hát hoặc bài thơ mà mình yêu thích. Đừng quên kết hợp các từ này với con số và chọn chữ cái để in hoa. Việc này sẽ giúp mật khẩu trở nên phức tạp, khó dò hơn.
Bảo mật hai lớp
Reza Azaderasksh, giáo sư thỉnh giảng bộ môn khoa học máy tính ở trường Đại học Atlantic Florida (Mỹ), nói rằng việc thay đổi mật khẩu định kỳ cho các thiết bị y tế là cần thiết nhưng không phải là an toàn tuyệt đối.
Hầu hết các thiết bị thông minh ngày nay đều có thêm lớp bảo mật thứ hai, thường là mã ngẫu nhiên. Đây cũng là lý do mà mọi người nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng vì lớp bảo mật thứ hai thường được thiết lập ngay từ đầu.
Để cho phương pháp bảo mật này hiệu quả, Reza Azaderasksh nói rằng tốt nhất không nên để điện thoại nhận mã xác thực kết nối liên tục với W-Fi chung của cả nhà. Hãy tạo thói quen bỏ kết nối Wi-Fi khỏi điện thoại khi không dùng đến.
Kiểm soát các thiết bị nhận diện giọng nói
Không ít người dùng chưa biết là trợ lý ảo Alexa có khả năng ghi âm giọng nói để “học” và nâng cao khả năng nhận diện mệnh lệnh từ người dùng. Những dữ liệu này cũng được chia sẻ cho các thiết bị thông minh khác trong nhà có kết nối với Alexa. Và Alexa cũng ghi âm bạn ngay cả khi bạn không kích hoạt nó lên.
Điều này có nghĩa là hacker hoàn toàn có thể lợi dụng kết nối giữa các thiết bị và việc ghi âm thụ động của Alexa để nghe lén bạn.
Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể tắt, xóa dữ liệu ghi âm và mệnh lệnh giọng nói lưu trên Alexa nếu làm theo đúng hướng dẫn từ Amazon. Bạn cũng có thể chọn khoảng thời gian hoạt động cố định cho tính năng ghi âm ngầm này theo hướng dẫn chung của nhà sản xuất.
Vũ Hoàng