(SGTT) - Vào những ngày hè, thời tiết oi bức và ẩm ướt rất dễ khiến trẻ mắc các bệnh về da. Do đó, việc chăm sóc da khi ở nhà là rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho bé.
- Cách bảo vệ và chăm sóc da ngày nắng
- Cách bảo vệ và chăm sóc da ngày nắng
- Chăm sóc sức khỏe từ xa ở ASEAN tăng trưởng vượt trội trong mùa đại dịch
So với người lớn, da của bé mỏng manh và nhạy cảm hơn nhiều, đặc biệt trong thời tiết nóng bức mùa hè, trẻ thường dễ mắc các bệnh về da do virus và vi khuẩn gây ra. TS.BS Huỳnh Thị Xuân Tâm, giảng viên bộ môn Da liễu, đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết "Khí hậu oi bức mùa hè dễ khiến làn da của chúng ta bị tổn thương, các tác nhân gây bệnh dễ dàng xâm nhập vào cơ thể, đặc biệt đối với trẻ em".
Sài Gòn Tiếp Thị đã có một vài trao đổi với bác sĩ Tâm xung quanh các bệnh dễ mắc mùa nóng của trẻ và những cách phụ huynh nên thực hiện để giúp trẻ tránh các bệnh mùa nóng.
Thưa bác sĩ, trời đã vào hè, thời tiết nóng bức. Những loại bệnh về da nào trong mùa nóng mà trẻ dễ gặp phải?
TS.BS Huỳnh Thị Xuân Tâm: Có 5 loại bệnh về da mà trẻ thường gặp khi thời tiết vào mùa nóng như hiện nay.
Bệnh sởi
Đây là một bệnh truyền nhiễm cấp tính với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ… Bệnh có thể gặp ở trẻ em, người lớn nếu không có biện pháp miễn dịch phòng bệnh thì dễ thành dịch và khó kiểm soát.
Bệnh sởi tuy ít gây tử vong nhưng có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc và đôi khi gây viêm não, đặc biệt ở trẻ em suy dinh dưỡng.
Bệnh chân tay miệng
Bệnh rất thường gặp ở trẻ em, do virus đường ruột gây ra. Biểu hiện của bệnh là gây sốt, đau họng, nổi ban có bọng nước. Trẻ nhỏ thường đau khóc, bỏ bú, lúc này miệng trẻ có những vết lở miệng, xuất hiện nhiều ở vòm miệng, môi trong, lợi, lưỡi... Sau đó, trẻ xuất hiện những vết phát ban dạng phỏng nước hoặc vết nổi cộm trên da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân…
Bệnh thủy đậu
Trẻ bị thủy đậu thường có các triệu chứng đặc trưng như nổi bóng nước thành từng đợt, xen kẽ bóng nước cũ và bóng nước mới, thường kèm theo sốt cao, đau đầu, đau cơ, nôn ói, cảm giác ngứa ngáy.
Bệnh thủy đậu thường khiến cho trẻ khó chịu và đau do các mụn nước vỡ gây rát, kèm các biểu hiện toàn thân như sốt, ngứa ngáy…
Rôm sảy
Rôm sảy rất phổ biến ở trẻ em trong mùa hè, nhất là trẻ dưới 3 tuổi. Nguyên nhân chính là trong thời tiết nóng bức, mồ hôi trẻ tiết nhiều không thoát ra được hết, ứ đọng trong ống bài tiết khiến làn da nổi lên nhiều mẩn nhỏ lấm tấm màu hồng, mọc thành từng đám, có khi dày đặc.
Chốc lở
Bệnh xuất hiện với những bóng nước hình tròn, dẹp, sau vài giờ, bóng nước đục dần, có mủ rồi vỡ, đóng vảy màu vàng. Bệnh rất dễ lây lan và thường lây trực tiếp từ vùng da bệnh đến vùng da lành trên cùng một trẻ hoặc từ trẻ này sang trẻ khác.
Như vậy, người lớn cần chú ý vấn đề gì khi chăm sóc cho trẻ để hạn chế tối đa khả năng trẻ bị mắc các bệnh ngoài da trong mùa nóng thưa bác sĩ?
Các bậc phụ huynh cần hết sức lưu ý trong quá trình chăm sóc cũng như phòng, chống các bệnh ngoài da cho trẻ bằng một số biện pháp như:
- Để ý thường xuyên lau mồ hôi cho trẻ khăn bằng khăn xô thấm nước ấm, mục đích là để lỗ chân lông em bé thoáng hơn và không bị bí.
- Giữ ẩm cho da cho bé. Phụ huynh chú ý thoa sữa dưỡng ẩm cho bé vào những chỗ da dễ gập và đổ mồ hôi như bụng, má, sau tai, ngón tay, nách, khuỷu tay và chân.
- Không nên tắm quá nhiều lần cho bé khi trời nắng nóng. Khi tắm cho bé, phụ huynh nên duy trì nhiệt độ phòng khoảng 28 – 30 độ C.
- Cho bé mặc quần áo thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt. Nên tránh mặc quần áo có chất liệu từ sợi hỗn hợp vì sẽ khiến da của bé bí bách và làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Không quên bảo vệ da trẻ trước khi đi ra ngoài. Các bậc phụ huynh nên chú ý thoa kem chống nắng hoặc che chắn kỹ lưỡng ở tay và chân cho bé. Tuy nhiên, bạn cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng kem chống nắng cho trẻ.
Xin cám ơn bác sĩ!
Hiệp Trần thực hiện